Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước, trong đó có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống có bề dày lịch sử lâu đời, gắn liền với lịch sử phát triển của Thủ đô như: Gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, thêu Quất động…
Tính đến nay, Hà Nội có 1.350 làng nghề, đang tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD/năm và đang đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Thủ đô.
Tuy nhiên, làng nghề nói chung và làng nghề Hà Nội nói riêng vẫn đang còn nhiều tồn tại như mẫu mã sản phẩm ít được đổi mới, thiếu khả năng tự khai thác thị trường, công nghệ thiết bị sản xuất chủ yếu thô sơ, lạc hậu…
Ngoài ra, quy mô sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, chất lượng chưa được cao, thiếu cơ sở mặt bằng… đang là điểm yếu mà các làng nghề này phải đối mặt.
Đánh giá về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thừa Lộc, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho hay, mặc dù các làng nghề đã cố gắng đưa ra các sản phẩm rất đẹp, tuy nhiên, giá trị văn hóa, sự thiết thực của các sản phẩm đối với đời sống của người dân vẫn chưa đạt tới. Thiết bị lạc hậu dẫn đến sản phẩm làm ra giá cả không cạnh tranh được với các nước, đặc biệt là Trung Quốc….
Thực tế hiện nay, để xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài đòi hỏi các yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe, trong khi đó, công nghệ làm ra sản phẩm cuối cùng chưa đáp ứng được yêu cầu của phía khách hàng. Đây là nguyên nhân khiến cho làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm vẫn chỉ loanh quanh “ao làng”.
Trong xu thế toàn cầu hiện nay, cách mạng công nghiệp 4.0 được hi vọng sẽ giúp cho các làng nghề phát triển. Tuy nhiên để tận dụng được những lợi thế này, các làng nghề phải định vị trình độ của các chủ thể kinh doanh để có giải pháp áp dụng phù hợp.
PGS.TS Nguyễn Thừa Lộc nhận định, trong CMCN 4.0 thách thức lớn nhất là làm trầm trọng hơn những bức xúc vốn có của làng nghề như sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm tụt hậu, chất lượng còn thấp. “Làng nghề chưa từng trải qua đầy đủ các cuộc CMCN 2.0, 3.0 thì việc tiếp cận cuộc CMCN 4.0 sẽ gặp khó khăn”, ông Lộc nói.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần định vị lại điểm xuất phát của làng nghề Việt đang ở vị trí nào trong tiến trình nào, từ cách mạng 1.0; 2.0; 3.0 hay 4.0? Từ cơ sở này mới vạch ra bước đi phù hợp.
"Các làng nghề và các chủ thể trong đó, cần có một chiến lược phát triển bài bản, trong đó, việc xác định mục tiêu đúng và hướng đi chính xác là hết sức quan trọng. Và trong cuộc CMCN 4.0, nghệ nhân, thợ giỏi là linh hồn của làng nghề. Do đó, việc đào tạo nhân tố con người là hết sức quan trọng.
Trong quá trình này, làng nghề cũng phải tự tái cơ cấu bền vững theo trình tự gồm: Tái cơ cấu sản phẩm, loại bỏ các sản phẩm truyền thống hiện có của làng nghề nhưng không phù hợp với nhu cầu khách hàng, cùng với đó là sáng tạo ra các sản phẩm mới đáp ứng được nhu cầu, muốn vậy phải đưa giá trị văn hóa vào sản phẩm đấy.
Ngoài ra, làng nghề cũng cần tái cơ cấu thị trường theo hướng đa dạng hóa thị trường, xác định thị trường trọng điểm, xúc tiến thương mại cho sản phẩm ngay từ khi bắt đầu sản xuất. Tái cơ cấu tổ chức quản lý, tái cơ cấu tài chính. Tái cơ cấu làng nghề là sự thay đổi cần thiết, rất cơ bản và toàn diện nhằm đưa làng nghề lên một bước phát triển mới.
Cùng với đó, Nhà nước cần có chính sách trợ cấp, cải thiện môi trường kinh doanh để các làng nghề có thể tiếp cận với đất đai, vốn… khuyến khích tạo điều kiện để các làng nghề hấp thụ, tiếp thu công nghệ mới. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh ở cả cấp độ sản phẩm và cấp độ làng nghề.