Diễn biến trên TTCK Việt Nam trong những tháng đầu năm khá sôi động với sự bứt phá mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản. So với thời điểm đầu năm, chỉ số VnIndex đã tăng khoảng 12% nhưng trên thị trường có rất nhiều nhóm ngành với nhiều cổ phiếu “tăng bằng lần”, mang đến tỷ suất lợi nhuận đáng mơ ước cho nhà đầu tư. Và cổ phiếu dược phẩm là một trong những nhóm ngành như vậy.
Tính tới phiên giao dịch 25/5, hàng loạt các cổ phiếu ngành dược như Dược Hậu Giang (DHG), Imexpharm (IMP), Domesco (DMC) đều tăng hàng chục phần trăm, thậm chí Dược Hà Tây (DHT) còn tăng 168% (tính theo giá điều chỉnh) so với đầu năm. Những cái tên mới lên sàn gần đây như TCT Dược Việt Nam (DVN), Dược TW2 (DP2) cũng thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư và liên tục tăng trần.
"Mức tăng trưởng ấn tượng của các cổ phiếu ngành dược đã mang lại khoản lợi nhuận “trong mơ” cho các nhà đầu tư nắm giữ. Nhà đầu tư nhỏ lẻ mua 100 triệu đồng cổ phiếu DHT vào cuối năm 2016 thì khoản đầu tư đó đến nay đã lên tới 268 triệu đồng.
Không chỉ mang lại niềm vui lớn cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, các nhà đầu tư tổ chức cũng cảm thấy ấm lòng với số tiền mình bỏ ra, cho dù họ không thể tiến hành chốt lãi được như các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Giữa năm 2016, Tập đoàn dược phẩm hàng đồng Nhật Bản là Taisho Pharmaceutical đã mua hơn 21,3 triệu cổ phiếu DHG, tương đương 24,4% vốn điều lệ Dược Hậu Giang từ các 34 cổ đông ngoại. Mặc dù mức giá chuyển nhượng không được công bố nhưng theo đánh giá của CTCK Bản Việt thì Taisho Pharmaceutical đã phải chi ra khoảng 2.600 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn của Dược Hậu Giang.
Sau 1 năm đầu tư, khoản đầu tư của Taisho Pharmaceutical hiện có giá trị lên tới 3.364 tỷ đồng – tăng gấp 1,3 lần giá vốn bỏ ra. Ngoài ra, Taisho Pharmaceutical còn nhận về 75 tỷ đồng tiền cổ tức từ Dược Hậu Giang.
Một trường hợp khác là CFR International SPA – một thành viên thuộc tập đoàn dược phẩm danh tiếng Abbott cũng thắng lớn với khoản đầu tư vào Domesco. Hiện tại, CFR International SPA đang nắm giữ gần 18 triệu cổ phiếu DMC với giá trị 2.202 tỷ đồng và theo ước tính, con số này gấp khoảng 5,5 lần giá vốn đầu tư ban đầu.
Điều gì đã khiến cổ phiếu dược phẩm bứt phá?
Việc cổ phiếu dược phẩm tăng mạnh và thu hút sự quan tâm lớn từ giới đầu tư có nhiều nguyên nhân, đầu tiên là yếu tố kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực. Theo đó, các doanh nghiệp như Dược Hậu Giang, Domesco, Imexpharm, Dược Hà Tây…đều có kết quả tăng trưởng ổn định trong suốt những năm qua và câu chuyện này tiếp tục được duy trì trong quý 1 vừa qua.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân quan trọng khác thúc đẩy đà tăng của cổ phiếu dược là vấn đề M&A, nới room. Trong năm 2016, Domesco đã trở thành doanh nghiệp dược phẩm đầu tiên trong ngành dược nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100%, mở ra kỳ vọng cho các doanh nghiệp khác đang trong tình trạng kín room như Dược Hậu Giang, Imexpharm, Traphaco…
Việc mở room sẽ kéo theo những câu chuyện M&A trong ngành dược. Có thể thấy, ngay sau khi tiến hành nới room lên 100%, CFR International SPA đã mau chóng gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Domesco lên trên 51% và trở thành cổ đông lớn nhất, nắm quyền chi phối tại doanh nghiệp này. Trong năm 2016, Taisho bất ngờ nắm giữ 24,4% cổ phần Dược Hậu Giang và chắc hẳn đại gia dược Nhật Bản sẽ tiếp tục gia tăng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp dược lớn nhất Việt Nam khi có cơ hội.
Cuối cùng, một yếu tố quan trọng khác thúc đẩy đà tăng của cổ phiếu dược là việc dòng tiền đổ mạnh vào TTCK Việt Nam trong năm 2017 khiến hầu hết các nhóm ngành đều bứt phá. Tuy vậy, ngành dược phẩm với nền tảng cơ bản tốt cũng như những câu chuyện M&A, nới room đã thu hút dòng tiền tốt và tăng trưởng vượt trội so với thị trường chung.
Theo Minh Anh/ Trí thức trẻ