Các ngân hàng nước ngoài đang làm ăn thế nào tại Việt Nam?

Tại Việt Nam hiện có 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài được cấp phép hoạt động, tăng gấp đôi trong 2 năm trở lại đây cho thấy Việt Nam đang có nhiều điểm hấp dẫn.
Các ngân hàng nước ngoài đang làm ăn thế nào tại Việt Nam?

Sự tham gia của các tổ chức tài chính nước ngoài tại Việt Nam trong 2 năm gần đây đã có nhiều biến động khi chứng kiến không ít trường hợp ngân hàng ngoại rút lui hoặc thu hẹp đầu tư tại Việt Nam. Điển hình như việc HSBC Việt Nam thoái vốn khỏi Techcombank, ngân hàng Commonwealth Bank của Úc bán chi nhánh tại TP.HCM cho VIB, BNP Paribas bán hết 18,7% vốn cổ phần tại OCB sau một thập kỷ hợp tác hay Standard Chartered cũng bán toàn bộ 8,75% cổ phần ACB sau 12 năm gắn bó,...

Trong khi ngân hàng ngoại rút vốn khỏi các ngân hàng nội thì số lượng ngân hàng 100% vốn nước ngoài được thành lập lại gia tăng trong thời gian vừa qua. Trong 2 năm 2016-2017, đã có thêm 4 ngân hàng ngoại được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, nâng số lượng lên 9 ngân hàng có 100% vốn nước ngoài.

9 ngân hàng này bao gồm HSBC (Hồng Kong – Thượng Hải), ANZ (Australia), Standard Chartered (Anh), Shinhan (Hàn Quốc), Hong Leong (Malaysia), Public Bank Berhad (Malaysia), Woori (Hàn Quốc), CIMB (Malaysia) và UOB (Singapore).

Tính đến hết năm 2017, tổng tài sản của các ngân hàng liên doanh, nước ngoài tại Việt Nam là 954.165 tỷ đồng; vốn tự có đạt 141.838 tỷ đồng; vốn điều lệ là 109.656 tỷ đồng. Trong khi các ngân hàng nội đang phải đau đầu với chuyện nhanh chóng tăng vốn để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tổi thiểu theo Hiệp ước Basel II thì ngân hàng ngoại lại khá thảnh thơi. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của nhóm ngân hàng này ở mức 29,11%, cao gấp 3 lần nhóm NHTM Nhà nước và 2,5 lần so với nhóm NHTM CP tư nhân Việt.

Theo số liệu đến cuối quý 3 năm 2017 (là số liệu mới nhất do NHNN cung cấp), tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của nhóm NH liên doanh, nước ngoài đạt 0,74%, cao hơn so với các NHTM Nhà nước (0,46%) và NHTM CP (0,5%). Trong khi đó, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các NH liên doanh, nước ngoài là 4,57%, thấp hơn so với NHTM Nhà nước (9,06%) và NHTM Cổ phần (7,07%).

Cụ thể hơn về kết quả kinh doanh của từng ngân hàng thì lại không có nhiều thông tin như ngân hàng nội. Hiện có HSBC, ANZ và Shinhan Bank là những nhà băng công bố BCTC định kỳ theo năm, song chủ yếu là báo cáo tóm tắt không có phần thuyết minh.

HSBC là ngân hàng có sự hiện diện lâu đời nhất tại Việt Nam khi năm 1870 đã mở văn phòng đầu tiên tại Sài Gòn và được cho phép thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài năm 2008. Cuối năm 2017, tổng tài sản của HSBC Việt nam đạt trên 87 nghìn tỷ, tăng 2,4 lần sau 10 năm thành lập; vốn điều lệ được nâng từ 3.000 tỷ lên 7.528 tỷ.

HSBC Việt Nam cho biết lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt được là 2.232 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2016. Trong đó, tương tự như các NHTM Việt nguồn thu chính xuất phát từ hoạt động tín dụng; thu nhập lãi đóng góp 65% tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Thu nhập ngoài lãi thường chiếm 30-35%, tỷ lệ này nhỉnh hơn một chút so với mặt bằng chung tại Việt Nam song vẫn còn thấp hơn nhiều so với tại nước ngoài (thường trên 60%).

