Cắt bỏ điều kiện kinh doanh để doanh nghiệp làm thật

Chỉ khi các quyết định cắt bỏ điều kiện kinh doanh dựa trên tư duy quản lý trên nền tảng công nghệ mới và quy luật thị trường, thì doanh nghiệp mới thực sự không coi đó là nỗi sợ hãi thường trực.
Cắt bỏ điều kiện kinh doanh để doanh nghiệp làm thật

 Trường đại học FPT là một ví dụ về sự vất vả khi tuân thủ đúng các điều kiện kinh doanh, điều kiện hoạt động

Nỗi ấm ức của người phải… nói dối

Không hiểu bà Mai Thị Anh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế và lãnh đạo các vụ, viện của Bộ Giáo dục và Đào tạo nghĩ gì sau khi dự cuộc hội thảo về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) diễn ra đầu tuần này tuần.

Không có nhiều đề xuất trực tiếp vào các phương án cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo như họ mong đợi để hoàn tất công việc được giao, thay vào đó là nỗi lòng của những người đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, nhưng buộc phải lách luật, phải làm giả, để thỏa mãn các quy định.

“Trước khi phát biểu, tôi đã hỏi có được nói thật không, mọi người bảo có thế nào thì nói thế, nên tôi nói. Chúng tôi đầu tư học cụ, học liệu rất lớn bởi những yêu cầu khắt khe của phương pháp Montesorri, nhưng khi người của phòng giáo dục, sở giáo dục đi kiểm tra, chúng tôi phải cất đi, thay vào đó là học cụ bằng nhựa, mua ở ngoài chợ về, vì những cái đó mới đúng quy định”, bà Anh Hoa, đại diện Học viện Montesorri Việt Nam bộc bạch các vấn đề gặp phải.

Khoan nói đến những khoản đầu tư lãng phí mà các trường buộc phải chi phí để tuân thủ, vấn đề là hiệu quả thực tiễn của quy định này hoàn toàn không có, nhưng lại đang là cơ sở để các trường được quyết có đủ điều kiện được hoạt động hay không. Đương nhiên, dù ấm ức, song các trường không còn cách nào khác là phải chọn cách đối phó, làm giả để được hoạt động thật.

Không chỉ một vài cơ sở rơi vào tình thế này. Ông Hoàng Anh Đức, CTCP Giáo dục Edufit còn gọi cách mà các giáo viên của họ phải làm là chép nội dung từ hồ sơ số sang giấy để thỏa mãn quy định là có sổ đầu bài theo yêu cầu của sở giáo dục là chép phạt.

“Chúng tôi thực hiện hồ sơ số, lưu trữ số hóa và chỉ in ra khi cần thiết, thay vì việc phải làm hồ sơ bản cứng theo một số sổ sách mẫu, rất bất tiện trong việc quản lý, vận hành. Nhưng khi có đoàn kiểm tra, họ yêu cầu phải có sổ đầu bài đúng mẫu, chúng tôi buộc phải chép lại”, ông Đức kể.

Ngay cả Đại học FPT danh tiếng cũng không thoát khỏi tình thế trớ trêu trên. Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường đại học FPT kể về sự vất vả khi tuân thủ đúng các điều kiện kinh doanh, điều kiện hoạt động hiện hành.

“Chúng tôi có những ngành phải đến năm thứ 4 học sinh mới học đến, nhưng trong hồ sơ xin mở ngành thì cơ sở vật chất, giáo viên cơ hữu ký hợp đồng, có đóng bảo hiểm… đã phải “sẵn mâm, sẵn bát” hết. Chúng tôi lách bằng cách vẫn ký hợp đồng, nhưng đưa các thầy cô sang làm tại bộ phận khác của Tập đoàn FPT trong thời gian chưa đứng lớp, nhưng không phải trường nào cũng có điều kiện lách như vậy. Chi phí này sẽ đổ hết lên đầu học sinh”, ông Tùng thừa nhận.

Bao giờ điều kiện kinh doanh không còn là nỗi sợ hãi

Cùng thời điểm với cuộc hội thảo trên, vào ngày 15/5, Nghị quyết 19-2018/NQ-CP phiên bản năm 2018 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018, định hướng đến năm 2020 đã được người đứng đầu Chính phủ đặt bút ký.

Một lần nữa, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% số quy định hiện có về điều kiện kinh doanh; kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.

Nhưng đó là các yêu cầu và hạn định của Nghị quyết, còn người theo dõi hoạt động này trực tiếp, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), vẫn chưa thực sự an tâm.

“Trong nhiều phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh đã trình Chính phủ, tính hình thức, làm cho xong còn rất nặng nề. Vấn đề nằm ở chỗ tư duy quản lý nhà nước vẫn không thay đổi, nhiều quy định đã tồn tại cả chục năm, trên nền tảng quản lý thủ công, thiếu cơ sở dữ liệu, không kết nối. Nhưng hiện tại, công nghệ quản lý đã có điều kiện thay đổi, nhưng nhiều bộ, ngành vẫn giữ tư duy cũ. Tôi không hiểu tại sao lại phải quy định phòng học bảo đảm đúng quy cách, đủ ánh sáng, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông… Làm thế nào để doanh nghiệp chứng minh được là đủ”, bà Thảo phân tích.

Ngay trong những lần thảo luận cuối cùng về nội dung Dự thảo Nghị quyết 19-2018/NQ-CP, vẫn còn khá nhiều ý kiến từ các bộ, ngành đề xuất giữ nguyên các quy định, thủ tục hiện hành, dù không một nước nào trên thế giới còn áp dụng nữa. 

“Tâm lý lo hộ cho doanh nghiệp, không chấp nhận cách thức quản trị rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm vẫn chi phối rất nhiều các phương án rà soát, sửa đổi thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh”, bà Thảo nói.

Ông Lê Trường Tùng gọi thẳng đó là tư duy rơi rớt kế hoạch hóa, làm gì cũng phải xin phép. Trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, sau khi các trường có được giấy phép hoạt động rồi, cũng chưa thể bắt đầu được vì còn phải xin giấy phép mở ngành, giấy phép tuyển sinh, giấy phép thủ tục tuyển sinh…

“Chúng tôi không quan trọng lắm cắt thủ tục nào, bỏ điều kiện gì, mà quan trọng là cắt gì, gỡ gì trên nền tư duy quản lý nào. Vì 10 năm trước, khi mở trường, chúng tôi mất khoảng 9 tháng từ lúc xin phép đến lúc đi vào hoạt động, còn hiện giờ để mở phân hiệu, chúng tôi mất 3 năm”, ông Tùng nói.

Với các bộ đã rà soát, có quyết định bãi bỏ các điều kiện kinh doanh cụ thể, thì hoàn thành việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan, trình Chính phủ ban hành trong quý III/2018. 

Theo Báo Đầu Tư

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...