Cảm thức nhân văn từ một cây bút nữ

Đó là cảm nhận đầu tiên của tôi từ bức tranh cuộc sống được ghép lại bởi nhiều mảnh khác nhau thể hiện cái nhìn của nhà báo nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh trong Tuyển tập vừa ra lò, bao gồm 25 truyện ngắn và 3 truyện ký...

nguyen-thi-van-anh-9241.jpg

Có thể bắt gặp ở cuốn sách nhiều hạng người ở nhiều lứa tuổi từ nhiều cảnh ngộ nhiều thân phận mà ở đó nỗi buồn nhiều hơn là niềm vui, thậm chí có lắm sự trớ trêu dở khóc dở cười hoặc cười ra nước mắt...

Nhưng toát lên từ trong mỗi câu chuyện là tấm lòng của người đàn bà viết luôn hướng đến và mong cho mỗi con người được sống cho mình, sống thiện lương và mỗi gia đình là một tổ ấm trong một xã hội ổn định, tốt đẹp.

Với truyện ngắn in đầu tiên viết từ năm 1978 - Trái tim dã thú - thông qua việc thay tim cho đứa con của một người mẹ tội nghiệp không chỉ là để cứu đứa con mà còn là để “cứu” người phụ nữ, thất bại, “tôi hiểu ra rằng nếu chỉ cứu được sự sống mà làm mất đi con người thì đừng cứu còn hơn” bởi tác giả cho rằng “sẽ thật nguy hiểm cho xã hội này nếu chen chúc giữa đám đông là những kẻ mang trái tim dã thú”.

Lấy sự thất bại trong thể nghiệm của một bác sĩ tim mạch, Nguyễn Thị Vân Anh muốn chuyển tải một thông điệp được xuyên thấu trong nhiều truyện khác của chị khi viết về hiện tượng tréo ngoe trong đời sống gia đình với những chuyện bạo hành về tinh thần và thể xác như Nước mắt chảy xuôi, Đứa trẻ sau song sắt, Tấm lòng người mẹ.

Đành rằng “cái đẹp cứu rỗi thế giới” cũng như “lẽ sống của con người là tình thương” và chị đã cho thấy được điều này qua Khoảng lặng giữa chiến trường, Hạnh phúc mong manh, nhưng điểm nhấn của tập sách vẫn là cảnh báo về cái ác, có khi là bẩm sinh không thể chữa như trong truyện Trái tim dã thú nhưng rất nhiều khi nó nảy sinh từ sự ích kỷ, vô tâm của con người.

Khi con người ta, nhất là những đứa con lớn lên trong sự chiều chuộng và hy sinh vô điều kiện của cha mẹ, liệu chúng có một lúc nào đó ngẫm lại mà nhớ đến cuộc song hành về đoạn đời đã qua của mình với bao hy sinh chịu đựng của đấng sinh thành hay cho rằng đó là một tất yếu, một đương nhiên mà mình có quyền được hưởng, có quyền được lãng quên để rồi trở nên bất hiếu, vô lương?

screen-shot-2024-01-05-at-163636-8344.png
Nhà báo nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh

Đọc Nước mắt chảy xuôi, người đọc rùng mình trước một quá trình có lẽ đã được định hình trong tính cách từ trước đó rất lâu của nhân vật tên Phúc - một kẻ không chỉ là bất hiếu từ khi hắn chọn việc đi học nước ngoài (dẫu động cơ đó hoàn toàn chính đáng).

Nhưng từ thời điểm đó, đứa con coi như đủ lông đủ cánh bay ra khỏi mái nhà, vùng đất quê hương của mình và người bố tội nghiệp không còn ở trong bộ nhớ tình cảm của hắn, ngay cả khi ông sang nước ngoài thăm hắn.