Một ngân hàng ngoại nữa có lợi nhuận nghìn tỷ tại Việt Nam là ANZ. Năm 2017, nhà băng này đạt 1.335 tỷ đồng, tăng đột biến 2,3 lần so với năm 2016. Tuy nhiên, phần lợi nhuận đột biến không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà đến từ mục lãi từ hoạt động khác đạt 825 tỷ, gấp 59 lần cùng kỳ. Nhiều khả năng chủ yếu do ghi nhận khoản lãi từ việc hoàn tất chuyển mảng ngân hàng bán lẻ cho Shinhan Bank cuối năm 2017.

Ngoại trừ thu nhập lãi tiếp tục tăng trưởng 10% thì các hoạt động kinh doanh khác sụt giảm đáng kể so với năm trước đó. Như hoạt động dịch vụ chỉ còn lãi 299 tỷ đồng, giảm 8%; kinh doanh ngoại hối đạt 198 tỷ, giảm 21%; mua bán chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư đạt 60 tỷ, giảm 61%. Theo BCTC, đến cuối năm 2017, ANZ sạch nợ quá hạn và nợ khó đòi tại ngân hàng.

Trong làn sóng đổ bộ và tăng cường đầu tư đến từ các "đại gia" Hàn Quốc, Shinhan Bank thể hiện tham vọng của mình khi mua đứt mảng bán lẻ của ANZ tại Việt Nam, mục tiêu vươn lên top 3 kinh doanh thẻ tín dụng tại thị trường trong 3 năm tới. Năm 2017, Shinhan Bank Việt Nam đạt được 1.617 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 24,6% so với năm 2016. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 23,5% đạt 2.112 tỷ đồng; lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 17,7% đạt 213 tỷ,…Sau khi mua lại mảng bán lẻ của ANZ, tổng tài sản của ngân hàng này đạt trên 75 nghìn tỷ, tăng 37,6% so với năm 2016.

Có thể thấy, so với nhiều ngân hàng Việt, lợi nhuận của 3 ngân hàng 100% vốn nước ngoài kể trên còn khá khiêm tốn. Song so sánh một cách công bằng với những ngân hàng Việt có cùng quy mô tổng tài sản trên dưới 100 nghìn tỷ (BacABank, OCB, ...) thì HSBC, ANZ, Shinhan đang vượt trội hơn.

Thực tế mỗi một ngân hàng ngoại tham gia vào thị trường Việt Nam có hướng đi không nhất thiết giống nhau. Như Shinhan Bank thể hiện tham vọng với thị trường thẻ tín dụng thì CIMB cho biết sẽ tập trung triển khai ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 1/2018. Còn UOB - ngân hàng gần đây nhất được cấp phép hoạt động - lại muốn hướng đến ngành công nghệ tài chính (fintech) tại Việt Nam thông qua chương trình FinLab, một liên doanh giữa UOB và SGInnovate

Việt Nam đang có tới 34 ngân hàng thương mại, áp đảo hoàn toàn các ngân hàng ngoại ở nhiều mặt về mạng lưới, thị phần cho vay,....Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh của các ngân hàng ngoại chính là danh tiếng, kinh nghiệm cũng như quy mô và sức khỏe tài chính của các ngân hàng này. Biểu hiện thấy rõ nhất là hệ số CAR cao, chất lượng dịch vụ, khả năng bảo mật được đánh giá tốt hơn. Điều này cũng sẽ tạo áp lực không nhỏ cho các ngân hàng nội khi mà thị trường ngày càng khó tính hơn, đòi hỏi nhiều về tín nhiệm, chất lượng dịch vụ và an toàn bảo mật trong giao dịch.

Theo Trí thức trẻ

Có thể bạn quan tâm

Toàn cảnh hội thảo

Để ESG dẫn dòng tín dụng

Ngành ngân hàng đang thúc đẩy thực hành ESG, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ các dự án thân thiện với môi trường, mở rộng và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh...

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Những tác động tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và lãi suất có thể khiến tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng gia tăng. Các ngành hướng tới xuất khẩu và chuỗi cung ứng dự báo sẽ gặp khó khăn do sự thay đổi trong nhu cầu thị trường và áp lực tỷ giá, từ đó gây sức ép lên chất lượng tài sản của ngân hàng...

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...