Căng mình chống cơn bão thép cán nóng giá rẻ Trung Quốc

Quốc gia sản xuất thép nhiều nhất trên thế giới là Trung Quốc đang gia tăng xuất khẩu thép ra bên ngoài khi tiêu thụ trong nước suy yếu. Động thái này khiến ngành thép của nhiều nước bị lép vế ngay tại chính sân nhà…

thep-2600.jpg
Thép Trung Quốc hiện đang tràn vào thị trường nhiều nước

Hiện nay, Trung Quốc phải đối mặt với nguồn cung thép dư thừa tràn lan khi lĩnh vực bất động sản, cơ sở hạ tầng và sản xuất trong nước trì trệ. Do đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này sang các nước, trong đó có Việt Nam. Với bối cảnh như vậy, nhiều nước trên thế giới đang xem xét, áp dụng biện pháp chống bán phá giá với thép Trung Quốc nhằm bảo vệ doanh nghiệp nội địa.

THÉP CÁN NÓNG VIỆT NAM LÉP VẾ TRÊN SÂN NHÀ

Ngành thép Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thép Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt. Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 4/2024, lượng thép cán nóng (HRC) nhập khẩu vào Việt Nam đạt mức 890.000 tấn, gấp 1,5 lần lượng sản xuất của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong đó, thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 71%.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, thép cán nóng nhập khẩu vào Việt Nam là 3,93 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 159% sản lượng của các doanh nghiệp thép nội địa đang sản xuất thép HRC. Lượng nhập từ Trung Quốc chiếm 73% với 2,86 triệu tấn, gấp hơn 2 lần cùng kỳ 2023.

Lượng thép cán nóng nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng rõ rệt qua từng năm trở lại đây. Theo đó, năm 2022, lượng sản phẩm HRC được nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ đạt hơn 3 triệu tấn. Đến năm 2023, con số này đã tăng lên hơn 5,72 triệu tấn, tăng hơn 47%.

Đáng chú ý, trong thời gian qua, Trung Quốc luôn bán thép cán nóng rẻ hơn nhiều các quốc gia khác để xuất khẩu ồ ạt sang Việt Nam.

Cụ thể, giá nhập khẩu HRC từ Trung Quốc 4 tháng đầu năm luôn thấp hơn giá bình quân các thị trường khác từ 32 - 59 USD/tấn. So sánh riêng với thép HRC nhập từ Hàn Quốc, thép cán nóng từ Trung Quốc thấp hơn đến 123 USD/tấn.

Nhận rõ được tình trạng trên, ngày 26/3, Tập đoàn Hòa Phát cùng với Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nộp đơn khởi xướng điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tại buổi họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho rằng, nhìn nhận một cách khách quan công bằng, không có nước nào trên thế giới chấp nhận tình trạng lượng thép nhập khẩu còn lớn hơn phần sản xuất trong nước. Đồng thời, nên có quan điểm ủng hộ ngành sản xuất trong nước, không thể chấp nhận hàng hoá nước ngoài nhiều hơn sản xuất trong nước.

Nhắc lại sự kiện năm vừa rồi, Trung Quốc nhập khẩu 500.000 tấn tôn mạ, chiếm 10% lượng sản xuất, họ đã khởi kiện ngay. Vậy tại Việt Nam, sản xuất 6,7 triệu tấn thép HRC, nhập khẩu 9,6 triệu tấn thì tại sao không kiện?

tran-dinh-long1-jpeg-7775-1712814150-8419.jpg
Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long

Đến nay, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đang đề nghị các doanh nghiệp nộp hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với thép cán nóng nhập khẩu vào Việt Nam tiếp tục hoàn thiện, bổ sung hồ sơ.

Cục Phòng vệ thương mại cho biết, việc hoàn thiện, bổ sung hồ sơ nhằm làm rõ các nội dung, thông tin có liên quan đến cáo buộc về hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu, thiệt hại của ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước theo đúng quy định.

Sau khi các doanh nghiệp sản xuất trong nước bổ sung thông tin, hồ sơ theo yêu cầu, Cục Phòng vệ thương mại sẽ xem xét hồ sơ căn cứ trên các quy định của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại.

Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ theo quy định, Cục Phòng vệ thương mại sẽ có 45 ngày để thẩm định chi tiết nội dung hồ sơ về các cáo buộc liên quan đến hành vi bán phá giá, thiệt hại của ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả để làm cơ sở quyết định điều tra hoặc không điều tra vụ việc.

Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản gửi Bộ Công Thương và Bộ Tài chính liên quan đến các dữ liệu về lượng nhập khẩu thép cán nóng (HRC) tăng vọt trong thời gian qua.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng thời gian vừa qua để chủ động thực hiện biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả theo thẩm quyền và quy định pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng ngành sản xuất trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế và môi trường cạnh tranh bình đẳng.

THẾ GIỚI QUYẾT LIỆT ĐỐI PHÓ THÉP TRUNG QUỐC

Không chỉ riêng Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang phải đối mặt với “cơn bão” thép cán nóng Trung Quốc. Tuy nhiên, trong khi Việt Nam còn đang thận trọng xem xét thì hàng loạt nước trong khu vực và trên thế giới đã thể hiện thái độ hết sức rõ ràng và quyết liệt.

Mới đây, Bộ Thương mại Thái Lan đang tiến hành điều tra và xem xét triển khai các biện pháp chống bán phá giá đối với một số công ty thép cuộn cán nóng (HRC) từ Trung Quốc. Thông tin từ Bộ Ngoại thương Thái Lan (DFT), cuộc điều tra có thể kết thúc sớm vào tháng 6/2024.

