Tại Singapore - điểm dừng chân thứ ba trong chuyến công du Đông Nam Á mới đây của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ngoài những cuộc tiếp xúc, một điều khiến dư luận đặc biệt chú ý đó là Bộ Ngoại giao Singapore đã tuyên bố hoan nghênh việc Trung Quốc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Tuyên bố này có nghĩa là 10 tháng sau khi Bắc Kinh tuyên bố ý định tham gia CPTPP, Singapore là một trong số 11 quốc gia ký kết hiệp định này đã chấp nhận việc Bắc Kinh gia nhập.
Vì sao Trung Quốc được đón nhận?
Ngoài ra, từ tháng 2-5/2021, các nước CPTPP bao gồm Australia, Malaysia và New Zealand cũng lần lượt thảo luận với Bắc Kinh liên quan vấn đề này.
CPTPP là một cơ chế ban đầu được đưa ra để kiềm chế Trung Quốc. Dù là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn dắt hay CPTPP mà Mỹ đã lựa chọn rút khỏi, hiệp định thương mại này đều có nội dung cốt lõi là tạo ra đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc.
Mục tiêu này không chỉ liên quan đến những trở ngại địa chính trị được thúc đẩy bởi các nước thành viên CPTPP lớn như Nhật Bản, Australia và Canada.
Sự khác biệt giữa việc trợ cấp doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ và mức độ tiếp cận ngành dịch vụ của Trung Quốc với các tiêu chuẩn phương Tây cũng trở thành nguyên nhân quan trọng khiến các nước TPP, CPTPP từ chối Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi Mỹ rút khỏi TPP, Chile, Peru và các nước khác bắt đầu chú ý đến Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) từ tháng 11/2016 và Australia năm 2017 thậm chí còn đề xuất ý tưởng khuyến khích Trung Quốc tham gia TPP. Điều này khiến các nước trong CPTPP có cơ sở nhất định để chấp nhận Trung Quốc gia nhập.
Từ quan điểm kinh tế hiện nay, việc Trung Quốc tham gia CPTPP có thể đem lại những lợi ích cho các nước thành viên.
Một số nhà kinh tế đã tiến hành phân tích dựa trên dữ liệu năm thương mại bình thường (khi chưa có đại dịch) và rút ra kết luận rằng, khi Trung Quốc gia nhập CPTPP, hầu hết các quốc gia thành viên đều có thể được hưởng lợi.
Cụ thể, về tác động của thương mại xuất nhập khẩu, các nước phụ thuộc nhiều vào ngoại thương như Brunei, Malaysia, Việt Nam, Mexico và Peru được hưởng lợi rõ ràng hơn, tiếp theo là Nhật Bản, Australia, New Zealand và Chile, trong khi Canada và Singapore có mức tăng nhỏ hơn.
Về GDP, các nước thành viên có thể tăng tối đa 1%, trừ Australia do mức tăng nhập khẩu lớn hơn mức tăng xuất khẩu.
Liên quan đến lĩnh vực sản xuất, trừ Brunei, tất cả các quốc gia khác có thể ghi nhận mức tăng trưởng tích cực nhất định. Phân tích này khiến cho việc tiếp nhận Trung Quốc vào CPTPP có cơ sở lý luận lớn hơn.
Hóa giải cục diện
Sau tháng 2/2021, Trung Quốc đã thúc đẩy các cuộc tiếp xúc về để thuyết phục một số quốc gia thành viên CPTPP.
Đối với Singapore, quốc gia đã nỗ lực thiết lập Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) từ năm 2009, tình hình hiện tại có thể giúp thúc đẩy kế hoạch này.
Singapore dường như cũng muốn Trung Quốc tham gia các hiệp định thương mại với các điều khoản về thương mại dịch vụ và quyền sở hữu trí tuệ, nên CPTPP đã trở thành một lựa chọn khả thi.
Tương tự, New Zealand, nước đã nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do với Trung Quốc vào tháng 1/2021, cũng có ý tưởng tương tự.
Hiện tại, New Zealand đã dành cho Trung Quốc một số ưu đãi trong lĩnh vực nhất định, tương tự như với các nước thành viên CPTPP, ví dụ như các sản phẩm gỗ, giấy với kim ngạch thương mại gần 2,16 tỷ USD sẽ được miễn thuế 99%.
Nếu Trung Quốc tham gia CPTPP, dự kiến xuất khẩu có thể tăng trưởng ít nhất 2%. Việc thúc đẩy Trung Quốc tham gia CPTPP cũng sẽ đem lại lợi ích cho New Zealand.
Xét bối cảnh hiện nay, kế hoạch mở rộng của CPTPP trong tương lai có thể cần nhiều thời gian hơn.
Tuy nhiên, việc CPTPP trước đây vốn do Mỹ dẫn dắt để đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc nay đang có sự thay đổi.
Cùng với việc một số quốc gia bắt đầu thay đổi cách tiếp cận, Trung Quốc cũng đang hóa giải cục diện để tham gia quá trình đàm phán CPTPP, hội nhập chuỗi giá trị mới ở châu Á - Thái Bình Dương, sau đó tiếp tục vận động các nước liên quan đối mặt với tình hình thực tế, thực hiện các biện pháp "sửa đổi các điều khoản hoặc linh hoạt đưa ra một ngoại lệ".
Nhật Bản hiện là chủ tịch bộ phận ra quyết định của CPTPP, trong khi New Zealand chịu trách nhiệm tiếp nhận đơn xin gia nhập. Khi đơn xin gia nhập được chấp thuận, một nhóm sẽ được thành lập để đánh giá. Ứng viên xin gia nhập phải tuân thủ các quy định của CPTPP và bắt đầu đàm phán thuế trên cơ sở song phương với các thành viên trong khối.