Chính phủ yêu cầu giảm lãi suất cho vay

Đây là một trong những nội dung nằm trong Nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2023 vừa được Chính phủ ban hành...
giãm lãi suất cho vay

Nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 31/NQ-CP là yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với tín dụng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản; khắc phục nhanh nhất tình trạng ách tắc trong hoạt động đăng kiểm phương tiện giao thông; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp…

Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách khác, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, thúc đẩy tăng trưởng.

Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với cơ cấu hợp lý, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng áp dụng các biện pháp hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm lãi suất hợp lý, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát. Có các giải pháp tín dụng phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và các thị trường khác. Điều hành tỷ giá phù hợp, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều giải pháp kèm theo những "mệnh lệnh hành chính" và đạt được mục tiêu giảm lãi suất huy đông trên toàn hệ thống ngân hàng. Hiện, biểu suất lãi suất huy động của các ngân hàng cao nhất chỉ là 9,3%, đã giảm từ 0,3% đến 0,8% so với mức đỉnh. Việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, trước áp lực về đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, việc phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân càng trở nên quan trọng hơn. 

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản trong đó phải rà soát và tập trung giải quyết những vấn đề của từng dự án bất động sản từ đó khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, ngân hàng, chứng khoán. 

Có thể bạn quan tâm