Thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây đã đón nhận rất nhiều cổ phiếu có vốn hóa khủng. Điều này không chỉ có tác động mạnh mẽ đến tâm lý của nhà đầu tư mà bên cạnh đó, bộ mặt mới của thị trường chứng khoán trong nước cũng đã dần lộ diện.
Tuy nhiên, vốn hóa thị trường cũng như điểm số của hai chỉ số VN-Index và HNX-Index chịu ảnh hưởng rất lớn từ những biến động giá của các cổ phiếu có vốn hóa lớn. Chỉ cần một trong số những cổ phiếu này tăng giảm mạnh đã có thể khiến hai chỉ số VN-Index và HNX-Index biến động theo chiều tương ứng.
Đáng chú ý nhất phải kể đến các cổ phiếu có tỷ lệ tự do chuyển nhượng thấp (freefloat) vì chỉ cần một lượng nhỏ cổ phiếu này giao dịch đã có thể khiến thị trường tăng thêm hoặc giảm đi hàng nghìn tỷ đồng vốn hóa.
Điểm hình như trong phiên giao dịch ngày 28/6/2017, SAB có thời điểm giảm 6.200 đồng (-2,99%) xuống còn 201.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chỉ vỏn vẹn 350 cổ phiếu (khoảng 70 triệu đồng). Việc SAB giảm mạnh như trên đã khiến vốn hóa của SAB nói riêng và vốn hóa thị trường nói chung sụt gần 3.976 tỷ đồng.
Nói về cơ cấu cổ đông của SAB, công ty có vốn điều lệ 6.412 tỷ đồng, tương ứng với 641 triệu cổ phiếu, trong đó, chỉ riêng Bộ Công thương đã nắm giữ đến 574 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 89,59%. Thậm chí trước đó, theo cơ cấu cổ đông chốt ngày 6/10/2016, số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng của SAB chỉ là khoảng 4,6 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 0,72%. Hiện nay, tỷ lệ này được nâng lên khoảng 10,4%.
Thanh khoản của SAB đều chỉ ở mức thấp, với khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần đây chỉ khoảng hơn 35 nghìn cổ phiếu.
Nhìn SAB có thể thấy được việc cổ phiếu có vốn hóa lớn nhưng thanh khoản thấp trên thị trường dễ dàng giúp nâng đỡ thị trường trong lúc khó khăn nhưng cũng có thể làm thị trường chao đảo chỉ bằng một lượng nhỏ cổ phiếu được chuyển nhượng trên sàn và điều này ảnh hưởng khá lớn tới tâm lý của nhiều nhà đầu tư có tư tưởng giao dịch dựa trên biến động chung của chỉ số chung VN-Index hay HNX-Index.