Cách tính lãi suất tiết kiệm mới tác động ra sao đến người gửi tiền?

Việc thay đổi cách tính lãi suất tiết kiệm và cho vay đã được một loạt các ngân hàng thương mại thông báo trong những ngày đầu năm 2018.
Cách tính lãi suất tiết kiệm mới tác động ra sao đến người gửi tiền?

Theo đó, lãi tiết kiệm và cho vay được tính dựa trên cơ sở xác định một năm 365 ngày thay vì 360 ngày như trước đây. Cụ thể, với lãi suất tiền gửi tiết kiệm 7%/năm kỳ hạn 1 tháng (30 ngày), nếu tính lãi 1 năm 360 ngày thì lãi suất tiết kiệm 1 tháng là 0,583%, nhưng khi tính 1 năm 365 ngày thì lãi tiết kiệm mỗi tháng giảm xuống còn 0,575%. Như vậy, với cách tính lãi mới, người gửi tiền sẽ nhận lãi ít hơn so với cách tính trước đây.

Trong thời gian qua, một số ngân hàng thực hiện thu lãi theo ngày thực tế 365 hoặc 366 ngày, nhưng khi quy đổi lãi năm thỏa thuận trên hợp đồng về lãi suất ngày thì số ngày quy ước là 360 ngày, dẫn đến vướng mắc thậm chí khiếu nại giữa khách hàng và ngân hàng về việc áp dụng số ngày trong một năm để tính, thu và trả lãi.

Việc thay đổi cách tính này thực hiện theo Thông tư số 14/2017/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Nội dung thông tư cũng quy định tổ chức tín dụng được thỏa thuận với khách hàng xác định thời hạn tính lãi theo một trong hai phương pháp: Bỏ ngày đầu, tính ngày cuối của thời hạn tính lãi (theo quy định tại Điều 147 và Điều 148 Bộ Luật Dân sự) hoặc phương pháp tính ngày đầu, bỏ ngày cuối của thời hạn tính lãi.

Thông tư yêu cầu tổ chức tín dụng phải cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng về phương pháp tính lãi và mức lãi suất tính lãi trước khi thực hiện giao dịch.

Trường hợp có thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng về phương pháp tính lãi trước năm 2018, được tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận đã ký kết phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm ký kết.

Theo quy định, lãi suất của các sản phẩm tiền gửi, giấy tờ có giá của các ngân hàng đều sẽ được tính theo lãi suất năm, trên cơ sở một năm có 365 ngày thay cho trước đây là 360 ngày.

Với tiền gửi có kỳ hạn, từ ngày 01/01/2018, tiếp tục tính theo phương pháp đang thực hiện trước ngày 01/01/2018 (lãi suất tính lãi được tính theo tỷ lệ %/năm (360 ngày)) cho đến khi hết thời hạn của khoản tiền gửi.

Với khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 1 ngày trở lên, thời hạn tính lãi được xác định từ ngày nhận tiền gửi đến hết ngày liền kề trước ngày đến hạn thanh toán của khoản tiền gửi (tính ngày đầu, bỏ ngày cuối của thời hạn tính lãi) và thời điểm xác định số dư để tính lãi là cuối mỗi ngày trong thời hạn tính lãi.

Các khoản tiền không kỳ hạn bắt đầu từ trước ngày 1/1/2018 sẽ được chuyển sang tính theo phương pháp tính lãi mới nêu trên.

Các khoản tiền gửi có kỳ hạn bắt đầu kể từ ngày 1/1/2018 trở đi được thực hiện tính lãi theo nguyên tắc mới phù hợp và đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Cách tính lãi suất tiết kiệm và cho vay mới của các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)... đều được niêm yết công khai trên website chính thức của ngân hàng.

Theo Bnew

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...