Theo Báo cáo thị trường tài chính tiền tệ tuần cuối tháng 5/2020 của Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), lãi suất tiền gửi tại một số các ngân hàng thương mại lớn được điều chỉnh giảm 0,6-0,7%/năm so với đầu năm ở kỳ hạn dưới 12 tháng và trên 12 tháng có mức giảm từ 0,65-1%/năm.
Mức giảm lãi suất của các ngân hàng thương mại nhỏ thấp hơn chỉ khoảng 0,2-0,4%. Tuy nhiên theo nhận định của SSI, do các ngân hàng nhỏ bị khống chế mức tăng trưởng tín dụng nên khả năng hấp thụ lượng tiền gửi cũng hạn chế, vì thế các nhà băng này có thể cũng sẽ điều chỉnh giảm tiếp lãi suất trong thời gian tới.
Ngay trong ngày đầu tháng 6/2020, thị trường ghi nhận nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Chẳng hạn như Vietinbank điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn: kỳ hạn 6-9 tháng giảm 0,2% còn 4,9%; kỳ hạn dài từ 12-36 tháng và trên 36 tháng đều được áp chung mức lãi suất 6,5%/năm. So với tháng 5, lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn này giảm từ 0,1- 0,3%. Còn theo biểu lãi suất mới nhất đầu tháng 6 của Vietcombank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 - 36 tháng dao động từ 4%/năm đến 6,6%/năm.
Với khối ngân hàng thương mại cổ phần, VPBank cũng vừa công bố điều chỉnh lãi suất huy động, áp dụng từ ngày 1/6/2020. Đối với các khoản tiền gửi tại quầy, lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng chỉ còn 3,8% - 4%/năm; tiền gửi 3 tháng đến dưới 6 tháng lãi suất từ 3,85% - 4,1%/năm. Ở kỳ hạn 6 tháng trở lên, lãi suất là 6,4% - 7,2%/năm. So với biểu lãi suất cũ thì lãi suất mới của VPBank giảm 0,1 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn.
Techcombank cũng vừa giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng về 5,2%/năm. Eximbank điều chỉnh giảm lãi suất ở các kỳ hạn 6 tháng còn 5,6%/năm, 12 tháng còn 7,2%/năm. SCB điều chỉnh lãi suất của hầu hết các kỳ hạn dưới 12 tháng…
Theo các chuyên gia ngân hàng, động thái giảm lãi suất của các ngân hàng cho thấy, việc cắt giảm lãi suất của NHNN đang lan tỏa đến thị trường. Từ đây sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay một cách bền vững thời gian tới, góp phần tích cực giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, mức độ giảm lãi suất cho vay có thể từ 0,5 - 1,5% tùy từng ngân hàng. NHNN vẫn còn dư địa giảm mặt bằng lãi suất, nhưng điều này còn tùy thuộc vào diễn biến lạm phát. Nếu có thể kiềm chế lạm phát xuống dưới 3% trong năm nay, thì còn cơ hội cho một đợt giảm lãi suất điều hành.
Cũng theo ông Hiếu, việc giảm lãi suất sẽ không ảnh hưởng đến việc huy động vốn từ người dân và doanh nghiệp. Các thị trường vàng, bất động sản, hối đoái… hiện tại không thực sự hấp dẫn, vì tiềm ẩn rủi ro, không ổn định hoặc không thu được lợi nhuận lớn.
Mới đây, tại buổi họp báo về hoạt động của NHNN trong 6 tháng đầu năm, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã chỉ ra 3 khó khăn, thách thức trong 6 tháng cuối năm 2020, đó là các vấn đề tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất và nợ xấu.
Liên quan đến thanh khoản trong hệ thống, bà Hồng cho biết: “NHNN sẵn sàng tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, hiện có tỉnh cho vay nhiều hơn nguồn vốn huy động, NHNN đang rà soát, cân đối nguồn vốn giữa nơi thừa và thiếu. Thực tế cho thấy, nhu cầu vay mới vẫn chưa nhiều”.
Về khả năng tiếp tục hạ lãi suất điều hành trong thời gian tới, Phó thống đốc cho rằng, điều này phụ thuộc vào tình hình diễn biến của các yếu tố vĩ mô và mục tiêu cuối cùng của chính sách tiền tệ là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
“Chúng tôi có thể tiếp tục điều chỉnh lãi suất điều hành nếu như các điều kiện vĩ mô phù hợp”, bà Hồng nói.
Đối với việc điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng, theo bà Hồng là cần thiết, nhưng tăng trưởng phải đi cùng với việc kiểm soát được rủi ro. Cùng với đó, NHNN sẽ đề nghị các tổ chức tín dụng cần có phương án làm thể nào để giảm chi phí, thậm chí giảm lương để có thể hỗ trợ được khách hàng, doanh nghiệp.