CEO Techcombank: Không quan trọng số lượng mà đặt trọng tâm là chất lượng khách hàng

Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 27.100 tỷ đồng, tăng hơn 18,4% so với năm 2023. Đáng chú ý, sau 10 năm tích lũy lợi nhuận để tái đầu tư hoạt động kinh doanh và không chia cổ tức, Hội đồng quản trị đã trình cổ đông phương án chia cổ tức tiền mặt năm 2023 với tỷ lệ là 15%...

Sáng ngày 20/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – mã chứng khoán: TCB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 tại Hà Nội. Đại hội đã thông qua nhiều nội dung quan trọng như kết quả kinh doanh năm 2023, mục tiêu hoạt động năm 2024, kế hoạch phân phối lợi nhuận, tăng vốn điều lệ…

Tại đại hội, ông Jens Lottner, CEO của Techcombank nhấn mạnh: “Chúng tôi không quan tâm nhiều đến số lượng khách hàng mà tỷ lệ khách hàng active, sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Chúng tôi phải đảm bảo hệ thống phục vụ khách hàng có lợi nhuận nhất. Hiện nay lợi nhuận của Techcombank đến từ số ít khách hàng chứ không phải đông đảo khách hàng. Quý vị có thể thấy nhận diện của Techcombank rất tốt, đó là do chất lượng của chúng tôi tốt và được đánh giá cao, dù quy mô khách hàng có thể không bằng...”.

TECHCOMBANK SẼ ĐÓN ĐẦU PHÂN KHÚC GIÀU CÓ

Trong khuôn khổ của đại hội, CEO Jens Lottner đã công bố báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2023. Bất chấp nhiều thách thức tồn tại trong năm qua, ngân hàng Techcombank đã hoàn thành và vượt tất cả các chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra thời điểm đầu năm.

Cụ thể, dư nợ tín dụng năm ngoái đạt 530.148 tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ. Tổng huy động từ khách hàng tăng mạnh 34,3% so với năm 2022 lên mức 507.157 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Techcombank đạt 849.482 tỷ đồng, tăng 21,5% so với năm trước, giữ vững vị trí top đầu những ngân hàng có tổng tài sản cao bậc nhất hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần.

Đồng thời, trong năm qua, ngân hàng Techcombank đã thu về 22.888 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 10,5% so với cùng kỳ, song vượt 4% kế hoạch lợi nhuận mà Đại hội đồng cổ đông đã duyệt.

Đáng chú ý là hệ số CAR vẫn được duy trì lành mạnh ở mức 14,4%, cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8%. Các chỉ số an toàn hoạt động đều đảm bảo như CAR, LDR, vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn,…đều đáp ứng tốt yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Jens Lottner, CEO của Techcombank

Theo ông Jens Lottner, Techcombank vẫn theo đuổi những chiến lược đúng của ngân hàng. 4 trụ cột chính trong chiến lược của Techcombank là CASA 55%, vốn hoá 20 tỷ USD, thu nhập phí chiếm 30% tổng thu nhập, ROE 20%.

“Chúng tôi tin rằng tốc độ tăng trưởng GDP 6% thì Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được. Việt Nam có dân số trẻ, sử dụng nhiều công nghệ và ngày càng giàu lên. Khi quốc gia giàu có hơn thì họ sẽ sử dụng ngân hàng nhiều hơn. Chúng ta dễ dàng thấy được sự thay đổi ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Đến năm 2030, mức sống của người dân Việt Nam sẽ còn cao hơn Malaysia, Indonesia,…và họ cần đến dịch vụ quản lý gia sản tốt hơn. Đó là lý do Techcombank đón đầu phân khúc giàu có, sẽ đẩy mạnh mảng quản lý gia sản cùng với TCBS”, CEO Techcombank chia sẻ.

Dựa trên kết quả tích cực đã đạt được trong năm qua, ban lãnh đạo ngân hàng đã trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 27.100 tỷ đồng, tăng hơn 18,4% so với thực hiện năm 2023. Dư nợ tín dụng đạt 616.031 tỷ đồng, tăng 16,2%. Tổng tiền gửi khách hàng phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng thực tế, nhằm tối ưu hóa bảng cân đối kế toán. Tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 1,5%.

CHIA CỔ TỨC KHỦNG, TĂNG VỐN ĐIỀU LỆ GẤP ĐÔI

Năm 2024, ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ từ hơn 35.225 tỷ đồng lên trên 70.450 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Nguồn vốn chủ sở hữu dự kiến được sử dụng để tăng vốn điều lệ đến từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và thặng dư vốn cổ phần căn cứ trên Báo cáo tài chính kiểm toán riêng và Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán của Techcombank.

Tỷ lệ phát hành dự kiến là 100%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 100 cổ phiếu mới. Thời gian dự kiến thực hiện là trong năm 2024 hoặc cho đến khi ngân hàng hoàn thành các thủ tục theo yêu cầu của pháp luật.

Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tối đa hiện tại và sau khi tăng vốn sẽ không đổi là 22,486% vốn điều lệ. Số vốn tăng thêm dự kiến sẽ được sử dụng để bổ sung vốn hoạt động của Techcombank.

Ông Hồ Hùng Anh (trái) và ông Jens Lottner thảo luận với các cổ đông

Đáng chú ý, sau 10 năm tích lũy lợi nhuận để tái đầu tư hoạt động kinh doanh và không chia cổ tức, từ năm 2024, Hội đồng quản trị Techcombank đã trình cổ đông phương án chia cổ tức tiền mặt năm 2023 với tỷ lệ là 15%/cổ phiếu, tương đương cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 1.500 đồng. Thời gian dự kiến thực hiện trong quý 2 hoặc quý 3/2024.

