Cần tạo điều kiện để hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp

TPHCM đặt ra mục tiêu có thêm 50.000 doanh nghiệp mới trong năm 2017 và đến năm 2020 có 500.000 doanh nghiệp.
Cần tạo điều kiện để hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp

Một trong những giải pháp được thành phố đưa ra đó là khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp. 

"Chủ trương vận động hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp là chủ trương đúng của TPHCM. Song trên thực tế, nhiều hộ kinh doanh cá thể vẫn chưa mặn mà với điều này.

Anh Phan Ngọc Hiếu (quận Bình Thạnh), khởi nghiệp bằng nghề bán cơm. Cũng như những hộ kinh doanh cá thể khác, anh khát khao được mở rộng “công việc làm ăn” của mình, vì thế, sau khi quán cơm thứ nhất ổn định, dùng số vốn liếng còn lại, anh mở thêm quán cơm thứ hai. Nhưng khi mở thêm quán thứ hai thì dù làm việc từ sáng sớm đến đêm khuya, quán cơm của Hiếu vẫn bị thua lỗ.

Câu chuyện của anh Hiếu, hay như bao hộ kinh doanh cá thể khác đang gặp phải hiện nay đó là thiếu kỹ năng cơ bản trong kinh doanh lớn, không biết cách quản lý thời gian, công việc, xây dựng thương hiệu…

Và hiểu được những khó khăn của các hộ kinh doanh và mong muốn góp phần vào việc phát triển bền vững cho người kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ, những năm qua, Viện Hợp tác và Phát triển Châu Âu (IECD) tại TPHCM đã tổ chức các lớp học miễn phí, cung cấp các khóa đào tạo về kỹ năng quản lý, marketing, vi tính cơ bản, tư vấn pháp lý và hỗ trợ kế toán… cho các hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn.

Sau khi tham gia khóa đào tạo, những vấn đề mà anh Hiếu gặp phải trong kinh doanh đã phần nào được giải quyết. Anh Hiếu cho biết, với những kiến thức đã được học, anh đã áp dụng vào hoạt động của quán cơm, phân tích những khuyết điểm, ưu điểm trong kinh doanh của mình.

Và hiện anh Hiếu đã đã tự xây dựng được một quy trình quản lý nhân sự bài bản, xây dựng nội quy dành cho nhân viên, quy chế thưởng phạt... Anh cũng bắt đầu sử dụng sổ sách chi tiết, ghi lại dòng tiền kinh doanh theo ngày, tuần, đồng thời áp dụng các kiến thức đã được học về marketing tự xây dựng thương hiệu quán cơm với tên cửa hàng “Gà nướng Hiếu Mập”.

Chỉ sau mấy tháng, giờ quán cơm thứ hai của anh Hiếu đã làm ăn có lãi và anh cho biết đang có ý định sẽ tiến tới thành lập doanh nghiệp. “Nhờ những kiến thức đã học, tôi tự tin hơn, có thể quản lý tốt công việc ở quán, công việc kinh doanh hiệu quả hơn nên chuyện thành lập doanh nghiệp không còn khó khăn gì với tôi nữa”, anh Hiếu chia sẻ.

Chỉ cho cách câu cá trước khi ra khơi

Từ câu chuyện của anh Hiếu cho thấy, muốn vận động những hộ kinh doanh cá thể chuyển sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp thì chỉ cần giúp họ tự tin, biết cách quản lý một doanh nghiệp, tức là dạy cho họ biết cách câu cá trước khi đưa xuống thuyền đi đánh cá ở ngoài khơi xa.

Nói về triển vọng của ý tưởng đưa các hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp, bà BlAIS Vương Diễm Thúy, người Quản lý dự án của IECD tại TPHCM cho biết, Việt Nam may mắn có nhiều hộ kinh doanh cá thể và về bản chất, người kinh doanh nhỏ đã là một doanh nhân, họ cũng có mong muốn mở rộng kinh doanh.

Do đó, nếu giải tỏa được tâm lý e ngại thường có của các hộ kinh doanh cá thể hiện nay, hay giúp họ giải quyết những khó khăn như hạn chế về nguồn vốn, thiếu tầm nhìn dài hạn, thiếu mục tiêu cụ thể, thiếu kỹ năng quản lý, cách giao tiếp bán hàng, quản lý thời gian... thì mục tiêu 500.000 doanh nghiệp của TPHCM hay một triệu doanh nghiệp mà Chính phủ đặt ra sẽ sớm đạt được.

“Để những hộ kinh doanh cá thể có hào hứng và mong muốn chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, chúng ta cần kết hợp với các trường, trung tâm giáo dục mở những lớp học ngắn hạn về bán hàng, xây dựng hương hiệu, marketing… để các hộ kinh doanh cá thể có cơ hội bổ túc thêm kiến thức cần thiết, tức là tạo hệ sinh thái tốt và đủ điều kiện để hộ kinh doanh cá thể hoạt động và phát triển một cách bền vững”, BLAIS Thúy nói.

Có thể bạn quan tâm