Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 3,98% so với cùng kỳ do Tết Nguyên đán

2 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,67%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước…

Tháng 2/2024 CPI và tổng mức bán lẻ tăng mạnh
Tháng 2/2024 CPI và tổng mức bán lẻ tăng mạnh

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, tháng 2/2024 là tháng có Tết Nguyên đán Giáp Thìn nên nhu cầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ của người dân tăng cao.

Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu; giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2024 tăng 1,04% so với tháng trước; tăng 1,35% so với tháng 12/2023 và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2023.

Bình quân 2 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,67% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,84%.

Trong mức tăng 1,04% của CPI tháng 2/2024 so với tháng trước có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Cụ thể, 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: Nhóm giao thông, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm đồ uống và thuốc lá, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch, nhóm hàng hóa và dịch vụ, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình, nhóm thuốc và dịch vụ y tế, Còn 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm là nhóm bưu chính viễn thông, nhóm giáo dục.

Về lạm phát cơ bản tháng 2/2024 tăng 0,49% so với tháng trước và tăng 2,96% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 2 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản tăng 2,84% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,67%) chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI, nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Cũng trong tháng 2, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 14%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 35,8%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 2/2024 ước đạt 509,7 nghìn tỷ đồng, giảm 2,3% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.031,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5%.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 798,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,4% tổng mức và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 4,5%).

Còn doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 118,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng mức và tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu 2 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương có tốc độ tăng cao như: Ninh Bình tăng 35%; Kiên Giang tăng 24%; Đà Nẵng tăng 22,7%; Quảng Ninh tăng 20,8%; An Giang tăng 20,5%; TP.HCM tăng 18,6%; Hà Nội tăng 17,4%; Hà Nam tăng 13,4%; Cần Thơ tăng 10,8%; Hải Phòng tăng 10,5%.

Về doanh thu du lịch lữ hành 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 9 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 35,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 105,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,2% tổng mức và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.

Xem thêm

Người dân chuẩn bị mua sắm hàng hoá cho Tết nguyên đán 2024

CPI năm 2023 tăng 3,25%

Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, tính chung cả năm 2023, CPI tăng 3,25%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm trước…

Có thể bạn quan tâm

Giá vàng tiếp tục tăng

Giá vàng tiếp tục tăng

Giá vàng thế giới vẫn tăng mạnh dù đồng USD leo thang, trong nước, vàng miếng SJC thêm nửa triệu đồng/lượng ở cả chiều mua - bán...