Bức tranh kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2017

Bức tranh kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2017 có nhiều điểm sáng về niềm tin của doanh nghiệp vào thị trường, sản xuất công nghiệp có chuyển biến cực...
Bức tranh kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2017

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2017 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới chuyển biến tích cực với đà tăng trưởng khả quan từ kinh tế Mỹ và các nước phát triển.

Hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu phục hồi trở lại là những yếu tố tác động tích cực đến sản xuất trong nước. Tuy nhiên, việc gia tăng chủ nghĩa bảo hộ cùng với những điều chỉnh chính sách của Mỹ và một số nước lớn đã ảnh hưởng đáng kể tới cơ hội xuất khẩu của Việt Nam và một số nước trong khu vực.

Tổng cục Thống kê nhận định, bên cạnh kết quả nổi bật về cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, xuất khẩu, thu hút khách quốc tế và đầu tư nước ngoài trong những tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với những khó khăn: Tốc độ tăng trưởng quý I có dấu hiệu chững lại, giá nông sản, thực phẩm, nhất là giá thịt lợn giảm mạnh tác động tiêu cực tới chăn nuôi và thách thức tới mục tiêu tăng trưởng năm 2017 của cả nước. 

Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 1,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2017 với mức ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước, trong đó GDP quý 1 tăng 5,15%, quý 2  tăng 6,17%. 

Theo kế hoạch đã được Quốc hội thông qua, mục tiêu GDP năm 2017 là tăng 6,7%. Như vậy, với mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay, áp lực tăng trưởng cuối năm là rất lớn. 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 4,15% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. CPI tháng 6/2017 tăng 0,20% so với tháng 12/2016 và tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 97,8 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 27 tỷ USD, tăng 13,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 70,8 tỷ USD, tăng 21%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong khi đó, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu nửa đầu năm 2017 đạt 100,5 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2017 cho thấy: Có 43% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II năm nay tốt hơn quý trước; 19,2% doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 37,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2017 theo giá hiện hành ước tính đạt 674,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước và bằng 32,8% GDP.

Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện 6 tháng ước tính đạt 115 nghìn tỷ đồng, bằng 38,7% kế hoạch năm và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/6/2017 thu hút 1.183 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 11,84 tỷ USD, tăng 56,3% về số dự án và tăng 57,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, có 549 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5,14 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu năm nay, có 2.501 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 2,25 tỷ USD. Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 6 tháng đầu năm đạt 19,23 tỷ USD, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm ước tính đạt 7,7 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2017 ước tính đạt 500,9 nghìn tỷ đồng, bằng 41,3% dự toán năm. Trong giai đoạn này, tổng chi ngân sách Nhà nước ước tính đạt 533,4 nghìn tỷ đồng, bằng 38,4% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 398,9 nghìn tỷ đồng, bằng 44,5%. Chi trả nợ gốc từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2017 ước tính đạt 88,1 nghìn tỷ đồng, bằng 53,8% dự toán năm.

Theo Vov.vn

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...