Nhà văn được gặp Hưng lần đầu tiên khi anh vừa nhận chức Chủ tịch huyện Thạch Biên. Khi ấy, người viết câu chuyện này đã rất ngạc nhiên khi thấy trong phòng làm việc của anh treo một chiếc ba lô đỏ cũ kĩ, bạc phếch. Còn trong tủ kính có đặt một chiếc nỏ sừng, cạnh đó là ống tên, bên trong vẫn còn tám mũi tên bạc chưa một lần được bắn đi.
Bắt đầu từ chiếc ba lô, rồi đến cái nỏ sừng, rồi những mũi tên bạc, cả con ốc loe đặt ngay trên bàn làm việc của chủ tịch huyện nữa… cứ vậy, câu chuyện về quãng thời gian lưu lạc của Hưng được khơi gợi và rồi được chính anh kể lại cho nhà văn nghe.
Truyện đã được viết lại một cách trung thực, những diễn biến chính chỉ “gói gọn” trong khoảng thời gian hơn hai năm kể từ khi nhân vật Hưng dời Thạch Biên cùng bố và gặp tai nạn đắm đò cho đến khi cậu ta quay trở lại quê nhà cùng cô bạn gái thân thiết. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều những ghi chép tỉ mỉ nữa trong sổ tay của nhà văn, nhân đây cũng xin được công bố để bạn đọc có thêm một “đoạn kết” thú vị như thế này: Câu chuyện lưu lạc xảy đến với Hưng khi đất nước còn nghèo, xã hội lúc bấy giờ chưa có internet, chưa có điện thoại di động, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội đang thai nghén những bước chuyển mình mạnh mẽ sau này. Vì thế con người ở thời điểm ấy cũng khác rất nhiều so với bây giờ. Hưng đã có một cuộc di chuyển từ miền núi xuống đồng bằng, từ miền Bắc vào miền Trung rồi từ miền Trung vào miền Nam một cách ngẫu nhiên, tưởng như một bi kịch bất ngờ xảy đến trong đời nhưng ngược lại cũng cho anh nhiều trải nghiệm thú vị và quý giá. Hưng đã nhiều lần quay lại những nơi mà mình từng đến, gặp những con người mà mình từng gặp, có vui, có buồn, nhưng cơ bản đều thấy cuộc sống này dẫu sao đi nữa thì vẫn rất đáng tin yêu bởi người tốt luôn nhiều hơn người xấu.
“Những đứa trẻ lên mười có khả năng hấp dẫn bạn đọc ghê gớm. Những đứa trẻ lên mười cũng có khả năng trình ra trước bạn đọc cả một thế giới nội tâm đa dạng và phức tạp của mình. Những đứa trẻ lên mười cũng đã có thể có những hành động làm thay đổi cuộc đời mình hoặc những người xung quanh. Những đứa trẻ lên mười vốn bí ẩn, thú vị và luôn mang lại bất ngờ cho cuộc sống quanh chúng. Những đứa trẻ lên mười cũng là một phần của chính tôi. Và thế là tôi nghĩ đến một câu chuyện… Câu chuyện về những đứa trẻ lên mười. Đó chính là Chú bé đeo ba lô màu đỏ” - Nhà văn Nguyễn Đình Tú
Rất nhiều bạn đọc đã nhận xét về cuốn sách này:
“Nguyễn Đình Tú đã viết lên một câu chuyện đầy hấp dẫn và giàu tính nhân văn cho trẻ nhỏ và người lớn sẽ tìm thấy đâu đó chính tuổi thơ mình hay tuổi thơ một thời đã qua của bố mẹ họ. (Theo fb Tuấn Nguyễn)
“Một câu chuyện ý nghĩa không chỉ dành riêng cho trẻ nhỏ, mình đọc liền trong 2 tiếng là xong. Khi gấp lại cuốn sách, mình vừa thấy bàng hoàng vừa thấy cảm động vừa thấy ấn tượng bởi những gì đã xảy ra với một đứa bé 10 tuổi” (Theo fb Hung Quang Nguyen)
Báo chí cũng dành những dòng trang trọng:
Chú bé đeo ba lô màu đỏ - Món quà quý cho trẻ thơ hôm nay: “Liên tiếp những sự kiện, biến cố bất ngờ khi móc nối, khi buông lửng, khi theo trật tự thời gian tuyến tính, lúc đảo tuyến thời gian, nhiều mạch truyện sự kiện, hành động đan xen những hồi ức, tâm trạng nhân vật người kể chuyện, sự chuyển đổi tự nhiên trong ngôi kể, hình thức trần thuật để tạo niềm tin và khơi mở xúc cảm tích cực ở bạn đọc… tất cả tạo nên một sức hấp dẫn, ám gợi rất lớn đối với trẻ thơ”
PGS.TS Bùi Thanh Truyền
Sống để tìm kiếm - một thông điệp nhân văn!: “Một thành công của cuốn sách này chính là ở sự nhập thân vào nhân vật, trao gửi điểm nhìn miêu tả, phân tích cho nhân vật, do vậy những chi tiết hiện lên theo quan điểm nhân vật, lạ lẫm, ngỡ ngàng, non tơ và tươi nguyên.”
