Hội thảo xây dựng kế hoạch hành động cho cam kết Nhóm B và C
Sáng 29/11, Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Ngân hàng thế giới, Tổng cục Hải quan tổ chức hội thảo “Xây dựng kế hoạch hành động nhằm thực hiện cam kết nhóm B và C theo Hiệp định tạo thuận lợi Thương mại của Tổ chức thương mại thế giới WTO”.
Hội thảo này nằm trong chuỗi các hoạt động của dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện trong bối cảnh thực thi Hiệp định tạo thuận lợi thương mại tại Việt Nam.
Các đại biểu tham gia hội thảo đã hoàn thiện việc rà soát lại cam kết nhóm A, đánh giá và phân tích các cam kết B và C, xây dựng kế hoạch hành động cho hai nhóm này. Trong đó, xây dựng chi tiết các nhiệm vụ cần phải làm, các mục tiêu và đầu ra chi tiết cho từng cam kết, khoảng thời gian chuyển đổi, nhu cầu hỗ trợ cần thiết, nhiệm vụ của từng cơ quan liên quan, cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành.
Kế hoạch hành động này sẽ được Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính trình lên Uỷ ban quốc gia về Một cửa và tạo thuận lợi thương mại.
Sau đó, sẽ thông báo kế hoạch thực hiện cam kết cho nhóm B và C lên Ban thư ký WTO khi Hiệp định chính thức có hiệu lực. Khi được thực thi, hiệp định này sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời thức đẩy thương mại và đầu tư ở Việt Nam.
Ông Vũ Ngọc Anh – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan |
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Ngọc Anh – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan này đã và đang nỗ lực xây dựng, hoàn thiện các cam kết liên quan tới lĩnh vực hải quan. Đơn cử, hoạt động kiểm tra chuyên ngành của hải quan có liên quan rất nhiều đến hàng hoá xuất nhập khẩu, như: kiểm dịch động vật, thực vật, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm…. Bên cạnh đó, các cam kết còn liên quan tới các dịch vụ Logistics ở đường bộ, đường biển… để làm sao tiết giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp trong việc thông quan hàng hoá XNK.
Tổng cục Hải quan cũng được giao nhiều nhiệm vụ quan trong liên quan tới các cam kết Nhóm B và C, chẳng hạn: rà soát lại các văn bản pháp lý hiện không còn phù hợp để đưa ra hướng sửa đổi, bổ sung. Hay kế hoạch mua sắm trang thiết bị để phục vụ cho hoạt động đó. Trong hoạt động thực hiện cơ chế 1 cửa quốc gia thì cần xây dựng phương án đầu tư CNTT để số hoá, hiện đại hoá thủ tục…
“Các cam kết nhóm B và C có liên quan tới các cam kết nào mà chúng tôi có thể triển khai được và đưa ra cam kết với WTO, từ đó làm cho hoạt động kinh doanh đơn giản, thuận lợi hơn và hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh”- Ông Ngọc Anh nhấn mạnh.
Thu Hằng