Logistics hiện là vấn đề đáng quan tâm của nông sản Việt Nam. Theo các chuyên gia, dù không thua kém về chất lượng nhưng chi phí logistics quá cao, phụ thuộc lớn vào các hãng vận chuyển nước ngoài khiến nông sản Việt Nam giảm sức cạnh tranh khi xuất khẩu ra thế giới. Do đó, cần thúc đẩy logistics xuyên biên giới để giảm chi phí.
Hiện nay, tại Việt Nam, mặc dù lĩnh vực logistics đã được quan tâm đầu tư phát triển nhưng chất lượng dịch vụ và các trung tâm logistics lớn vẫn còn thiếu và yếu dẫn đến hạn chế năng lực cạnh tranh của hàng nông sản ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
CHI PHÍ LOGISTICS CAO
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam là nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn với nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, sản xuất theo chuỗi liên kết còn hạn chế, hao hụt thất thoát sau thu hoạch còn cao, công nghiệp bảo quản chế biến chưa hiện đại dẫn đến hiệu quả kinh doanh, khả năng cạnh tranh nông sản chưa cao, tình trạng được mùa mất giá còn xảy ra. Một trong những nguyên nhân quan trọng của những tồn tại này là các dịch vụ hỗ trợ cho kinh doanh nông sản, đặc biệt là dịch vụ logistics còn hạn chế.
Logistics là chuỗi các hoạt động bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, thủ tục hải quan, đóng gói bao bì, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan…
Hiện nay, hạ tầng giao thông dù có sự nâng cấp và cải thiện nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển nông sản. Đặc biệt, tại các cửa khẩu, cảng lớn, bãi tập kết hàng hóa nông sản không đảm bảo, thiếu hệ thống kho lạnh, dịch vụ kiểm dịch, công tác điều phối còn bất cập, xảy ra tình trạng ùn tắc. Ở trong nước, một số vùng sản xuất tập trung, các đầu mối giao thương đang còn thiếu các trung tâm logistics giúp liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Không chỉ bất cập về kho bãi và công tác điều phối, chi phí logistics cao cũng là một vấn đề đau đầu với nông sản Việt Nam.
Tại hội thảo “Định hướng hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của hệ thống cung ứng dịch vụ logistics trong chuỗi giá trị nông sản”, TS. Nguyễn Anh Phong, Phó viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, tỷ lệ hao hụt và thất thoát trong chuỗi nông sản cao từ 25 - 30%. Chi phí logistics chiếm tỷ lệ rất lớn trong giá thành của nhiều ngành hàng.
Trong đó, thủy hải sản 35%, rau quả và trái cây có thể lên đến 45%. Chi phí logistics chiếm 12% giá thành sản phẩm ngành thủy sản, chiếm 23% giá thành đồ gỗ, chiếm 29% giá thành rau quả, chiếm 30% giá thành gạo.
Nguyên nhân do Việt Nam vẫn thiếu các trung tâm logistics nông nghiệp đóng vai trò tích hợp vận chuyển, lưu trữ, thu gom và phân phối hàng hóa với các công đoạn cụ thể như đóng gói, dán nhãn, lắp ráp, bóc tách, phân phối, vận chuyển; liên kết, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc; tư vấn dịch vụ…
Ngoài ra, chi phí logistics nông nghiệp ở Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12% và cao hơn Singapore 300%. Trên tổng thể, chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng hơn 20% GDP. Trong khi đó, mức chi phí logistics trung bình trên thế giới, chỉ khoảng 11% GDP.
THÚC ĐẨY LOGISTICS XUYÊN BIÊN GIỚI
Logistics đóng vai trò quan trọng trong cả quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản nhưng chi phí logistics cao đã làm giảm lợi nhuận của nông sản Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế, kéo giảm chi phí cũng như thời gian khâu logistics sẽ là động lực đưa nông sản Việt Nam vươn xa. Để làm được điều này, cần phải thúc đẩy logistics xuyên biên giới phát triển.