Để thực hiện phương án nói trên, ước tính Techcombank sẽ phải bỏ ra gần 5.284 tỷ đồng. Nguồn thực hiện chia cổ tức là lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm ngày 31/12/2023 theo Báo cáo tài chính kiểm toán riêng và hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán của Techcombank.

Theo Tổng giám đốc Techcombank, ông Jens Lottner, việc thay đổi chính sách chi trả cổ tức dựa trên đánh giá về tiềm năng lợi nhuận, tình hình vốn và những dự báo về thay đổi chính sách. Với những nền tảng hiện có, lãnh đạo Techcombank cho biết ngân hàng có thể thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt đồng thời vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận 20% mỗi năm cũng như các tỷ lệ an toàn như chiến lược đề ra.

Tại đại hội, đã có cổ đông hỏi về việc các ngân hàng thường chia cổ tức bằng cổ phiếu nhiều lần hàng năm để giá cổ phiếu không bị pha loãng quá mạnh, còn Techconbank chia luôn 1 lần với tỷ lệ rất cao 100%, điều này sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu như thế nào?

Theo ông Jens Lottner, thực tế thưởng cổ phiếu cho cổ đông không ảnh hưởng tới vốn chủ sở hữu, chỉ là chuyển dịch từ phần này sang phần kia, không ảnh hưởng gì. Có thể ảnh hưởng giá cổ phiếu bị pha loãng, giảm đôi chút nhưng đây cũng có thể là cơ hội cho nhà đầu tư khác mua vào TCB với giá phù hợp. Nếu là ngân hàng tốt thì giá cổ phiếu sẽ tăng trưởng trở lại.

KHÔNG ĐÁNH ĐỔI TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG LẤY CHẤT LƯỢNG TÀI SẢN

Trong phiên thảo luận, ban lãnh đạo ngân hàng cũng dành thời gian để trả lời câu hỏi của cổ đông về các vấn đề như chiến lược kinh doanh, giao dịch cổ phiếu.

Đơn cử như, có cổ đông đặt câu hỏi ”Nhiều ngân hàng đã tham gia việc nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém để được hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn (có thể lên tới 49%). Tại sao Techcombank không tham gia mua lại các ngân hàng yếu kém? Điều đó có khiến cho ngân hàng tụt hậu so với các ngân hàng khác?”.

Đại diện Techcombank là ông Jens Lottner đã trả lời, đây là câu hỏi mà mỗi ngân hàng phải tự quyết định. Khi quyết định nhận chuyển giao bắt buộc thì cũng phải bỏ ra các chi phí lớn để hỗ trợ cho các ngân hàng yếu kém đó và ban lãnh đạo ngân hàng phải cân nhắc rất thận trọng về vấn đề đó.

“Tôi không nghĩ rằng Techcombank bị tụt hậu so với các ngân hàng khác trong ngành bởi vì khi so sánh các chỉ số tài chính thì Techcombank vẫn có phần vượt trội với các ngân hàng khác. Tỷ lệ D/E có thể cao hơn so với một số ngân hàng khác nhưng ROE, ROA của Techcombank thường cao hơn các ngân hàng khác khoảng 3-4%, đây là khoảng cách khá lớn”, ông Jens Lottner phản biện.

Chia sẻ về tăng trưởng tín dụng trong năm 2024, CEO Jens Lottner cam kết, Techcombank không đánh đổi tăng trưởng lấy chất lượng tài sản. Ngân hàng hiện đang thực hiện tăng trưởng tín dụng theo các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và mức tăng trưởng kế hoạch 2024 khoảng 16-25% là hoàn toàn phù hợp. Về lãi suất và dư địa tăng trưởng, Techcombank có những cái nhìn thận trọng để đảm bảo hoạt động của ngân hàng.

Nói thêm về chiến lược kinh doanh, ông Jens Lottner cho hay, Techcombank có định hướng thực hiện đa dạng hoá rủi ro tín dụng, mở rộng thêm cho vay SME, tín dụng tiêu dùng nhưng chưa có kế hoạch thành lập công ty tài chính nào của riêng Techcombank cả. Đồng thời, ngân hàng cũng cân nhắc mô hình hoạt động của FE Credit hay Home Credit nhưng thời điểm này là chưa phù hợp.

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank

Chia sẻ về kết quả kinh doanh quý 1/2024, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank tiết lộ, hiện ngân hàng chưa công bố báo cáo tài chính quý 1 nhưng có thể nói kết quả vẫn theo kế hoạch, lợi nhuận quý 1 rất tốt.

Về vấn đề về room ngoại và cổ đông nước ngoài, ông Hồ Hùng Anh cũng nói thêm, hiện room ngoại của Techcombank là 22%, tỷ lệ này cho phép ngân hàng phát hành 10% cho cổ đông chiến lược.

Techcombank cũng đang xem xét việc phát hành cho cổ đông chiến lược. Thông thường phát hành cho cổ đông chiến lược thì giá cổ phiếu cao hơn, điều này mang lại lợi ích chung cho các cổ đông. Năm vừa rồi VPBank đã làm thành công với SMBC, Techcombank cũng đang nghiên cứu cơ hội như vậy. Ngân hàng đang tìm kiếm cơ hội và kỳ vọng khi thị trường tốt hơn thì sẽ gặp được.

Năm 2025, Techcombank đặt kỳ vọng vốn hoá là 20 tỷ USD và TCBS là 5 tỷ USD. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc nhiều vào thị trường.

Có thể bạn quan tâm