Chính phủ đề xuất tạm thời giữ lại Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Chính phủ cho rằng suốt thời gian, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả trong việc tạo nên một "bước đệm" nhằm góp phần bình ổn giá (giữ ổn định hoặc giảm mức tăng).
Chính phủ đề xuất tạm thời giữ lại Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Quỹ bình ổn giá xăng dầu giúp linh hoạt trong việc bình ổn giá

Chiều 2/11, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi). Liên quan đến chính sách bình ổn giá, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết khác với các Quỹ tài chính khác, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được hình thành và quản lý nhằm mục đích duy nhất là góp phần bình ổn giá xăng dầu; không phát sinh tổ chức bộ máy và không quản lý tập trung.

Theo Bộ trưởng Phớc có một số ý kiến đánh giá Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã không còn phù hợp khi việc thu trước của người tiêu dùng 300 đồng/lít để tạo Quỹ là nguyên nhân gây ra lạm phát thực tế và định kỳ điều chỉnh giá là nguyên nhân gây ra lạm phát kỳ vọng.

quỹ bình ổn giá xăng dầu
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi).

"Về dư luận xã hội thông qua phản ánh từ báo chí, các chuyên gia thì cũng có nêu các cơ quan quản lý cần xem xét, nghiên cứu xóa bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tăng tính chủ động, linh hoạt trong điều chỉnh giá, để giá xăng dầu trong nước vận hành theo giá thế giới" - Bộ Tài chính cho biết.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cho rằng suốt thời gian, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả trong việc tạo nên một "bước đệm" nhằm góp phần bình ổn giá (giữ ổn định hoặc giảm mức tăng).

"Quỹ bình ổn giá xăng dầu giúp linh hoạt trong việc bình ổn giá nhằm ổn định giá xăng dầu trong một thời kỳ hoặc không cho giá xăng dầu trong nước tăng sốc, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và ổn định an sinh xã hội" - Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin.

Trên cơ sở đánh giá kỹ cho thấy trong thời gian vừa qua diễn biến giá mặt hàng này phức tạp, khó dự báo nên công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn cần thiết.

Vì vậy, Chính phủ đã thống nhất đề xuất trước mắt chưa bỏ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu đồng thời củng cố các cơ chế trong triển khai, tổ chức thực hiện nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng Quỹ.

Điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu cần linh hoạt, hiệu quả, kịp thời hơn

Thẩm tra về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết đa số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc cần thiết phải duy trì Quỹ.

Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách, Quỹ Bình ổn là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thực tế của Việt Nam hiện nay, việc bỏ Quỹ là chưa phù hợp. "Thực tế thời gian qua cho thấy, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì tại một số thời điểm, Quỹ bình ổn đã phát huy vai trò "điều hòa", giảm biên độ biến động giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát" - ông Cường cho biết thêm.

Tuy nhiên, ông Cường cũng cho biết đa số ý kiến đề nghị cần phải đổi mới theo hướng duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu nên có thời hạn và thời điểm, tiến tới phải vận hành theo thị trường, việc điều hành quỹ đòi hỏi linh hoạt, hiệu quả, kịp thời hơn nữa.

Cùng với đó, trong tổ chức thực hiện cần tăng cường trách nhiệm quản lý; đề cao tính công khai, minh bạch trước người dân; có cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng, đúng ý nghĩa thực tế.

Trước đó, Bộ Tài chính cho biết số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu đến hết quý II/2022 đến hết ngày 30/6 là 310,794 tỷ đồng. Trong quý II năm 2022 từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6, tổng số trích quỹ bình ổn giá xăng dầu là 1.007,807 tỷ đồng; tổng số sử dụng quỹ BOG là 526,726 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, lãi phát sinh trên số dư quỹ bình ổn giá xăng dương trong quý II/2022 là 1,426 tỷ đồng; lãi vay phát sinh trên số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu âm trong quý II/2022 là 1,792 triệu đồng.

Có thể bạn quan tâm