GS Đặng Hùng Võ cho rằng Việt Nam còn thiếu nơi lưu trú đạt chuẩn quốc tế
Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng phát triển mạnh
Phân khúc bất động sản (BĐS) du lịch, nghỉ dưỡng đang cho thấy ưu thế hơn hẳn trên thị trường. Theo ông, đâu là những yếu tố thúc đẩy BĐS du lịch, nghỉ dưỡng phát triển mạnh?
Khi thị trường BĐS phục hồi vào năm 2014 sau một thời gian khủng hoảng, các nhà đầu tư chuyển sang một phân khúc rất mạnh là BĐS du lịch nghỉ dưỡng. Trước hết phải thấy cầu về du lịch ở Việt Nam đang phát triển nhanh, rồi chủ trương của Nhà nước đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn. Điểm thứ 3 là các nhà đầu tư đưa ra sáng kiến bán BĐS nghỉ dưỡng hình thành trong tương lai.
Từ khi các nhà đầu tư nghĩ đến việc gọi vốn từ nhà đầu tư thứ cấp thông qua hình thức bán từng phần của các dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng cho các nhà đầu tư cá nhân thì phương thức đó làm cho BĐS du lịch nghỉ dưỡng phát triển rất nhanh. Các dự án lớn về BĐS du lịch nghỉ dưỡng kể cả phát triển lưu trú, vui chơi giải trí dưới dạng tổ hợp công viên vui chơi hoặc các sân golf phát triển nhanh tại những nơi đang có cầu lớn hoặc tiềm năng lớn về du lịch.
So với các nước phát triển du lịch mạnh như Singapore, Malaysia, Thái Lan..., BĐS du lịch nghỉ dưỡng của Việt Nam có ưu điểm gì và còn tồn tại hạn chế gì, thưa ông?
Về tồn tại, Thái Lan, Singapore là những nước đã đưa du lịch thành ngành kinh tế phát triển mạnh. Riêng BĐS phục vụ du lịch thì chúng ta thấy những cơ sở lưu trú gắn kết với nhau theo tuyến du lịch còn ít, đặc biệt thiếu nơi lưu trú đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ví dụ như Hạ Long, hiện nay khách sạn 5 sao hay condotel đếm trên đầu ngón tay, vì vậy chưa hút được khách nhiều tiền.
Việt Nam còn thiếu các cơ sở lưu trú đạt chuẩn quốc tế (Ảnh: khu nghỉ dưỡng 5 sao JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay).
Cùng với đó là việc kết nối thành tuyến. Ví dụ Móng Cái – Hải Phòng là tuyến du lịch quan trọng của miền Bắc nhưng hiện nay chưa gắn kết được với nhau. Ở nhiều nơi, các cơ sở lưu trú, khu vui chơi còn ít, chưa có công trình hấp dẫn khách nước ngoài. Số cơ sở lưu trú của ta so với Thái Lan, Singapore còn thấp hơn nhiều. Như vậy, trong tương lai, dư địa phát triển sẽ rất tốt.
Nói về ưu điểm thì Việt Nam là nước giàu tiềm năng du lịch, đây là thế mạnh hơn hẳn Thái Lan, Singapore. Có nhiều danh lam thắng cảnh, mang tính tự nhiên, văn hóa, lịch sử có thể thu hút khách du lịch nhưng chúng ta chưa khai thác hết.
Những điểm đến được đánh dấu trên bản đồ du lịch thế giới còn đếm trên đầu ngón tay. Đáng kể mới chỉ có InterContinental Sun Penisula Resort ở Đà Nẵng. Trong khi các nước khác thì có rất nhiều các công trình nhân tạo làm nơi lưu trú hay khu vui chơi… và cao cấp hơn chúng ta.
Quần thể du lịch là xu hướng phát triển tất yếu
Có thể thấy BĐS du lịch, nghỉ dưỡng ở Hạ Long, Phú Quốc… đang chứng tỏ sức bật rất tốt trong thời gian qua, quy tụ được những nhà đầu tư hàng đầu như Sun Group, Vingroup… Thưa ông, liệu có phải các dự án quy mô, được đầu tư hệ thống, bài bản từ khách sạn, nghỉ dưỡng cho đến nhà phố thương mại của chủ đầu tư lớn như vậy đã tạo đà dẫn dắt các thị trường này tăng tốc?
Trên thế giới có nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn xuyên quốc gia. Tại Việt Nam cũng đã xuất hiện những nhà đầu tư lớn tầm quốc tế như Vingroup, Sun Group… Họ mới là những người có thể đầu tư được những công trình mang tầm quốc tế và kết nối với mạng lưới du lịch quốc tế. Đồng thời họ tạo ra được những điểm nhấn ấn tượng. Chẳng hạn cách mà Sun Group xây dựng Cầu Vàng, dù đầu tư không nhiều, nhưng sáng kiến này tạo điểm nhấn cho du lịch. Chỉ những nhà đầu tư chuyên nghiệp thì mới tạo được thành quả này.
Những tổ hợp dạng như thế này đã xuất hiện ở một vài điểm. Ví dụ như Nam Phú Quốc với các công trình của Sun Group, Nam Hội An của Vingroup… Chỉ những nhà đầu tư chuyên nghiệp mới xây dựng được các công trình mang tính tổ hợp. Trong vòng 5 năm qua, chính thành quả của các tập đoàn như Sun Group, Vingroup và một vài nhà đầu tư nữa bắt đầu chỉ ra cho chúng ta thấy được cách thức phát triển du lịch, hạ tầng du lịch như thế nào sẽ thúc đẩy sự phát triển.
Cáp treo Hòn Thơm – cáp treo 3 dây vượt biển dài nhất thế giới nằm trong quần thể vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng tỷ đô của Sun Group tại Nam Phú Quốc.
Chẳng hạn ở Phú Quốc, chỉ trong 1 thời gian ngắn khu Nam Phú Quốc đã xuất hiện quần thể du lịch nghỉ dưỡng với rất nhiều dự án lớn, từ resort cho đến khu vui chơi giải trí, tới đây còn có cả khu đô thị trên đảo. Theo ông, cách phát triển BĐS theo dạng quần thể như vậy có lợi thế gì? Nhà đầu tư rót tiền vào dự án tại các quần thể như vậy được lợi gì?
Những quần thể du lịch bao gồm nhiều thứ, kể cả đô thị, khu vui chơi giải trí dưới nhiều dạng khác nhau cùng với các khu lưu trú đã tạo ra một không gian du lịch khép kín. Du khách có thể ở dài ngày mà vẫn chưa đi được hết. Đấy là cách thức tổ chức du lịch mà nhiều nước trên thế giới đã làm và làm rất tốt, còn chúng ta vẫn chưa chuyên nghiệp được như họ. Chúng ta chưa làm đa dạng hóa được các không gian du lịch.
Cách phát triển BĐS theo dạng quần thể sẽ thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư sẽ hưởng lợi từ việc khai thác du lịch. Đối tượng khách nhiều tiền thường đến nơi được đánh dấu trên bản đồ du lịch quốc tế, tức là đạt chuẩn du lịch quốc tế. Chứ họ không bỏ tiền ra chỉ để đi ngắm phong cảnh. Một tour du lịch của họ bao gồm nhiều thứ, nhiều thể loại du lịch. Những tổ hợp, quần thể du lịch đảm bảo được các tiêu chí đó thì sẽ mang đến nhiều lợi ích cho nhà đầu tư và góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Xin cảm ơn Giáo sư.