Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình nợ công năm 2022 và dự kiến năm 2023.
Theo báo cáo này, trong năm 2022, tổng khối lượng huy động vốn của Chính phủ đạt 619.492 tỉ đồng, chủ yếu từ vay trong nước (92%) thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ.
Cơ cấu nợ Chính phủ từ nợ trong nước tăng mạnh, chiếm 70%, chủ yếu là trái phiếu có kỳ hạn phát hành dài (trung bình khoảng 13,78 năm tính đến 14/9); nợ nước ngoài vẫn là vay ODA, vay ưu đãi dài hạn, góp phần giảm thiểu rủi ro tỉ giá, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Nợ được Chính phủ bảo lãnh tiếp tục xu hướng giảm mạnh, từ mức 8,8% GDP năm 2015 xuống còn khoảng 3,2% GDP năm 2022.
Chính phủ đánh giá các chỉ tiêu an toàn nợ công tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và góp phần củng cố tính bền vững của chính sách tài khóa, tạo dư địa dự phòng để có thể chủ động ứng phó với rủi ro vĩ mô.
Tuy nhiên, áp lực tăng vay, điều kiện thị trường vốn quốc tế và trong nước không thuận dẫn đến mặt bằng lãi suất tăng, phản ứng chính sách của các nước cũng gây sức ép giảm giá của đồng Việt Nam, làm ảnh hưởng nghĩa vụ trả nợ, đặc biệt với nợ bằng USD và rủi ro cho việc thực hiện các chỉ tiêu an toàn nợ công, nợ nước ngoài quốc gia.
Trong năm 2023, Chính phủ dự kiến huy động 644.515 tỉ đồng vốn vay để bù đắp bội chi ngân sách trung ương 430.500 tỉ đồng; vay để trả nợ gốc 190.515 tỉ đồng; vay về cho vay lại 23.500 tỉ đồng, từ các nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ, vay ODA, vốn ưu đãi nước ngoài...
Dự kiến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 293.405 tỉ đồng, trong đó trả nợ gốc khoảng 190.515 tỉ đồng và trả nợ lãi khoảng 102.890 tỉ đồng.
Dự kiến đến cuối năm 2023, chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách đảm bảo trong mức trần 25% Quốc hội phê duyệt. Chính phủ không bảo lãnh mới cho các chương trình, dự án mới, song dự kiến dư nợ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay trong nước khoảng 10.073 tỉ đồng, bảo lãnh vay nước ngoài khoảng 116.564 tỉ đồng.