Chia tay cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, nghĩ về đạo đức doanh nhân

Chiều nay, lễ tang theo nghi thức cấp cao của nhà tư sản yêu nước từng tặng hơn 5.000 lượng vàng cho Chính phủ sẽ diễn ra tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông lúc 13h30.
Chia tay cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, nghĩ về đạo đức doanh nhân

Vợ chồng nhà tư sản dân tộc yêu nước Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ là những người đã giúp Cách mạng nước nhà trong những ngày đầu gian khó. Những sự giúp đỡ khó có thể đong đếm trong suốt những ngày Tháng Tám Tổng khởi nghĩa thành công và Chính phủ ra mắt quốc dân đồng bào ngày 2/9/1945, một Nhà nước Việt Nam kiểu mới nhưng muôn vàn khó khăn. Cụ bà Minh Hồ đã ra đi hôm 5/11 trong sự tiếc nuối và cảm phục của mọi người dân chúng ta.

Tôi xem cụ như một tượng đài tiêu biểu về doanh nhân có tấm lòng yêu nước vô bờ bến đối với dân tộc Việt. Đạo đức trong kinh doanh là thứ mà hai cụ Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ luôn lấy làm trọng. Đây là điều mà các thế hệ sau cần học ở các thế hệ đi trước.

"Những nhà buôn lớn như gia đình nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô ở nửa đầu thế kỷ trước, họ luôn trọng chữ Tín trong kinh doanh. Cũng nhờ biết trọng chữ Tín mà họ trở nên giàu có nhanh và nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả nước ngoài.

Các cụ đã ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp cả thảy 5.147 lượng vàng. Trong đó, riêng tại Tuần lễ Vàng (9/1945), ông bà đã góp 117 lạng để làm gương cho nhiều người hưởng ứng. Nên nhớ, ngân khố quốc gia khi giành chính quyền từ tay thực dân Pháp ngày ấy chẳng có gì ngoài hơn triệu đồng Đông Dương rách nát mà thực chất là tiền phải thu hồi, không thể dùng.

Đó là chưa kể ngôi nhà ở phố cổ (48 Hàng Ngang, Hà Nội) rộng tới 1.000 m2 đất, thông sang tận phố Hàng Cân, theo thời giá bây giờ cũng cả trăm tỷ đồng cũng đã được gia đình vui vẻ hiến tặng cho nhà nước để làm di tích Cách mạng (nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập mùng 2/9/1945).

Đặc biệt hơn nữa, khi được hỏi “Sao bà không biết gì về Cộng sản trước đó mà lại tin tưởng Cách mạng đến mức giao cả một lượng tài sản lớn như thế giúp đất nước?”, cụ Hoàng Thị Minh Hồ chỉ trả lời một cách đơn giản: Nếu dân tộc mình mà tránh được tổn thất về con người như mong muốn của cụ Hồ thì dù tài sản ông bà có mất nữa cũng không nên tính toán. "Dân tộc bớt đổ máu là chúng tôi mừng rồi...", cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ giải thích.

Tấm lòng yêu nước thương nòi thật đặc biệt và triết lý kinh doanh của người phụ nữ đảm đang, tháo vát, thông minh nhưng đầy nhân hậu ấy, ngay từ khi còn rất trẻ đã thấm nhuần cái đạo làm người, muốn làm nhiều điều thiện giúp người. Gia đình thương gia Trịnh Văn Bô đã khéo léo dùng uy tín của thương hiệu Phúc Lợi và các mối làm ăn của cha mẹ để lại rồi từ đó tiếp tục sản xuất và buôn bán tơ lụa vải sợi để mỗi ngày một lan toả rộng ra.

Vợ chồng đại tư sản Trịnh Văn Bô và các con chụp tại Hà Nội năm 1955 - Ảnh tư liệu gia đình
Vợ chồng đại tư sản Trịnh Văn Bô và các con chụp tại Hà Nội năm 1955 - Ảnh tư liệu gia đình


“Nhiều thương gia nước ngoài sang Hà Nội làm ăn đã nghe tiếng vải Phúc Lợi và về nước họ chia sẻ với bạn làm ăn. Từ đó, uy tín của gia đình tôi lan rộng ra các nước trong khu vực" - ông Trịnh Cần Chính, con trai cụ kể.