PGS.TS Nguyễn Thanh Tú
Chiếc ba lô màu đỏ - một biểu tượng tính thiện: “Chú bé đeo ba lô màu đỏ” được viết bằng chất giọng điềm tĩnh, người lớn, không chút “nương nhẹ”. Có vẻ như, tác giả rất hiểu người đọc của mình: những đứa trẻ ở thời đại đầy ắp thông tin, thẳng thắn và đôi khi ngược ngạo, không chấp nhận bị nương nhẹ, sẵn sàng đối mặt với mọi sự thật. Nhưng cũng chính những đứa trẻ ấy lại dễ bị tổn thương hơn trong thế giới này, dễ hoang mang hơn trong sự hỗn loạn của thông tin mà chúng chưa đủ sức phân loại để lựa chọn, để tin hoặc không tin”
Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh
Trên đường biên của tuổi thơ: “Trong chúng ta, liệu thời ấu thơ ai mà không có những người bạn tốt, những chuyến phiêu lưu giang hồ điên rồ, sự tò mò tưởng tượng về thế giới đầy ngô nghê, những trăn trở về các mối quan hệ trong gia đình và xã hội? Các sự kiện và suy tưởng này thì lại dày đặc trong tác phẩm của Nguyễn Đình Tú. Theo nghĩa ấy, tiểu thuyết Chú bé đeo ba lô màu đỏ xứng đáng là một tác phẩm vượt qua được sự thử thách của độ tuổi tiếp nhận. Hành trình từ nơi khởi phát là truyện thiếu nhi để đến với mọi độ tuổi tiếp nhận khác nhau, nơi mỗi độ tuổi sẽ tìm thấy trong thế giới tuổi thơ ấy câu chuyện và thông điệp của riêng mình”
Tiến sĩ Phan Tuấn Anh
Một “Không gia đình” của Việt Nam - cuốn sách không chỉ dành cho tuổi mới lớn: “Nếu như coi mỗi dòng chữ là một tín hiệu thông tin thì đằng sau việc kể một câu chuyện phiêu lưu của một chú bé, nhà văn Nguyễn Đình Tú gửi đến cho người đọc nhiều thông điệp. Nếu Hector Malot đã khắc họa thành công diện mạo Châu Âu thế kỷ XIX với hai nước chủ yếu là Anh và Pháp thì Nguyễn Đình Tú dẫn dắt người đọc đến với khung cảnh quê hương và tấm lòng con người Việt Nam ở thập niên cuối cùng của thế kỷ XX”
Tiến sĩ Hà Thanh Vân
Lòng nhân ái trên những bước đường khám phá thế giới: “Rất nhiều những tác phẩm văn học dành cho thiếu niên hiện nay có xu hướng kéo trí tưởng tượng của các em đi xa nhất, khám phá những vùng hiện thực... không có thực, thì Nguyễn Đình Tú đã có một “hành trình ngược”. Nhà văn đã đưa các em khám phá chính những vẻ đẹp trong những điều dung dị của cuộc sống trần thế thân thuộc này theo từng bước chân của cậu bé Hưng bị số phận đẩy đưa trong hành trình xuyên Việt mà cậu vừa là nhân vật chính, vừa là một hướng dẫn viên du lịch cho bạn đọc”
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy