Chấn chỉnh kinh doanh trên vỉa hè: Hai vế của bài toán quản lý đô thị

Quản lý đô thị, chấn chỉnh các sai phạm, tháo dỡ các công trình lấn chiếm vỉa hè, phạt nặng các xe đỗ sai quy định... chỉ mới là một vế của vấn đề.
Chấn chỉnh kinh doanh trên vỉa hè: Hai vế của bài toán quản lý đô thị

Việc lập lại trật tự vỉa hè là chuyện đương nhiên phải làm, làm mạnh, làm thường xuyên và không phân biệt đối xử giữa người vi phạm là cơ quan công quyền hay người dân bình thường. Vế còn lại là tổ chức  mọi sinh hoạt liên quan đến vỉa hè, lòng lề đường sao cho vừa khoa học, vừa thuận tiện cho người dân. Một khi hoạt động thuận tiện mà lại đúng quy định, đúng pháp luật, người dân sẽ ít hay không còn động lực để vi phạm nữa.

Lấy ví dụ chuyện đỗ ô tô ở trung tâm thành phố - bên cạnh nhiệm vụ phạt hay cẩu đi những xe đỗ sai quy định, cơ quan quản lý đô thị còn phải lên kế hoạch tạo dựng chỗ đỗ xe để ngày càng bớt đi các biên bản vi phạm. Đã có lúc nhiều tuyến đường có tổ chức cho đỗ xe thu phí, không hiểu sao mấy năm gần đây lại bỏ. Nhiều tuyến đường rộng, ít xe lưu thông như đường Hàm Nghi, quận 1, hoàn toàn có thể cho đỗ xe mà không ảnh hưởng đến giao thông. Nhiều tuyến đường một chiều có thể cho đỗ xe thu phí theo giờ...

Với tiến bộ trong công nghệ thông tin nay không cần đầu tư các cột tính tiền đỗ xe theo giờ tốn kém đã có từ lâu ở các nước phát triển mà có thể áp dụng các phương thức khác, vấn đề là một kế hoạch và một quyết tâm thực hiện.

Ngay chuyện đầu tư bãi đỗ xe đã nghe nói từ chục năm nay. Thiết nghĩ một trong những vướng mắc của nhà đầu tư là khả năng thu hồi vốn bị tác động bởi giá trần gửi xe. Những chuyện như giá giữ xe tối đa bao nhiêu cứ để thị trường và quy luật cung cầu quyết định, nhà quản lý không nên bận tâm.

Một mối quan tâm khác là chuyện sử dụng vỉa hè để kinh doanh như thế nào là hợp lý. Những ai từng đi nước ngoài đều thấy ngay cả ở những nước gần chúng ta và nổi tiếng về kỷ cương quản lý đô thị như Singapore vẫn cho phép kinh doanh ăn uống trên một số vỉa hè. Hình ảnh này ở một số nước châu Âu như Bỉ, Pháp... thì quá bình thường. Ở những thành phố lớn, đông đúc như New York vẫn có quầy bán báo, xe bán hotdog trên vỉa hè hay ở lề đường.

Chuyện quy hoạch như thế nào để sử dụng vỉa hè cho hợp lý là chuyện lớn, cần sự bàn bạc, cân nhắc và lập kế hoạch. Chỉ có điều các sạp báo ở vỉa hè từng rất sôi động ở nước ta là một nét văn hóa khá độc đáo, nên duy trì. Cũng như vậy các gánh hàng rong là cần câu mưu sinh của khá nhiều người dân đô thị cần một sự linh hoạt, di chuyển dễ dàng, đi vào từng góc nhỏ của đô thị. Không thể nào gom chúng vào một địa điểm cố định hay đưa lên mạng theo kiểu kinh doanh trực tuyến được.

Lập lại trật tự vỉa hè đã là chuyện tốt, nỗ lực giải quyết các hệ quả của việc lập lại trật tự này càng tốt hơn. Nhưng tốt nhất vẫn là sao cho hợp lý, thuận tiện và áp dụng được trong thực tế. Có như vậy mới giải được cả hai vế của một trong nhiều bài toán quản lý đô thị.

Theo thesaigomtimes.vn

thesaigontimes.vn/158441/Hai-ve-cua-mot-bai-toan.hhttp://www.thesaigontimes.vn/158441/Hai-ve-cua-mot-bai-toan.html

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...