Cụ Minh Hồ luôn nhắc nhở mình rằng trong làm ăn thì phải tính cho được lỗ, lãi. Khi đã có lãi một đồng thì nên tích luỹ 7 hào và 3 hào còn lại nên làm việc phúc đức, cứu người. Phải chăng vì thế mà cụ có uy tín cao trong giới doanh nhân ngày đó và người tiêu dùng thì cũng tin vào thương hiệu của nhà cụ.

Với tư duy của một nhà buôn, hai cụ cũng thừa hiểu bỏ tài sản ra giúp Cách mạng cũng đâu để mong gì lấy lại như lời cụ Nguyễn Lương Bằng gặp, truyền đạt lại ý cụ Hồ: Khi đất nước hoà bình, Chính phủ dần dần sẽ có tích luỹ thì trả lại tài sản cho gia đình cụ.

Thế rồi sau năm 1954, gia đình cụ Bô từ vùng kháng chiến về thành Hà Nội. Tài sản của gia đình cũng chẳng còn gì vì đã hiến dần cho Cách mạng ngoài một số bất động sản là nhà cửa mà ông bà mua từ trước thì còn đó. Họ trở về hiệu tơ lụa sợi Phúc Lợi của gia đình ở 48 Hàng Ngang và cho gia nhân đào lại cái giếng nước trong sân. Nơi này gia đình đang chôn giấu hơn 1,4 tấn bạc trước ngày rời đi kháng chiến vào năm 1946 (vì vàng thì đã giúp cách mạng rồi).

Thật lạ lùng, khối tài sản khủng đó tuyệt nhiên hề suy xuyển lấy một lượng. Vẫn là những người gia nhân này, họ từng chôn cả tấn bạc giúp bà. Rồi họ cùng đi theo bà suốt 9 năm đi kháng chiến, no đói họ cùng có nhau...

Thế mới thấy những gia đình tư sản giàu có cỡ như ông bà, đạo đức con người luôn được xem trọng. Chúng ta cũng có thể hiểu được sự trung thành đến thế nào của những gia nhân đối với gia đình cụ như thế. Tôi nghĩ, chắc chắn cụ cư xử với gia nhân rất tình nghĩa để không một ai phản cụ, lấy đi số tài sản còn lại đó.

Thời cụ Trịnh Văn Bô, chúng ta cần biết ơn những vị đại tư sản dân tộc danh tiếng khác như cụ Đỗ Đình Thiện. Cụ cũng đóng góp tiền của cho Cách mạng vô cùng lớn mà nhiều người đương thời cũng đã biết. Cụ Đỗ Đình Thiện được xem là người thẳng thắn, cương trực, khiêm tốn, không màng danh lợi, không sợ cường quyền nhưng cũng là người lịch lãm, tinh tế và có khả năng cuốn hút người khác. Cụ cũng là tấm gương tiêu biểu của giới doanh nhân nước nhà, làm nhiều việc thiện như chính tên của cụ...

Ngẫm lại những việc của các nhà Thương gia xưa, chợt buồn cho những việc mới xảy ra gần đây như VN Pharma, như mỹ phẩm TS hay vụ Khải Silk…

Điều đáng buồn ở chỗ ông Hoàng Khải, chủ nhân của thương hiệu mà người tiêu dùng đã từng yêu quý à tự hào lại hay lên truyền hình rao giảng đạo đức và triết lý kinh doanh của cho đến khi sự thật lộ ra. Tôi nghĩ, hậu quả mà ông Hoàng Khải tự chuốc lấy sẽ còn rất nặng nề không chỉ cho ông mà còn ảnh hưởng tới các thương hiệu Việt Nam khác trong nhiều năm tới.

Hay vụ công ty phân bón Thuận Phong (Đồng Nai) bị bắt quả tang sản xuất hàng giả, đóng mác bao bì gian đối, giả xuất xứ từ Mỹ cũng làm nóng cả Nghị trường suốt hai kỳ Quốc hội.

