Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, đến thời điểm này, dịch bệnh Covid tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu trong đó Việt Nam không ngoại lệ. DN thu hẹp hoạt động sản xuất, thậm chí là đóng cửa khiến nhiều người bị mất việc hoặc thu nhập giảm sút. Trong số những người này thì có nhiều người đang vay vốn tiêu dùng tại ngân hàng và thế chấp khoản vay bằng thu nhập hàng tháng. Cho đến nay, dư nợ cho vay tiêu dùng gồm cả vay mua nhà, sửa nhà… cũng tương đối nhiều trong tổng dư nợ của ngân hàng. Điều này đồng nghĩa với việc rủi ro nợ xấu lên các ngân hàng sẽ cao hơn trong thời gian tới.
Trường hợp này đang xảy ra ở Trung Quốc khi nhiều món nợ cho vay tiêu dùng đã trở thành nợ xấu, vì người vay vốn mất khả năng trả nợ do không có công ăn việc làm, không có thu nhập. Ở Việt Nam cũng sẽ khó tránh khỏi khi nhiều khách hàng đang không có khả năng trả nợ.
Các động thái hỗ trợ khách hàng cá nhân hiện nay của các ngân hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ; miễn, giảm lãi suất là rất tốt. Nó có ý nghĩa giảm bớt phần nào áp lực tài chính của những người đang vay, đồng thời sẽ khuyến khích những người vẫn còn đủ năng lực tài chính tiếp tục vay cho mục đích cá nhân của mình.
Nhưng vấn đề cốt lõi để giúp khách hàng vượt qua được khó khăn và có khả năng trả nợ không chỉ từ phía ngân hàng. Bởi điều khách hàng đang cần là công ăn việc làm, rồi mới có thể hồi phục thu nhập, lương, thưởng và trả nợ ngân hàng.
Trước hết phụ thuộc vào diễn biến tình hình dịch bệnh thế nào. Nếu dịch bệnh kiểm soát tốt, nền kinh tế sớm hồi phục, DN tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, người lao động quay trở lại làm việc.
Hiện tại, trước tình hình khó khăn như vậy, ngoài hỗ trợ từ ngân hàng, người dân, DN rất cần đến bàn tay của Chính phủ. Chẳng hạn như gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng để giúp người lao động mất công ăn việc làm có nguồn để trang trải chi phí cuộc sống là vô cùng cần thiết và kịp thời. Nếu Chính phủ có điều kiện có thể tiếp tục tăng quy mô gói hỗ trợ này thêm để nhiều người dân được hưởng thụ thêm chính sách ưu đãi này.
Còn trong tương lai để người lao động có thể hồi phục tài chính, tăng khả năng trả nợ thì sản xuất kinh doanh phải hoàn toàn phục hồi. Tuy nhiên điều đó, bên cạnh các chính sách của Chính phủ, còn phụ thuộc vào sự phục hồi của kinh tế thế giới bởi nền kinh tế Việt Nam hội nhập rất sâu, xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong tăng trưởng GDP của Việt Nam. Chẳng hạn năm ngoái, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên trên 500 tỷ USD, gần gấp đôi quy mô GDP. Do vậy, chừng nào kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại chừng đó kinh tế Việt Nam nói chung phát triển, DN, người lao động Việt Nam nói riêng hồi phục được thu nhập.