PGS-TS Hoàng Văn Cường
Theo lịch, ngày 15/6, ngày cuối cùng của kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (đặc khu kinh tế). Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, PGS-TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết dù tin tưởng vào sự cần thiết và hiệu quả của việc thành lập các đặc khu, ông vẫn còn một vài điều băn khoăn về dự thảo
- Thưa ông, việc thành lập các đặc khu kinh tế có thực sự cần thiết? Có ý kiến đề nghị chỉ thí điểm trước ở một đặc khu, quan điểm của ông thì sao?
Ông HOÀNG VĂN CƯỜNG: Tôi nghĩ cần thiết phải có luật để cho ra đời các đặc khu kinh tế vì sẽ tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, các ngành công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sinh học; giáo dục, y tế; dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, công nghiệp văn hóa; phát triển ngành dịch vụ hậu cần cảng biển và sân bay; thương mại, tài chính.
Tôi cho rằng, cả 3 đặc khu dự kiến thành lập đều có tiềm năng, lợi thế đặc biệt so với khu vực khác và mỗi khu lại có đặc thù, lợi thế, tiềm năng, chiến lược phát triển khác nhau.
Nếu có chiến lược phát triển đúng hướng, cả 3 đặc khu đều phát huy tối đa tiềm năng, ưu thế đặc thù và cùng phát triển; không đặc khu nào triệt tiêu, hạn chế sự phát triển đặc khu nào, mà ngược lại, bổ trợ nhau, hỗ trợ nhau, không cạnh tranh trực tiếp với nhau. Vì thế, 3 đặc khu sẽ hợp thành thế chân kiềng cùng phát triển, tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
- Lý do nào nữa khiến ông nghĩ rằng cần thiết có đặc khu?
Đặc khu không phải chỉ để tạo ưu đãi phát triển riêng cho các khu này mà quan trọng hơn là đưa ra thử nghiệm mô hình thể chế hành chính để làm thế nào khắc phục các vấn đề tồn tại hiện nay như: bộ máy cồng kềnh, thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp…
Những tồn tại trên đã nói nhiều nhưng chưa có mô hình nào để thay đổi. Thành công ở đặc khu kinh tế hoàn toàn có thể áp dụng, thực hiện trên cả nước.
- Liệu có việc 3 đặc khu sẽ cạnh tranh lẫn nhau vì nhà đầu tư vào đặc khu này sẽ không đầu tư vào đặc khu khác không, thưa ông?
Có thể tránh được điều đó bằng cách định hướng ngành, nghề ưu tiên phát triển cho từng đặc khu, căn cứ vào quy mô diện tích tự nhiên, dân số, vị trí địa lý, đặc điểm, điều kiện tự nhiên, tiềm năng, lợi thế so sánh của từng đặc khu.
Ưu tiên, ưu đãi đối với ngành, nghề trọng tâm cho đặc khu kinh tế phải khác với quy định chung. Mức độ ưu tiên, ưu đãi đối với đặc khu này phải khác với đặc khu khác dựa vào lợi thế so sánh và tính đặc thù của từng đặc khu, không dàn trải.
- Ông có nhận xét gì về những sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật được trình Quốc hội lần này so với bản dự thảo trước?
Dự thảo luật lần này đã có nhiều điểm bổ sung, chỉnh lý phù hợp. Thể chế hành chính không quá đột phá như dự thảo đầu tiên (với thiết chế trưởng đặc khu - PV), song cũng đã có sự thay đổi lớn về bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn hơn rất nhiều.
Đúng là chính quyền đặc khu được giao thẩm quyền rất lớn, có quyền của Thủ tướng, có quyền của UBND tỉnh, huyện; do đó tại kỳ họp trước, nhiều ĐB băn khoăn về kiểm soát quyền lực trưởng đặc khu.
Lần này đã có cả UBND và HĐND, tôi cho rằng mô hình thứ hai như dự thảo hợp lý hơn. Quy định như vậy có thể chưa thực sự đột phá, nhưng phù hợp để thử nghiệm mô hình bộ máy hành chính nhà nước với tổ chức gọn nhẹ, hiệu quả và rõ trách nhiệm cá nhân. Nếu thí điểm thành công, có thể áp dụng rộng rãi trên toàn quốc sau này.
- Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, một số ĐB Quốc hội lo ngại “cuộc đua xuống đáy” về ưu đãi thuế cho các đặc khu. Quan điểm của ông về vấn đề này thì sao?
