Di chuyển bằng cáp treo đã được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới
Ngày 11/1, tại buổi làm việc giữa Bộ GTVT và Cảng vụ hàng không Miền Nam về công tác chuẩn bị phục vụ Tết Đinh Dậu 2017 tại sân bay Tân Sơn Nhất, GĐ sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, vừa có một nhà đầu tư đề xuất với Sở làm cáp treo từ công viên Gia Định vào sân bay Tân Sơn Nhất để giảm kẹt xe khu vực này.
Người đứng đầu ngành giao thông TP cho biết đây chỉ là ý tưởng ban đầu của nhà đầu tư. Sở mới tiếp nhận và chuyện thực hiện hay không còn nhiều bước.
Đề xuất làm cáp treo đi vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Câu chuyện đi cáp treo để tránh tắc đường tại Việt Nam mới đầu nghe thì có vẻ là mới mẻ, thậm chí có người còn cho là không tưởng nhưng tại các nước trên thế giới câu chuyện cáp treo đã được sử dụng từ rất lâu.
Cáp treo rẻ hơn Metro 10 lần
Hiện nay hơn một nửa dân số thế giới sống tại thành thị và tỉ lệ này không ngừng gia tăng. Theo đánh giá của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), đà tăng này sẽ diễn ra chủ yếu tại các TP lớn nhỏ của châu Á và châu Phi, những nơi vốn không đủ nguồn lực để đáp ứng kịp thời với những thay đổi nhanh chóng của môi trường sống đô thị.
Cụ thể, các TP đó sẽ không còn quỹ đất để phát triển hệ thống đường sá và đường sắt quy mô lớn. Họ cũng không có đủ tiền để xây dựng các tuyến giao thông đường sắt ngầm dưới lòng đất. Và cáp treo có vẻ như trở thành một "phương tiện bay" lý tưởng cho các nước này.
Theo các chuyên gia trên thế giới đánh giá, lợi ích kinh tế của giải pháp giao thông này là hiển nhiên: Cáp treo có thể chuyên chở 5.000 khách mỗi giờ trên một hướng đi, ít hơn metro với khả năng chở được hơn 20.000 khách mỗi giờ, xong lại rẻ hơn metro gấp 10 lần.
Nếu được khai thác đúng cách, cáp treo sẽ tiêu thụ ít năng lượng hơn so với đa số hệ thống chuyên chở công cộng khác, vì động cơ kéo cáp luôn hoạt động ở một vận tốc ổn định. Chi phí lắp đặt cũng rẻ hơn nhiều. Giá vé không hề đắt đối với hành khách mọi tầng lớp và do đó thời gian hoàn vốn nhanh.
Giao thông cáp treo đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới
Sau Dubaï (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) và London (Anh), nhiều thành phố lớn khác trên thế giới, nhất là tại Nam Mỹ và châu Phi, đang xây dựng các hệ thống cáp treo nội thị nhằm giải quyết nạn kẹt xe trong bối cảnh quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh. Cáp treo có nhiều ưu điểm.
12 năm trở lại đây, hệ thống cáp treo đã mọc lên ở nhiều thành phố Mỹ Latinh như Cali và Medellin (Colombia); Caracas, Venezuela; La Paz, Bolivia; và Rio de Janeiro. Ở La Paz, cáp treo mở ra từ năm 2014 giúp kết nối những vùng bị ngăn cách bởi tôn giáo, chủng tộc và địa vị xã hội.
Vừa đi làm vừa ngắm cảnh với cáp treo tránh tắc đường tại Bolivia.
Medellin là một trong những thành phố lớn nhất Columbia, từng là trung tâm buôn bán ma túy của quốc gia này và khu vực Nam Mỹ. Nơi này “lột xác” hoàn toàn kể từ năm 2004 với hệ thống cáp treo Metrocable chạy ngang qua thành phố.
Metrocable là hệ thống cáp treo đầu tiên trên thế giới dành riêng cho giao thông công cộng, với lịch trình dịch vụ cố định. Thông qua kết quả điều tra từ dư luận, tổ chức Urban Land Institute (ULI) của Mỹ dành tặng Medellin danh hiệu “Thành phố sáng tạo nhất thế giới”.
Tuy nhiên, từ tháng 10/2016, hàng nghìn người dân của Mexico City đã bắt đầu đi làm hoặc đi học bằng những cabin có màu sắc rực rỡ chạy dọc theo tuyến cáp treo đầu tiên của thành phố.