Câu chuyện được chia sẻ tại buổi tọa đàm gần đây do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ là một ví dụ cho thấy, chi phí chính là lý do khiến nhiều hộ kinh doanh không muốn lên doanh nghiệp. Mặc dù đây là điều được nhà nước khuyến khích và việc “lên đời” doanh nghiệp cũng mang lại khá nhiều lợi ích, thủ tục cũng không quá phức tạp.
Theo ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, việc chuyển đổi thành doanh nghiệp tư nhân rất dễ dàng, chỉ cần đơn xin thành lập doanh nghiệp và kèm theo các chứng từ về nhân thân như chứng minh thư, hộ chiếu… Với các loại hình doanh nghiệp khác cũng chỉ cần thêm điều lệ và chứng từ nhân thân của thành viên tham gia.
Ngoài những nguyên nhân chủ quan từ phía hộ kinh doanh thì một trở ngại không nhỏ đến từ chính sách khi chưa thực sự tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi một cách nhanh chóng và nhất là đảm bảo cho họ kinh doanh hiệu quả và bền vững sau khi chuyển đổi.
Nói về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn thừa nhận, luật hiện hành đang quy định nhiều khoản, mục “làm khó”các doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Theo quy định sau khi có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện một loạt các chi phí tuân thủ, điều này với các doanh nghiệp vừa chuyển đổi là cả một trở ngại lớn, cần thời gian và những hỗ trợ nhất định để điều chỉnh và bắt nhịp”, ông nói.
Ví dụ, hộ kinh doanh có doanh thu khoảng 500 triệu tới 1 tỷ đồng chuyển đổi lên doanh nghiệp nhỏ phải tuyển 1 kế toán, lương kế toán trả 5 triệu đồng/tháng, một năm mất khoảng 60 triệu đồng. Như vậy, tiền thuê kế toán để đáp ứng yêu cầu kế toán và thuế quá lớn, dành tới gần 1/10 doanh thu cho một yêu cầu của pháp luật là điều phi lý.
Thêm vào đó, sẵn tâm lý e ngại, sợ thủ tục hành chính rườm rà cũng khiến các hộ kinh doanh không muốn lớn vì lo sợ quy mô càng lớn càng, thủ tục càng nhiều, bị thanh tra “hỏi thăm” nhiều.
Chính phủ đã đặt mục tiêu tới 2020 phải có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và để đạt mục tiêu này, một trong những hướng đi là khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp. Nhưng thực tế, điều này rất khó khăn.
Chẳng hạn trên địa bàn Quận 1, TPHCM – nơi kinh doanh sầm uất bậc nhất cả nước, có khoảng 26.000 hộ kinh doanh. Chỉ tiêu của Quận là vận động trên 2.000 hộ chuyển đổi thành doanh nghiệp đến hết năm 2017. Thế nhưng trong 6 tháng qua, cả quận mới chỉ có 8 hộ chuyển đổi thành doanh nghiệp.
“Chính sách của ta dường như mới tập trung vào khuyến khích thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ, động viên khởi nghiệp. Chính sách phải xuyên suốt và nhất quán, tức là nó phải làm thế nào để khi người ta thành lập doanh nghiệp rồi thì phải có một chỗ dựa để phát triển từ doanh nghiệp đó lên”, ông Tô Hoài Nam nói.
Vì vậy, động lực lớn nhất để các hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp là một môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Theo VGP NEWS