Tôi lại thấy quy định như dự thảo luật không có vấn đề gì. Ưu đãi thuế không phải là mang tiền đi cho doanh nghiệp, mà là doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư, kinh doanh giỏi, làm ăn có lãi thì họ được hưởng.
Vấn đề là phải kiểm soát để ưu đãi đúng đối tượng, không để người ta lậu thuế từ bên ngoài vào, tránh tình trạng thường được gọi là “thiên đường thuế” thôi. Nhưng tôi lại có băn khoăn lớn khác, đó là về câu chuyện cho thuê đất.
Theo tôi, chỉ nên miễn tiền sử dụng đất trong thời gian xây dựng cơ bản, tối đa là 5 năm. Ưu đãi tiền sử dụng đất khác về bản chất với ưu đãi thuế. Nếu đóng góp thuế nhiều, tạo ra nhiều công ăn việc làm và đóng góp cho xã hội thì được hưởng ưu đãi.
Nếu miễn tiền sử dụng đất, xem như lấy tài nguyên của xã hội “giao cho doanh nghiệp, cứ ngồi không, không làm gì cả”. Như vậy, sẽ dẫn đến sử dụng đất lãng phí và còn tạo điều kiện cho nhà đầu tư đầu cơ đất đai vì họ không phải làm gì cả, “ôm đất” cũng có lời.
- Còn thời gian thuê đất tối đa đến 99 năm, theo ông, có thực sự đáng ngại?
Cốt lõi ở đây là việc kiểm soát, làm sao để trong thời gian thuê đất, doanh nghiệp phải sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Thời gian cho thuê đến 99 năm, nhưng làm ăn mới chỉ 10 năm mà không hiệu quả, thì cũng mời trả lại đất. Còn cho thuê 50 năm mà hiệu quả, có thể gia hạn tiếp 50 năm nữa, có sao đâu?
- Nhưng có những ĐB lo ngại với thời gian cho thuê đất dài đến như vậy, các đặc khu có nguy cơ trở thành khu vực di dân?
Đây là lo ngại có cơ sở vì vị trí đặc biệt của các đặc khu. Vì vậy, phải có sự kiểm soát về sở hữu nhà ở, nhất là khi chúng ta áp dụng chính sách miễn thị thực.
Dự thảo luật lần này đã giữ tỷ lệ kiểm soát sở hữu nhà ở của người nước ngoài, tương thích với Luật Nhà ở. Liên quan đến tiền cho thuê đất, tôi xin nhắc lại là không nên miễn tiền thuê đất nhiều như thế, thậm chí còn phải đánh thuế cao, nhất là đối với diện tích đất đã thuê nhưng không được đưa vào sử dụng.
Phải có chế tài mạnh mới kiểm soát được ai đầu tư kinh doanh thật sự, ai chỉ đầu cơ. Đừng ngại điều này không thu hút được nhà đầu tư “đại bàng”, bởi vì cốt lõi ở đây là thể chế có giúp doanh nghiệp hoạt động linh hoạt, nhanh nhạy, thuận lợi hơn hay không. Ưu đãi thuế chỉ là một yếu tố, bên cạnh đó, còn là hạ tầng đặc khu có đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp hay không.
- Vì thế mà việc đầu tư xây dựng hạ tầng cho đặc khu là cần thiết. Nhưng con số 1,4 triệu tỷ đồng có khiến ông e ngại, dù vẫn biết trong đó chỉ có một phần là vốn ngân sách nhà nước?
Tổng đầu tư xã hội ước tính là như thế, nhưng đầu tư nhà nước, theo tôi, chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 20% trong vòng 10 năm thôi. Muốn đầu tư phát triển bất kỳ khu vực nào thì ta cũng vẫn phải đầu tư cơ bản ban đầu. Vốn mồi phải có, nhưng phải “mồi” đúng chỗ; tạo ra mặt bằng, hạ tầng tốt, rồi dịch vụ kết nối, nhân lực… Có thế, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục vào, bỏ vốn và cung cấp dịch vụ cho nhau. Tôi không quá lo về chuyện vốn, mà lại e ngại việc khác.
- Ông có thể nói rõ hơn không?
Đó chính là cơ chế xây dựng - chuyển giao (BT) trong dự thảo luật. Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra hậu quả của mô hình BT khi định giá đất đai có nhiều bất cập, thậm chí tiêu cực. Chúng ta chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả thì luật này lại hợp pháp hóa cho chuyện đó. Như thế rất nguy hiểm!
Xin cảm ơn ông!
Theo SGGP