Sự kiện này sẽ mở ra một không gian kinh doanh rộng mở hơn cho các doanh nghiệp ngay vào đầu năm tới. Tất nhiên, mọi việc chưa hẳn đều thuận lợi. Là đơn vị được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung phụ lục 4 Luật Đầu tư về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gần như bị đưa vào thế không thể không đi đầu.
Mở rộng cửa thêm 27 ngành kinh doanh
Bởi vậy, mặc dù có khá nhiều tranh luận trong những dự thảo đầu tiên hồi tháng 7/2016, nhưng chốt lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị bãi bỏ 4 ngành ra khỏi danh mục này. Đó là ngành kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu, ngành kinh doanh dịch vụ của đại lý đấu thầu, ngành kinh doanh dịch vụ tư vấn đánh giá dự án đầu tư và ngành kinh doanh dịch vụ đào tạo đánh giá dự án đầu tư.
Lý do bị loại của 4 ngành này cũng như 23 ngành được đề nghị rút ra khỏi Phụ lục 4 của Luật Đầu tư phần lớn là không phù hợp với mục đích quy định về ngành đầu tư kinh doanh có điều kiện theo Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư. Nghĩa là không đáp ứng các điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh, quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng. Nhiều ngành sẽ được chuyển sang phương thức quản lý hậu kiểm, áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, thay vì cách thức tiền kiểm như hiện nay.
Như vậy, số ngành còn lại trong Danh mục sẽ là 226 ngành, thay vì 267 ngành như hiện hành, trong đó có 15 ngành được bổ sung và một số ngành chỉnh sửa, gộp lại để chuẩn theo các quy định mới.
Điều đáng nói là với đề xuất này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gần như đã “tự chặt chân mình” – theo cách nói của nhiều chuyên gia kinh tế khi góp ý cho Dự thảo này – vì sau khi Dự luật này được thông qua và dự kiến sẽ có hiệu lực ngay vào đầu năm 2017, ngành kế hoạch và đầu tư sẽ không còn tên trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện khi phân theo lĩnh vực.
Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư là một trong những ngành nghề có điều kiện
“Chúng tôi đã lắng nghe nhiều ý kiến từ doanh nghiệp, các cơ quan quản lý để để xuất các phương án bãi bỏ danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện”, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải.
Tuy nhiên, cũng không thể không đề cập đến 15 ngành nghề được đề nghị bổ sung, nghĩa là các doanh nghiệp trong ngành này đang được dự báo sẽ có phải chịu không ít tác động không mong muốn. Có thể nhắc tới các ngành như kinh doanh dịch vụ thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư; hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; kinh doanh dịch vụ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn... Trong số này, ngành sản xuất, lắp ráp và phân phối ôtô có nhiều ý kiến trái chiều nhất, khi sẽ có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể sẽ bị ảnh hưởng khi sẽ phải đáp ứng các điều kiện trước khi kinh doanh nếu đề xuất này được Quốc hội chấp thuận.
“Chúng tôi đã ghi nhận đây là tác động không mong muốn của đề xuất này, nhưng đánh giá tổng thể, các điểm lợi mà nền kinh tế nhận được vẫn hơn, nên chúng tôi vẫn giữ nguyên đề xuất”, ông Đông cho biết thêm.
Cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Quy định về từng nhóm biện pháp hỗ trợ được Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tính đến chắc chắn sẽ khiến các các doanh nghiệp nhỏ và vừa hài lòng. Có rất nhiều quy định chi tiết và tính đếm được ngay như miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp, miễn lệ phí môn bài trong 2 năm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ giảm gia các gói thầu xây lắp... hay doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp mức thuế suất thấp hơn mức thông thường, được nhà nước hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động, đào tạo nguồn nhân lực...
Tất nhiên, sẽ cần có thêm các quy định cụ thể hơn, như mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho đối tượng này sẽ là bao nhiêu, ai sẽ là cơ quan thực hiện các hỗ trợ cho doanh nghiệp..., nhưng việc kể tên những cơ chế dành riêng cho khu vực doanh nghiệp vẫn được coi là yếu thế nhất của nền kinh tế chắc chắn sẽ thúc đẩy nhu cầu lớn lên, mạnh hơn của các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn chưa thực sự an tâm với các cơ hội mà dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tạo ra.
“Điều doanh nghiệp cần lúc này vẫn là các quy định phải rõ ràng, minh bạch để có niềm tin vào các cơ chế, chính sách dành cho họ” . TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI |
“Trong đối tượng hỗ trợ của Dự thảo Luật này không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Câu hỏi tôi khoăn, có nên hỗ trợ cho doanh nghiệp FDI quy mô nhỏ và vừa không? Câu trả lời của tôi là không?”, ông Lộc chia sẻ quan điểm ngay khi dự luật này đang được các đại biểu quốc hội cho ý kiến.
Thực tế, đây vẫn là ý kiến gây tranh luận. Vì, ở góc độ lý thuyết, doanh nghiệp FDI là một bộ phận của nền kinh tế, việc hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp này cũng sẽ mang lại lợi ích cho cho nền kinh tế.
Nhưng, ông Lộc giữ quan điểm rằng, mục tiêu chính của Dự luật này là thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa nội địa lớn nhanh hơn, tranh thủ các cơ chế hỗ trợ để thu nhập thêm năng lực cạnh tranh, hội tụ thêm các điều kiện để đặt chân vào các chuỗi giá trị cũng như tận dụng được tác động tràn từ khu vực doanh nghiệp FDI thông qua các mối liên kết.
“Cũng có lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng đển các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). Tuy nhiên, VCCI đã rà soát và khẳng định, Việt Nam không có cam kết gì về việc không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa nội địa và doanh nghiệp FDI cùng quy mô, kể cả trong WTO cũng như các FTA khác. Ngoài ra, cũng phải thẳng thắn, ngân sách nhà nước sẽ không thể gánh nổi nếu để đối tượng hỗ trợ rộng như trong Dự thảo”, ông Lộc nói.
Đặc biệt, ông này cũng cho rằng, ngay cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn nhà nước chi phối cũng nên cân nhắc kỹ, do các ưu thế tư nhiên mà khu vực này đã có được trong việc tiếp cận thông tin, nguồn lực...
Ánh Tuyết
>> Danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện vừa được Quốc hội thông qua