Theo Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ, tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đứng trước nhiều áp lực, thách thức.
Cụ thể, quản lý thị trường vàng còn bất cập, giá vàng trong nước và quốc tế còn chênh lệch ở mức cao. Do đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Đồng thời, chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả hơn các giải pháp để quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động, giao dịch trên thị trường vàng. Cơ quan này cần xử lý ngay tình trạng chênh cao giữa trong nước và quốc tế. Kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, đầu cơ, thao túng giá vàng…
Chỉ đạo của Chính phủ được đưa ra trong bối cảnh kim loại quý tăng vọt, bất chấp Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành đấu thầu vàng miếng, tăng cung cho thị trường.
Khoảng 17h chiều nay, Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 90,1 - 92,4 triệu đồng/lượng, tăng 2,9 triệu đồng/lượng so với ngày 9/5.
So với đầu tuần, giá vàng SJC đã tăng 6,5 triệu đồng/lượng. Tính từ đầu năm đến nay, vàng SJC đã tăng 17 triệu đồng/lượng. Trong vòng 1 năm qua, vàng SJC đã tăng 25 triệu đồng/lượng, tương đương tăng 38%.
Bên cạnh đó, giá vàng nhẫn trơn cũng chứng kiến phiên tăng mạnh hiếm thấy trong nhiều tuần gần đây. Trong ngày hôm nay, loại vàng này đã tăng khoảng 1,3 - 1,5 triệu đồng/lượng. Hiện, giá bán ra phổ biến khoảng 76,6 - 77,3 triệu đồng/lượng.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tổ chức 5 lần đấu thầu vàng miếng SJC. Trong 5 lần Ngân hàng Nhà nước gọi thầu, có tới 3 lần thất bại do không đủ số lượng doanh nghiệp bỏ phiếu. Lần đầu tiên tổ chức thành công là hôm 23/4 cũng chỉ bán được 3.400 lượng vàng trên tổng số 16.800 lượng chào bán (tương đương 20%).
Ngày 8/5, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC. Ngân hàng Nhà nước cho biết 3 đơn vị trúng thầu 3.400 lượng, tức chiếm 20% so với quy mô 16.800 lượng chào thầu. Giá trúng thầu duy nhất nhất là 86,05 triệu đồng/lượng, cao hơn 750.000 đồng/lượng so với giá tham chiếu. Như vậy, tổng số lượng vàng đấu giá thành công sau hai phiên này là 6.800 lượng.
Động thái can thiệp của Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ giúp tăng cung vàng trên thị trường và hạ nhiệt giá vàng. Tuy nhiên, sau một loạt phiên đấu thầu thất bại, giá vàng SJC không những không được kéo xuống mà còn leo lên mức đắt đỏ nhất từ trước tới nay.
Chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới cũng được nới rộng hơn. Tình hình này khiến thị trường và cả Ngân hàng Nhà nước rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu tiếp tục tổ chức đấu thầu thì nguy cơ ế hoặc lại phải hủy hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng nếu ngưng thì nghĩa là thừa nhận chính sách thất bại, không có hiệu quả.