Các nước thành viên của EU đạt được thỏa thuận về cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ

Ngày 26/7, các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga.
Các nước thành viên của EU đạt được thỏa thuận về cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ

Trên mạng xã hội Twitter, Cộng hòa Séc, nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, viết: "Đây không phải là nhiệm vụ bất khả thi! Các bộ trưởng đã đạt được một thỏa thuận chính trị về cắt giảm nhu cầu khí đốt trước thềm mùa Đông sắp tới."

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Công Thương Séc Jozef Sikela, người chủ trì Hội nghị bộ trưởng năng lượng Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Brussels, tuyên bố kế hoạch của Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu cho thấy các nước EU cần phải đồng ý giảm sử dụng khí đốt của Nga trong mùa Đông này.

Theo ông, việc Gazprom cắt giảm nguồn cung là "bằng chứng bổ sung cho thấy chúng tôi phải nắm thế chủ động và phải giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp của Nga càng sớm càng tốt."

Trong khi đó, Đức, cường quốc kinh tế của EU, phụ thuộc rất lớn vào khí đốt của Nga cũng như nguồn cung từ tập đoàn năng lượng Gazprom trong nhiều năm, hiện cũng đang gấp rút tìm kiếm các nguồn thay thế.

Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thừa nhận việc Đức phụ thuộc vào khí đốt của Nga là "một sai lầm chiến lược" và chính phủ đang nỗ lực khắc phục điều này.

Ông nhấn mạnh đây "không chỉ là vấn đề của Đức, mà là vấn đề của Trung-Đông Âu" và các nước "phải cùng nhau giải quyết vấn đề này."

Trước đó, các nước thành viên EU đã thẳng thừng từ chối đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về việc trao quyền cho Brussels áp đặt việc cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ trong trường hợp khẩn cấp.

Họ muốn chính 27 quốc gia thành viên - chứ không phải cơ quan điều hành EU có trụ sở tại Brussels - quyết định thời điểm và cách thức thực hiện các mục tiêu ràng buộc.

Bên cạnh đó, mục tiêu cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình của mỗi quốc gia thông qua một loạt các trường hợp miễn trừ, có tính đến mức dự trữ khí đốt của mỗi nước cũng như liệu họ có đường ống dẫn khí đốt hay không.

Trước khi leo thang căng thẳng vì chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva tại Ukraine, Nga cung cấp khoảng 40% khí đốt tiêu thụ tại EU.

Hồi tháng Sáu, Moskva đã giảm lượng khí đốt vận chuyển qua Dòng chảy phương Bắc 1 xuống còn 40%, với lý do 1 tuabin được sửa chữa ở Canada chưa được đưa trở lại Nga.

Tập đoàn Gazprom ngày 25/7 thông báo tiếp tục cắt giảm lượng khí đốt chuyển qua đường ống này.

Cụ thể, kể từ sáng 27/7, công suất qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 sẽ giảm xuống chỉ còn 20%, tương đương 33 triệu m3 khí/ngày và lý do là tập đoàn phải sửa chữa 1 tuabin khác.

Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng vọt sau khi Gazprom tuyên bố giảm nguồn cung.

Theo dữ liệu từ sàn giao dịch London ICE ngày 26/7, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng lên mức hơn 2.000 USD/1.000m3 lần đầu tiên kể từ tháng Ba. Các giao dịch trong kỳ hạn tháng 8 mở cửa ở mức 1.891,4 USD/1.000m3 so với mức đóng cửa ngày 25/7 là 1.852 USD.

Hiện giá giao kỳ hạn tháng Tám trên TTF ở mức 2010 USD/1.000m3. Kể từ đầu phiên giao dịch ngày 26/7, giá đã tăng 7%.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...