Căng thẳng tỷ giá và lãi suất, Ngân hàng Nhà nước liên tục ‘tung chiêu’

Áp lực tỷ giá USD/VND tăng mạnh, Ngân hàng Nhà nước liên tục đưa ra biện pháp điều chỉnh nhưng gánh nặng đặt lên doanh nghiệp vẫn còn lớn.

Năm 2022, kinh tế thế giới gặp nhiều biến động. Lạm phát trở thành xu hướng của nhiều quốc gia. Áp lực tỷ giá USD/VND vẫn còn hiện hữu khi mà chỉ số CPI của Mỹ vẫn đang ở mức cao (tăng 7,7% trong tháng 10/2022) và theo một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy, mức lạm phát bền vững để khiến Fed dừng tăng lãi suất phải ở mốc 4,4%.

Cùng bối cảnh thế giới biến động phức tạp, thị trường ngoại hối và vấn đề tỷ giá trong nước gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp với Ngân hàng Nhà nước coi đây là vấn đề trọng điểm trong điều hành chính sách tiền tệ. Hàng loạt biện pháp được đưa ra để bình ổn tỷ giá hối đoái, đảm bảo thanh khoản.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tỷ giá áp dụng cho ngày 21/11/2022.
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 

Gánh nặng lớn với doanh nghiệp

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã kích hoạt lại tỷ số OMO để kiểm soát cung tiền tốt hơn, giảm bớt áp lực lên tỷ giá , trong bối cảnh lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Thêm vào đó, Ngân hàng Trung ương đã bán thị trường ngoại tệ ở mức độ vừa phải nhằm cân bằng cung cầu là cần thiết, để mà ổn định tỷ giá hối đoái và tài trợ cho các nhu cầu lớn tức thì của các doanh nghiệp.

Trước các đợt tăng lãi suất liên tục của hơn 90 ngân hàng trung ương trên thế giới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã quyết định tăng các mức lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản, trên cơ sở bám sát nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ về kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ngân hàng Trung ương điều chỉnh tỷ giá trung tâm, tỷ giá bán ngoại tệ và nới lỏng biên độ. Việc điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay từ ±3% lên ±5% có hiệu lực từ ngày 17/10 được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp phù hợp, hoá giải các khó khăn về cung cầu ngoại tệ.

Các động thái liên tiếp trong thời gian gần đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, chính sách tiền tệ của Việt Nam đang phát huy sự chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước.

Chia sẻ tại Hội thảo khoa học:“Điều hành tỷ giá USD/VND: Ổn định kinh tế vĩ mô”,  TS.Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định điều hành tỷ giá hối đoái của Ngân hàng Trung ương từ đầu năm tới giờ về cơ bản là thành công tuy nhiên vấn đề điều hành lãi suất vẫn còn là nỗi băn khoăn lớn. Bởi lẽ, lãi suất tăng cao sẽ tạo gánh nặng rất lớn cho các doanh nghiệp.

Cạn room tín dụng nhưng 900.000 tỷ đồng “khó giải ngân”

Theo các chuyên gia, việc lựa chọn tỷ giá kéo theo phải tăng lãi suất và điều này đã tác động ghê gớm đến năng lực sản xuất của doanh nghiệp cũng như mục tiêu phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.

Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng đã công bố tăng lãi suất huy động. Động thái này của nhà băng đã khiến cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh lo ngại sẽ ảnh hưởng đến chiều cho vay của ngân hàng.

Những tháng cuối năm, nhu cầu mở rộng sản xuất rất lớn nhưng doanh nghiệp và người dân khó tiếp cận vốn vay do ngân hàng gần như “cạn room” tín dụng. Nhiều doanh nghiệp không đủ vốn, phải vay chợ đen để hoàn thành các dự án, các hợp đồng ký với nước ngoài. Phần lớn các doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành xây dựng, lại giảm rất nhiều công nhân, thậm chí giảm một nửa.

Trong khi đó, khoảng 900.000 tỷ đồng ngân sách bị gửi tại ngân hàng do ‘khó giải ngân’. Trong đó, khoản tiền gửi không kỳ hạn là 600.000 tỷ đồng và có kỳ hạn 290.000 tỷ đồng. Số tiền ngân sách gửi tại ngân hàng trên do nhiều khoản dự toán chi chưa đạt kế hoạch.

TS.Lê Xuân Nghĩa chia sẻ: “Chúng ta đang trong giai đoạn phục hồi đà tăng trưởng rất tốt và tình trạng này làm cho khan hiếm thanh khoản trong toàn bộ nền kinh tế và lãi suất này sẽ làm cho đà phục hồi bị chững lại. Và tôi nghĩ rằng nếu không cẩn thận thì khó khăn có thể lan truyền từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp sang thị trường cổ phiếu, sang thị trường bất động sản”.

Tại tọa đàm, TS.Lê Xuân Nghĩa cũng đưa ra những kiến nghị để giải quyết những khó khăn trên. Ngân hàng Nhà nước cần phải đẩy mạnh bơm tiền đủ để nhanh chóng bình ổn lại thị trường; Bộ Tài chính cần phải ra tay xử lý phần đầu tư công bị mắc kẹt ở các ngân hàng; thành lập quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp…

Với nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước không thể chủ quan với diễn biến của lạm phát và không thể chỉ kiểm soát lạm phát năm nay mà còn các năm sau.

Ngoài ra, để hạn chế phần nào những thiệt hại do tỷ giá gây ra, bên cạnh các giải pháp điều hành của cơ quan quản lý, bản thân các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị ứng phó trước như lập quỹ dự phòng biến động tỷ giá; hạn chế việc vay bằng ngoại tệ khi không có đủ nguồn trả; định kỳ đánh giá lại tài sản và nguồn vốn theo giá thị trường...

Có thể bạn quan tâm

 Ba "đôi cánh" giúp ngành hàng không bay cao

Ba "đôi cánh" giúp ngành hàng không bay cao

Theo SSI Research, có ba động lực chính giúp các công ty hàng không Việt Nam duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025 là giá dầu giảm, lượng hành khách tăng ổn định và tình trạng thiếu nguồn cung tàu bay...

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…