Cân nhắc chế tài miễn trách nhiệm khi cơ cấu ngân hàng yếu kém

Sau khi thảo luận về dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu, sáng 7/5 Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật các tổ chức tín dụng.
Cân nhắc chế tài miễn trách nhiệm khi cơ cấu ngân hàng yếu kém

Một trong những đề xuất đáng chú ý của lần sửa này là cơ chế chế miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém.

Tuy nhiên, khi thảo luận tại tổ thì đa số các ý kiến chưa đồng thuận với đề nghị trên, do không đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ được Tổng thư ký Quốc hội gửi các vị đại biểu phản ánh, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt và cách xử lý các tổ chức này.

Do đó, với quy định căn cứ xác định tổ chức tín dụng để đặt vào kiểm soát đặc biệt (điều 145), một số đại biểu đề nghị quy định cụ thể các căn cứ này, đề nghị Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tiêu chí xếp hạng ngân hàng yếu kém cho phù hợp với tình hình kinh tế của từng năm hoặc từng chu kỳ; bổ sung quy định đánh giá bắt buộc các tổ chức tín dụng theo thông lệ kiểm toán quốc tế, sửa đổi tiêu thức đánh giá công khai nội dung đưa tổ chức tín dụng đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Có ý kiến đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần can thiệp, áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt ở giai đoạn sớm để hạn chế tình trạng tổ chức tín dụng tiếp tục trượt vào trạng thái có thể chuyển sang nguy cơ mất khả năng thanh toán và dẫn đến phá sản.

"Một số đại biểu không nhất trí với quy định tại khoản 1 điều 145 về việc: khi có nguy cơ mất khả năng chi trả, thanh toán, tổ chức tín dụng phải kịp thời báo cáo với Ngân hàng Nhà nước, vì như vậy không còn là kịp thời nữa. Đại biểu cũng đề nghị quy định chế tài đối với các tổ chức tín dụng biết nguy cơ mất khả năng chi trả, thanh toán nhưng không kịp thời báo cáo với Ngân hàng Nhà nước để tình trạng xấu xảy ra.

Về thẩm quyền xử lý các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt (điều 146, điều 146a), theo đại biểu chỉ nên tập trung ở Ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng, do quá trình quyết định của Chính phủ có thể kéo dài và phức tạp, không kịp thời xử lý. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định sau khi giao cho Ngân hàng Nhà nước xử lý các vấn đề thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo cho biết, liên quan đến phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, một số đại biểu đề nghị quy định rõ khung thời gian tối đa để tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt thực hiện phương án phục hồi, phương án xử lý pháp nhân và phương án chuyển giao bắt buộc để tạo áp lực cho tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt hoàn tất các phương án. Trường hợp thực hiện phương án không hiệu quả phải có các quy định về điều kiện để bảo đảm cơ sở pháp lý trong việc điều chỉnh hoặc thay đổi phương án trong quá trình cơ cấu lại.

Đáng chú ý, có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc quy định về phương án phá sản các tổ chức tín dụng trên cơ sở đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, thận trọng, chặt chẽ khi triển khai phương án này trong thực tiễn. Từ trước đến nay, chưa từng có một tổ chức tín dụng nào được cho phá sản vì lo ngại tác động dây chuyền, ảnh hưởng lan đến cả hệ thống.

Tuy vậy, một số ý kiến khác cho rằng trong xử lý các tổ chức tín dụng quá yếu kém thì không nên né tránh việc xử lý pháp nhân bằng hình thức phá sản, vì phá sản cũng là một động lực để cho các doanh nghiệp nói chung và các ngân hàng nói riêng nâng cao chất lượng quản trị cũng như trách nhiệm của mình trong việc sử dụng nguồn tiền vay của nhân dân.

Một số vị đề nghị cân nhắc quy định tại điều 151d (Biện pháp hỗ trợ đối với phương án xử lý pháp nhân dưới hình thức phá sản) vì vướng với chủ trương không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, đề nghị nghiên cứu thiết lập quỹ từ nguồn của tổ chức tín dụng, nhà nước thu phí và hỗ trợ từ nguồn thu phí, đồng thời nâng mức bảo hiểm tiền gửi (hiện mới chỉ có 50 triệu đồng là tối đa cho mọi khoản tiền gửi).

Như đã nói, một trong những quy định được chú ý nhất tại dự thảo lần này liên quan đến miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt (điều 147). Bởi tổng kết thực tiễn của Ngân hàng Nhà nước cho thấy một số cán bộ ngân hàng vì sợ trách nhiệm đã không dám làm.

Đa số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tại dự thảo luật về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt vì không đảm bảo tính thống nhất về hệ thống pháp luật nói chung, không phù hợp với quy định tại luật cán bộ, công chức - Tổng thư ký cho biết.

Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về thời điểm, mức độ, phạm vi được miễn trách nhiệm, làm rõ nguyên nhân chủ quan, làm rõ trường hợp vi phạm pháp luật, các trường hợp được miễn trừ và trường hợp vẫn phải chịu trách nhiệm đối với người tham gia thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành, nhất là những quy định pháp luật về cán bộ, công chức; pháp luật khác có liên quan để tránh việc lạm dụng trục lợi.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến nhất trí với quy định tại dự thảo luật về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt nhưng đề nghị xem xét về việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Ý kiến này cho rằng quy định tại dự thảo chưa có sự tách bạch một cách rõ ràng về trách nhiệm của người xây dựng, thực hiện, phê duyệt phương án với người trực tiếp thực hiện phương án.

Theo Nguyễn Lê/ VnEconomy

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...