Ông Đặng Đình Long, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mega A cho biết, logistics xuyên biên giới sẽ xử lý tất cả các khâu liên quan tại một điểm. Điều này vô cùng quan trọng, nhất là đối với nông sản, thực phẩm đòi hỏi thời gian nhanh nhất nhằm bảo đảm chất lượng và độ tươi ngon.
Theo ông Long, logistics xuyên biên giới sẽ tạo ra dịch vụ vận chuyển một cách tối ưu nhất về mặt chi phí, thời gian và chất lượng của hàng hóa. Thực hiện logistics xuyên biên giới giúp tổng chi phí dịch vụ giảm từ 5 - 8%.
“Một trạm hay một điểm dừng, hàng hóa có thể từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu một cách nhanh chóng nhất mà không phải thông qua nhiều khâu kiểm tra. Khi đó, hàng hóa sẽ được kiểm tra kỹ ngay từ điểm đầu (nước xuất khẩu), rồi đi thẳng đến trạm dừng (điểm cuối).
Logistics xuyên biên giới sẽ tạo ra một chuỗi liên kết giá trị từ đơn vị bảo hiểm, ngân hàng đến đơn vị cảng biển, hãng tàu, các doanh nghiệp logistics và các chủ hàng. Chuỗi liên kết này tạo ra sự an toàn, tin cậy trong xuất nhập khẩu.
Logistics xuyên biên giới là một giải pháp mà tất cả các bên cùng tham gia vào để cùng cung cấp một dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Để làm được việc này từ khâu sản xuất thì cần phải chuẩn hóa, ví dụ nhà máy cần phải đầy đủ ISO, HACCP, sản phẩm phải đạt vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, cơ sở đóng gói phải được đăng ký mã nhà đóng gói và vùng trồng cần phải được đăng ký mã số vùng trồng. Khi đăng ký mã số vùng trồng, mã giờ nhà đóng gói qua Bộ chủ quản sẽ được chuyển tới thông tin một cửa từ phía bạn. Tổng cục Hải quan của phía bạn sẽ nhận được thông tin. Khi hàng đến, số hiệu trên nhãn mác sẽ giúp hàng thông qua một cách nhanh chóng nhất mà không cần phải kiểm tra, kiểm đếm gì thêm và không phát sinh tình trạng ách tắc ở cửa khẩu.
Với phần vận chuyển quốc nội, vận chuyển từ nhà máy tới cảng biển cũng yêu cầu các nhà cung cấp vận chuyển có tính chuyên nghiệp cao, có kinh nghiệm trong ngành để có thể cung cấp dịch vụ chuẩn xác nhất tới khách hàng. Đặc biệt là mặt hàng nông sản, yêu cầu về thời gian vận chuyển rất ngắn nên cách chất xếp, cách bảo quản, nhiệt độ thông gió phải thật sự thích hợp.
Thành phần tiếp theo tham dự vào chuỗi cung ứng logistics, tham dự vào giải pháp logistics xuyên biên giới là các hãng tàu. Tàu container có thể mang tới các giải pháp vận chuyển cho khách hàng từ 10 tấn trở lên.
Tuy nhiên, đối với những mặt hàng khác nhau, yêu cầu việc sắp xếp cũng khác nhau. Nhiệt độ bảo quản, độ thông gió cũng là những yêu cầu vô cùng quan trọng cho các sản phẩm xuất khẩu. Một số sản phẩm đông lạnh cần các container âm độ như -18 độ, -22 độ, thậm chí -32 độ.
Vấn đề quan trọng khác đặt ra cho việc vận chuyển đường biển đó là thời gian tàu chạy và cập bến. Đối với logistics xuyên biên giới, nhất là sản phẩm nông sản thì phải tìm các dịch vụ vận chuyển hãng tàu đi trực tiếp, tức là vận chuyển trực tiếp từ cảng đi tới cảng nhận luôn.
Ngoài ra, một thành phần nữa không kém phần quan trọng là các công ty khai thác cảng biển. Các công ty này phải cam kết hỗ trợ cho sản phẩm nông sản của Việt Nam.