Ngày 13/5, hơn 1,79 tỷ cổ phiếu VPL của Công ty Cổ phần Vinpearl chính thức giao dịch trên sàn HOSE với giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên là 71.300 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu này ngay lập tức “cháy hàng” khi tăng kịch biên độ (+/-20%) lên mức 85.500 đồng/cổ phiếu, dư mua giá trần hơn 1,3 triệu đơn vị.
Vốn hóa thị trường của Vinpearl cũng theo đó tăng vọt lên hơn 150.000 tỷ đồng (tương đương 6 tỷ USD). Con số này đã đưa doanh nghiệp chuyên mảng du lịch nghỉ dưỡng, giải trí của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vượt mặt nhiều cái tên lớn như MBBank, PV Gas, VPBank, Vinamilk, ACB, Sabeco. Đây chính là thương vụ “bom tấn” lớn nhất lên sàn chứng khoán Việt Nam kể từ năm 2018.
Với việc Vinpearl niêm yết, hệ sinh thái của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chính thức có thêm một thành viên tỷ USD, sau Vingroup, Vinhomes, Vincom Retail, VEFAC. Tổng giá trị vốn hóa "họ" Vingroup trên sàn chứng khoán vào khoảng 1 triệu tỷ, chiếm 13% toàn sàn.
Đồng thời, tài sản của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng theo đó cũng tăng vọt lên mức kỷ lục. Theo ước tính của Forbes, tài sản của vị tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng 122 triệu USD đạt 9,1 tỷ USD. Ông hiện đứng ở vị trí 331 trong danh sách người giàu nhất thế giới của Forbes. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng nằm trong nhóm những tỷ phú hàng đầu Đông Nam Á.
Trái chiều với diễn biến tích cực của cổ phiếu VPL trong sáng nay, các cổ phiếu còn lại trong "họ Vingroup" gồm VIC, VHM, VRE hay VNB đồng loạt bị chốt lời.
Dựa trên bản cáo bạch của Vinpearl, Chứng khoán Vietcap phân tích, với mức giá tham chiếu ban đầu 71.300 đồng/cổ phiếu, hệ số P/E dự phóng năm 2025 và 2026 của Vinpearl lần lượt đạt 73,1 lần và 55,6 lần; P/B tương ứng là 3,3 lần và 3,2 lần; P/S là 9 lần và 7,8 lần; ROE ở mức 5% và 5,8%.

Hiện tại, Vietcap chưa có dự báo tài chính riêng cho VPL. Trong báo cáo cập nhật về Vingroup công bố ngày 21/2, Vietcap dự báo mảng khách sạn - nghỉ dưỡng sẽ ghi nhận doanh thu khoảng 9.900 tỷ đồng trong năm 2025, tăng 14% so với cùng kỳ và 11.800 tỷ đồng năm 2026, tăng 19% so với cùng kỳ. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh dự kiến đạt 386 tỷ đồng năm 2025 và tăng lên 1.500 tỷ đồng năm 2026.
Trên cơ sở các tài sản hiện đang vận hành, Vietcap ước tính giá trị doanh nghiệp của mảng khách sạn - nghỉ dưỡng thuộc Vingroup đạt khoảng 52.000 tỷ đồng. Mức định giá này chưa bao gồm tiềm năng đến từ quỹ đất phát triển hay kế hoạch mở rộng do thiếu thông tin chi tiết tại thời điểm này.
Trước ngày chào sàn, Vinpearl có cổ đông lớn nhất là Vingroup với tỷ lệ sở hữu 85,55% cổ phần, còn lại thuộc về 114 nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Hệ thống Vinpearl có 48 cơ sở tại 18 tỉnh, thành trên cả nước, bao gồm 31 khách sạn và khu nghỉ dưỡng (trên 16.100 phòng), 4 công viên chủ đề, 5 khu vui chơi, 1 công viên nước, 1 học viện cưỡi ngựa, 1 công viên bảo tồn động vật bán hoang dã, 4 sân golf và 1 trung tâm hội nghị ẩm thực. Từ năm 2022, Vinpearl hợp tác cùng Meliá Hotels International và Marriott International để quản lý 23 khách sạn và khu nghỉ dưỡng, hướng đến tiêu chuẩn quốc tế hóa trong vận hành.
Quý 1 năm nay, doanh thu của Vinpearl tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 2.435 tỷ đồng, tương đương bình quân 27 tỷ một ngày. Sau khi trừ các chi phí, chuỗi nghỉ dưỡng này ghi nhận lợi nhuận sau thuế 90 tỷ đồng.
Năm nay, Vinpearl tiếp tục mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng, với kế hoạch khai trương nhiều khách sạn, công viên giải trí và sân golf mới. Công ty đặt mục tiêu thu 14.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.700 tỷ.