Đến khi nghe tin bố chết, hắn về, thuê người liệm xác bố mà không vào. Người thuê liệm nhầm, bị kiện, nhưng hắn vẫn tỉnh queo: “Chú cứ lặng yên để cháu đi mua lô đất cạnh ô đất hồi nãy chôn nhầm, rồi cháu thuê xe đưa bố cháu xuống chôn ở đấy. Thế là được chứ gì?”. Chưa đủ, khi thấy vợ người hàng xóm thân thiết đó xót thương khóc bố hắn, hắn ta còn quắc mắt: “này ông bà là cái gì mà có quyền can thiệp vào chuyện nhà tôi hả?”.

Hai cái tát như trời giáng mà người hàng xóm tống vào mặt hắn là tiếng chuông cảnh tỉnh về suy thoái đạo đức mà tác giả đặt ra cách đây ngót một phần tư thế kỷ đó, xem ra đang càng ngày càng trở nên nặng và khó chữa hơn trong xã hội hiện tại mà truyện Thần tượng là một biểu hiện khác.

Sự vô tâm của cô con gái trong truyện là một biểu hiện của sự vô lương, chứ sao? Rồi tên đàn ông vũ phu đang tâm tạo nên một màn kịch bài bản để cướp của từ một người đàn bà góa, từ người bạn của mình để cuối cùng không chỉ hắn bị chết khi đứa con riêng của người vợ chống lại sự bạo hành của bố dượng đối với mẹ mình mà còn đẩy đứa bé dễ thương hồn nhiên đó thành tội phạm (Đứa trẻ sau song sắt).

Đứa trẻ đó vì chống lại cái ác mà vô tình thành tội phạm giết người – ngộ sát; nhưng đứa trẻ trong Người đàn bà trong phòng xử án lại trở thành tội phạm do cách điều tra tắc trách “hỏi cung nhưng có thèm nghe lời nói thật đâu... Họ chỉ muốn nghe và ghi sự dối trá phù hợp với những điều mà họ muốn thôi”.

Chịu không nổi sự khảo cung mà thằng bé cho là “quá khủng khiếp”, nó nghĩ đơn giản là ký vào cho xong rồi có đi đâu, làm gì cũng được mặc dù trong phiên tòa nó luôn nói rằng nó không hề là kẻ giết người!

Những điều tra viên đâu tìm về ngọn ngành để biết là từ khi nó mới lên ba, vì bố mẹ bỏ nhau nên không ai chăm nuôi, dạy dỗ: nó sống lêu lổng, lang thang như một trẻ bụi đời vô mưu và vô tâm.

Tội phạm trong truyện ngắn này khởi nguyên chính là mẹ nó - người đàn bà chỉ chạy theo bả vật chất, đã bỏ mặc con sống như cây cỏ; rộng ra là những người làm cha làm mẹ sinh ra con mà không có ý thức nuôi dạy con.

Nếu không có vị Trung tá có nghiệp vụ, có trách nhiệm và công tâm vào cuộc, vụ án oan này sẽ gây ra bao hệ lụy? Và với thói làm ăn tắc trách đó, liệu người con nuôi mà ông tin tưởng, sẽ như thế nào trong điều tra các vụ án tiếp theo?

Cũng may mà người đàn bà đó đã kịp hối, dẫu rất muộn màng, đã tìm thấy hạnh phúc thật sự và đứa trẻ ấy trong vòng tay yêu thương của mẹ, của ông Trung tá, đã được sống lại và trở thành một con người hữu ích.

Phải nói là Nguyễn Thị Vân Anh luôn và không chỉ ý thức bảo vệ quyền trẻ em mà còn là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người phụ nữ.

Khi đã trải qua những năm tháng đi làm, chăm lo cho gia đình, đến tuổi nghỉ ngơi, người phụ nữ cần được tham gia các hoạt động mang tính giải trí, giao lưu cũng là để giải phóng họ ra khỏi sự buồn tẻ, nhàm chán mà về phương diện nào đó rất cần sự cảm thông từ chính người chồng của mình (Huyền thoại vọng phu).

Những bi kịch gia đình do hôn nhân không có tình yêu cũng là một mô típ khá phổ biến trong truyện của chị: người phụ nữ được sống trong sự viên mãn vì vật chất đầy đủ, dù được chồng yêu thương chăm sóc nhưng vết thương lòng của thời trẻ không dễ liền miệng. (Hoàng hôn tím).