Trước đó, cơ quan này đã nhận được đơn kiến nghị từ một số công ty sản xuất thép cuộn nóng lớn như Sahaviriya Steel, G Steel và GJ Steel. Các doanh nghiệp này cho biết đang lao đao vì không bán được hàng.

Nhóm nguyên đơn yêu cầu DFT điều tra trường hợp 17 nhà sản xuất thép Trung Quốc được cho là đã trốn thuế chống bán phá giá sau khi thay đổi các thành phần trong sản phẩm thép.

Theo DFT, Thái Lan đã tìm thấy được bằng chứng về việc một số nhà sản xuất thép Trung Quốc thay đổi sản phẩm để bán phá giá.

"Chúng ta nên bảo vệ ngành công nghiệp thép nội địa trong trường hợp xảy ra các vấn đề như gián đoạn chuỗi cung ứng hay ảnh hưởng từ các xung đột địa chính trị", ông Wirote Rotewatanacha, Chủ tịch Viện Sắt thép Thái Lan chia sẻ.

Theo ông Wirote, hợp kim được các nhà sản xuất Trung Quốc trộn vào sản phẩm thép để tránh thuế chống bán phá giá đã gây ra vấn đề kiểm soát chất lượng cho các nhà sản xuất thép Thái Lan.

Trước đó, ngày 16/5, Ủy ban châu Âu (EC) đã bắt đầu điều tra thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép cán phẳng có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau đơn khiếu nại của Hiệp hội Thép châu Âu vào ngày 2/4/2024.

Hiệp hội Thép châu Âu đã cung cấp bằng chứng cho thấy nhập khẩu thép cán phẳng của Trung Quốc đã tăng cả về điều khoản và thị phần trong thời gian điều tra từ 1/4/2023 - 31/3/2024.

Theo Eurofer, làn sóng nhập khẩu thép cán phẳng giá rẻ từ Trung Quốc đã gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với các nhà sản xuất cùng lĩnh vực ở EU. Bên cạnh việc thu hẹp biên lợi nhuận còn dẫn đến sản lượng, công suất sử dụng và thị phần giảm, gây thiệt hại nặng nề cho các nhà sản xuất thép của EU.

Các nhà sản xuất Trung Quốc được hưởng lợi từ giá nguyên liệu thô, đặc biệt là sắt hoặc thép dẹt cán nóng vốn chiếm 60 - 70% chi phí sản xuất và chịu các hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc.

Cơ quan này cho rằng, làn sóng nhập khẩu thép dẹt cán mỏng từ Trung Quốc đã gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với các nhà sản xuất cùng lĩnh vực ở EU. Cuộc điều tra dự kiến sẽ kéo dài tới 14 tháng và EC có thể áp thuế tạm thời trong vòng 7 - 8 tháng.

joe-biden-6530.jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng cần tăng thuế với thép và nhôm Trung Quốc

Tại Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng kêu gọi tăng thuế với thép và nhôm Trung Quốc. Mức thuế ông Biden đưa ra là 22,5%, gấp 3 lần so với hiện tại (7,5%). Nhà Trắng khẳng định, chính sách này nhằm bảo vệ ngành sản xuất Mỹ khỏi các hoạt động thương mại không công bằng.

Nhà Trắng giải thích, các chính sách và khoản trợ cấp của Trung Quốc cho ngành thép và nhôm trong nước của họ đang ảnh hưởng đến những sản phẩm chất lượng cao của Mỹ.

Trung Quốc đã sản xuất khoảng một nửa lượng thép thế giới và đang cung ứng nhiều hơn nhu cầu thị trường nội địa. Các quan chức chính quyền Mỹ cho rằng nước này xuất khẩu thép với giá thấp hơn một nửa thép Mỹ.

Ngoài những trường hợp trên, nhiều nước khác như Brazil, Colombia, Chile, Ai Cập… cũng đang hứng chịu tình trạng thép Trung Quốc nhập khẩu tăng đột biến.

Xem thêm

Toàn cảnh buổi họp đại hội cổ đông thường niên 2024

Chủ tịch Hoà Phát: Sản xuất 6,7 triệu tấn thép HRC nhưng nhập khẩu tới 9,6 tấn, tại sao không kiện bán phá giá?

Trước sự kiện Hòa Phát và Formosa nộp đơn khởi xướng điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, cổ đông tham gia đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của Tập đoàn Hòa Phát đã đặt ra rất nhiều câu hỏi về ngành thép nói chung và việc khởi xướng điều tra bán giá nói riêng…

Có thể bạn quan tâm

Giá vàng thế giới và trong nước cùng nhau đi lùi

Giá vàng thế giới và trong nước cùng nhau đi lùi

Giá vàng thế giới tuột dốc khi thị trường chờ đón một dữ liệu quan trọng có thể ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của Fed. Trong nước, cả vàng miếng và vàng nhẫn đều trượt giảm theo giá thế giới…

Người hâm mộ thận trọng trước chiêu lừa mua vé concert âm nhạc

Cẩn trọng bẫy lừa “săn” vé concert âm nhạc

“Săn” vé concert đang trở thành cơn sốt trong giới trẻ thời gian gần đây, nhưng cũng là cơ hội để các đối tượng xấu lợi dụng, các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi, từ việc bán vé giả, tăng giá vé bất hợp lý cho đến những chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội…

Giá vàng thế giới không ngừng lao dốc

Giá vàng thế giới không ngừng lao dốc

Giá vàng thế giới tiếp đà giảm sâu do áp lực từ đồng USD mạnh lên sau hàng loạt đề xuất thuế quan của ông Donald Trump. Trong nước, giá vàng miếng và vàng nhẫn đều “yên ắng” chờ tín hiệu mới…