Chính phủ đặt mục tiêu đưa 5 ngân hàng niêm yết trên sàn quốc tế

Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tính minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, Chính phủ đặt mục tiêu đưa từ 3 đến 5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài.
Chính phủ đặt mục tiêu đưa 5 ngân hàng niêm yết trên sàn quốc tế

Đây là một trong những nội dung được nêu tại báo cáo Kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ gửi Quốc hội dành nhiều dung lượng đánh giá việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD).

Báo cáo cho biết, trong giai đoạn từ năm 2016 đến 31/7/2020,  toàn hệ thông các TCTD đã xử lý được 620.700 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, tự xử lý là 486.100 tỷ đồng, chiếm 78,3% tổng nợ xấu xử lý; bán cho VAMC là 126.200 tỷ đồng, chiếm 20,3%.

Về việc triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu quy định tại Nghị quyết số 42, VAMC đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và thu được 91.401 tỷ đồng, bằng khoảng 60% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế.

Tính đến 31/7, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD ở mức 1,92%, cao hơn so với mức 1,63% vào cuối năm 2019 nhưng vẫn được duy trì, kiểm soát dưới 3%. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 có thể khiến nhiệm vụ duy trì nợ xấu dưới 3% là rất thách thức trong giai đoạn sau 2020.

Báo cáo cũng ghi nhận giai đoạn vừa qua đã xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo; tình trạng cổ đông, nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối ngân hàng về cơ bản được kiểm soát.

Từ 2017-2019, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đã tích cực thoái vốn tại doanh nghiệp, tổ chức khác không phải là TCTD, thu về số tiền 2.235,7 tỉ đồng.

Tuy nhiên, nhiệm vụ cơ cấu lại các TCTD vẫn còn một số hạn chế. Ví dụ, tiến độ cơ cấu lại một số TCTD phi ngân hàng có chủ sở hữu, cổ đông lớn là tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn chậm; thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu còn hạn chế do chưa có thị trường mua bán nợ thật sự chuyên nghiệp; quá trình xử lý nợ xấu gặp khó khăn một phần do tài sản bảo đảm bị kê biên chủ yếu liên quan đến các vụ án với hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh nên thời gian xử lý kéo dài…

Chính phủ đề ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025 sẽ hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm giữ an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống, tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo đó, có ít nhất từ 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong danh sách 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản trong khu vực châu Á và 3-5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài.

Đồng thời đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS; tăng số lượng doanh nghiệp và người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính, ngân hàng do các TCTD cung ứng.

Xem thêm

Rủi ro nào chờ đón các ngân hàng nếu “mở toang” room ngoại?

Rủi ro nào chờ đón các ngân hàng nếu “mở toang” room ngoại?

Liên quan đến câu chuyện Ủy ban chứng khoán Nhà nước dự kiến bỏ quyền tự định đoạt tỷ lệ sở hữu cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) của các doanh nghiệp đại chúng, nhiều chuyên gia và ngân hàng cho rằng quy định này sẽ mang đến nhiều rủi ro

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...