Hoặc khi về già gặp lại người yêu ngày trước bị bố ngăn cấm vì có người nhà di cư vào Nam, thì anh vẫn đơn thân do mang cái lý lịch “bất hảo” và trái tim rớm máu rồi bị nhiễm chất độc da cam rất nặng khi tham gia chiến tranh.

Và chăng điều an ủi lớn nhất với anh là được nhắm mắt xuôi tay trước mặt người yêu cũ - vẫn chưa hết yêu anh và ra đi trong âm thanh quen thuộc của bài ca thời tuổi trẻ (Còn mãi một tình yêu).

Dưới ngòi bút của Vân Anh bi kịch trong tình yêu, trong đời sống vợ chồng là thiên hình vạn trạng. “Người giàu cũng khóc” khi mà lòng ghen tuông che khuất tầm nhìn, khi mà sự tự do tối thiểu trong cuộc sống vợ chồng bị coi thường, bị tước đoạt; khi mà thoát khỏi nghèo túng, trở nên giàu có con người ta không cảnh giác trước những mất mát lớn có thể xảy ra: sự tan vỡ gia đình, sự sa sút về học hành và những tổn thương lớn trong đời sống của con cái.

Bát nước đầy đổ ra thật khó mà lấy lại được như trước (Mơ về ngày ấy). Những người đàn bà, dù là nhẹ dạ cả tin hay một đời lam lũ hy sinh vì chồng con, thậm chí là mơ về một thiên đường ảo ảnh, dưới cái nhìn của chị thường đáng thương, đáng giận hơn là đáng ghét. Chị luôn tin cuộc sống như cây xương rồng, dù héo khô, biết chăm chút vẫn nở ra những bông hoa đẹp.

Là một phụ nữ nên Vân Anh hiểu được những bi kịch tình cảm, những niềm vui giản dị trong đời thường của người đàn bà, sự cần thiết mối tình cảm gia đình đối với cuộc sống của những người đàn bà truyền thống có những khi như là khó hiểu!

Hạnh phúc, trong quan niệm của chị, cũng là tùy thuộc vào tính cách nhân vật, vào tình thế của truyện, nên nó cũng đa dạng. Một người phụ nữ sống quá nghèo mong “đi Tây” để có thể có hạnh phúc hơn khi kinh tế gia đình khấm khá nhưng tất nhiên thứ chị thu về sau những hy sinh của mình là trái đắng. Một người chồng thoát nghèo nhờ khôn ngoan và may mắn trong làm ăn nhưng anh ta đâu có hạnh phúc khi anh ta không hiểu chính vợ anh, con anh.

Nhưng hạnh phúc lại mỉm cười với người lính bị nhiễm chất độc da cam khi anh có một đứa con rơi rất ngoan và giỏi, có thể coi đó là sự ban tặng của tạo hóa cho không chỉ anh mà cả cho những người tử tế khác (Viên kim cương bị bỏ rơi), là một hồi kết rất có hậu cho người có nhân cách.

Là một nhà báo viết văn, một nhà văn làm báo, Nguyễn Thị Vân Anh cập nhật những vấn đề xã hội không chỉ trên lĩnh vực đạo đức, như chúng ta thấy, mà còn tham dự vào các vấn đề khác của xã hội như vấn đề xử án, vấn đề đất đai, vấn đề giáo dục, vấn đề số mệnh... không chỉ bằng các hình tượng nghệ thuật trong truyện ngắn mà còn bằng những bài báo sắc sảo, mang tính đột phá phơi bày những vấn đề nóng mà những người có trách nhiệm cần phải nhìn thấy thực trạng của ngành đường sắt trong những năm trước và đầu đổi mới với tất cả sự lộn xộn, nhếch nhác và tiêu cực đến thật khó tin; cũng như vẽ nên chân dung đời thường của người hiền tài - bác sỹ Nguyễn Tài Thu, là lòng yêu nước của những người Việt kiều... trong phần ở cuối sách. Chắc chắn hai truyện ngắn Ảo ảnh thiên đường Hồi kết được ra đời trong cảm hứng về nhân vật có thật một thời đã gây sóng trong dư luận xã hội.