Rồi vụ buôn bán hàng mỹ phẩm ngoại với quy mô lớn không rõ nguồn gốc ở Thủ đô mới bị phơi bày. Đó là chuyện " quý cô "Nguyễn Thu Trang (29 tuổi) sinh ra tại Hòa Bình, "là một trong 2 nhà lãnh đạo trẻ sáng lập và điều hành tập đoàn kinh doanh online lớn nhất Việt Nam" trong đó có những đồ mỹ phẩm mang thương hiệu nổi tiếng của nhiều quốc gia đã bị lôi ra ánh sáng.

Hình ảnh quý bà Nguyễn Thu Trang, người vừa được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận thay mặt cho " quý bà Việt Nam" đi dự thi" Hoa hậu quý bà Châu Á 2017 đã khiến chúng ta thất vọng vô cùng. Đặc biệt hơn, vụ làm giấy tờ giả để nhập thuốc chữa ung thư vào Việt Nam của công ty dược Vn Pharma vừa đưa ra xét xử và yêu cầu xử lại vì có nhiều dấu hiệu bỏ lọt tội.

Những vụ việc trên cho thấy quy mô của những gian dối trong kinh doanh đang phát triển với một tốc độ đáng sợ. Nó cũng cho thấy sự suy giảm đáng kể của đạo đức kinh doanh. Khi mà các doanh nghiệp sẵn sàng bỏ qua sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng của đồng bào mình chỉ vì lợi nhuận: Phân bón cho cây trồng khiến nông dân đã nghèo lại càng nghèo thêm... người bệnh mua thuốc là để hy vọng kéo dài sự sống, vậy mà hoá ra thuốc giả. Tức là họ đã cố ý thủ tiêu niềm hy vọng sống của người bệnh... Tất cả những hiện tượng này, nếu các cơ quan có trách nhiệm làm đến nơi đến chốn thì họ làm sao thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật. Vì thế, cần phải tìm và trị cho được những ai từng bảo kê cho họ lộng hành đến thế.

Hy vọng những vụ việc như trên sẽ được pháp luật xử nghiêm khắc, tránh cho người dân phải chịu hậu hoạ, ảnh hưởng đến đời sống sức khoẻ và tiền bạc của người dân. Làm thật nghiêm vụ việc này để khi thế giới khi nhìn vào, sẽ thấy chúng ta không ngừng phấu đấu để không còn là mảnh đất dung dưỡng cho những vụ làm ăn gian dối, bất minh.

Nhớ về một thế hệ doanh nhân Việt có nghĩa cử cao đẹp và có đạo đức trong kinh doanh thuở xưa, chúng ta nghiêng mình đưa tiễn cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ và mong rằng các thế hệ doanh nhân hôm này cùng soi vào tấm gương của những nhà doanh nhân yêu nước ấy để noi gương, học tập. Bởi đồng tiền mất đi còn có thể lấy lại được, nhưng danh dự một khi không còn, rất khó tìm lại.

Những lẽ này, không phải bây giờ, mà từ những năm 40 của thế kỷ trước, đã được Lương Văn Can đưa ra trong cuốn “Thương học phương châm” (hiện còn ở dạng bản thảo, lưu giữ tại Thư viện Khoa học Trung ương và gia đình tác giả): Bí quyết thành công đối với nhà kinh doanh là ở sự trung thực. Nghĩa là nguồn lợi thu về phải theo lẽ tự nhiên, đừng bao giờ vì lợi mà làm điều xằng bậy hoặc phiêu lưu mạo hiểm. Giả dụ như người tích trữ gạo, vải mà lại mong mất mùa lúa, mùa bông thì đó là cái tâm địa ích kỷ, độc ác. Lại có người kinh doanh chuyên mua thừa bán thiếu, làm hàng giả để đánh tráo hàng thật, cũng bởi lòng tham không cùng mà thôi. Xét kỹ ra, người ta giàu nghèo ở tâm đức, ở lòng ngay thẳng, khoan hậu với người, đấy cũng là phép thuật kinh doanh vậy! …

Quốc Phong

Có thể bạn quan tâm