Tuy nhiên viết về cái gì, muốn đạt hiệu ứng cao nhất không thể không liên quan đến việc viết như thế nào. Cái ưu của chị Vân Anh là nhiều truyện có cái kết mở. Tuy nhiên, không ít những cái kết còn có phần dễ dãi mang tính áp đặt như Chiều cuối đông chợt nắng, Ảo ảnh thiên đường, Huyền thoại vọng phu. Có khi tư tưởng của chủ đề còn quá lộ, như Hồi kết. Tôi cho rằng có thể nghiệp báo đã tạo được cho chị sự nhanh nhạy trong cập nhật những vấn đề của đời sống xã hội và gia đình nhưng cũng ảnh hưởng đến độ sâu khi đi vào tâm lý nhân vật trong các truyện ngắn...

Dẫu sao, Tuyển tập đã ghi nhận sự đóng góp của Nguyễn Thị Vân Anh trên văn đàn với tư cách là một người viết nữ và những vấn đề liên quan đến trẻ em, đến phụ nữ cũng như những vấn đề khác trong đời sống xã hội, trong đó có những vấn đề luôn là mới, là buộc chúng ta phải suy nghĩ về lẽ sống, tình người.

Quan Nhân, đầu năm mới 2024

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Khám phá những lễ hội mùa đông đẹp nhất thế giới

Khám phá những lễ hội mùa đông đẹp nhất thế giới

Mùa đông là thời điểm tuyệt vời để khám phá các lễ hội độc đáo trên khắp thế giới. Từ hội chợ Giáng sinh ở London cho đến lễ hội ánh sáng Amsterdam, mỗi sự kiện đều hứa hẹn mang đến trải nghiệm khó quên…

Nhật ký Gapado: Tha thứ!

Nhật ký Gapado: Tha thứ!

Mang danh một nhà văn, tôi phải đến những nơi này, để hiểu thấu được từng nỗi đau của dân tộc tôi và của các dân tộc trên thế giới đã từng trải qua chiến tranh...

Nhật ký Gapado: Đảo mèo hạnh phúc

Nhật ký Gapado: Đảo mèo hạnh phúc

Vẫn tâm trạng háo hức của kẻ đang khám phá vùng đất mới. Sáng thường ngủ dậy muộn nên bữa sáng cũng gần với bữa trưa, xong xuôi tôi ngồi vào bàn viết để ngắm nhìn bầu trời trong xanh trước mặt và đám cây cỏ...

Nhật ký Gapado: Chào xứ Hàn bằng… đặc sản “mùi”

Nhật ký Gapado: Chào xứ Hàn bằng… đặc sản “mùi”

Ra khỏi nhà, khi bước chân đầu tiên của tôi đặt chân lên con đường đất dường như gặp lại tuổi thơ của mình và tôi đã nhìn thấy một cô bé 5 tuổi trong cánh đồng hoa bướm, cô bé đó như đang đuổi bắt một con bướm. Tim tôi đã ngân lên những nốt nhạc...

Khám phá xứ sở thần tiên ở phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ

Khám phá xứ sở thần tiên ở phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ

Từ những bậc thang travertine trắng xóa đến những hồ nước khoáng kỳ diệu, Pamukkale không chỉ là một kỳ quan thiên nhiên mà còn là nơi giao thoa giữa lịch sử, văn hóa và vẻ đẹp huyền bí của Thổ Nhĩ Kỳ…

Khát vọng du lịch sinh thái, xanh hóa đảo Cát Bà

Khát vọng du lịch sinh thái, xanh hóa đảo Cát Bà

Tiềm năng phát triển du lịch "xanh" tại Cát Bà là rất lớn, việc phát triển các sản phẩm du lịch gần gũi với thiên nhiên không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao nhận thức của cộng đồng về du lịch bền vững...