Ngày 2/12 tới, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) sẽ chào bán công khai gần 131 triệu cổ phiếu VNM trên sàn giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM. Sự kiện này đang được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Tuy nhiên, cổ phiếu của Vinamilk sẽ được đấu giá công khai trên sàn giao dịch chứng khoán liệu có phải là cách làm hiệu quả nhất?
Hiện nay, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang nắm giữ gần 45% vốn điều lệ của Vinamilk. Nếu ngày 2/12 tới, SCIC bán 9% số vốn ở Vinamilk, sẽ thu về cho nhà nước dự kiến khoảng 18.000 tỷ đồng. Với việc thoái vốn lần này, SCIC sẽ chào bán cổ phiếu Vinamilk công khai trên sàn giao dịch chứng khoán.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đây là cách làm khôn ngoan và hiệu quả. Vì nó vừa đảm bảo tính công khai, minh bạch, vừa đảm bảo an toàn cho người nắm giữ phần vốn của Nhà nước.
Đồng thời, việc bán cổ phiếu đấu giá công khai trên sàn giao dịch sẽ tạo điều kiện cho tất cả các tổ chức, cá nhân đều có cơ hội mua được cổ phiếu nếu trả giá tốt. Các tổ chức, nhà đầu tư lớn muốn mua nhiều cổ phiếu cũng có thể mua thông qua sàn giao dịch này qua việc đấu giá một cách công bằng.
Trên hết, đấu giá công khai cổ phiếu sẽ tránh được những tiêu cực như lợi ích nhóm. Bởi thực tế thời gian vừa qua, một số trường hợp lạm dụng việc mời gọi nhà đầu tư chiến lược để giải quyết lợi ích nhóm trong quá trình cổ phần hóa bán vốn nhà nước.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, việc SCIC bán công khai minh bạch vốn của nhà nước tại Vinamilk là cách làm đúng để chống lại lợi ích nhóm, thương lượng với nhau và “đi đêm” với nhau.
“Không chỉ với Vinamilk mà ở tất cả các công ty của nhà nước mà SCIC nắm giữ vốn cũng nên bán cổ phiếu theo cách này. Đó là cách tốt nhất để xử lý vốn của nhà nước”, ông Trần Du Lịch quả quyết.
Cũng theo một số chuyên gia kinh tế, việc SCIC bán cổ phiếu công khai sắp tới còn là cách để thăm dò thị trường tốt nhất cho những bước bán cổ phiếu lần sau.
TS. Trần Văn Thuận, Trường Đại học Tài chính Marketing TP HCM cho rằng, khi cổ phiếu của Vinamilk đã được chấp nhận mở room cho nhà đầu tư nước ngoài không hạn chế, trong cuộc đấu giá bán 9% sắp tới, các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới cổ phiếu của Vinamilk ở mức độ nào sẽ dựa trên cơ sở này SCIC chọn lựa các phương án tiếp theo.
Hiện nay, các quỹ đầu tư và các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm đến việc nhà nước thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước, nhất là doanh nghiệp có thương hiệu lớn của Việt Nam như Vinamilk, Sabeco…
Việc SCIC bán cổ phiếu công khai còn là cách để thăm dò thị trường tốt nhất cho những bước bán cổ phiếu lần sau.
Với mong muốn chung là nhà nước đẩy nhanh tiến trình này, tạo cơ hội cho nhà đầu tư mua được cổ phiếu, có cổ phần, việc thoái vốn lần này tại Vinamilk sẽ khiến nhiều nhà đầu tư muốn có thêm nhiều đơn vị làm đại lý đăng ký đấu giá cổ phiếu, thay vì chỉ có một đơn vị duy nhất là Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) để các nhà đầu tư thuận lợi hơn khi tham gia. Đồng thời, SCIC cũng nên công bố thông tin rõ ràng hơn về đấu giá.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng muốn Việt Nam tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phát triển hơn để đảm bảo tính thanh khoản.
Ông Andy Hồ, Giám đốc điều hành, kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital cho rằng, khi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào, họ muốn biết cơ hội thoái vốn như thế nào.
“Phần nhà đầu tư thoái vốn trên thị trường chứng khoán nên thị trường này cần phải tăng trưởng tốt, chất lượng cao và thanh khoản tốt từ đó nhà đầu tư mới yên tâm. Nguyên tắc đầu tư với tỷ lệ là 50%, thoái vốn là 50% còn lại rất quan trọng, các nhà đầu tư nước ngoài rất muốn thị trường chứng khoán của Việt Nam tăng trưởng tốt”, ông Andy Hồ cho hay.
Để việc thoái vốn hiệu quả, cơ quan chức năng cần có lộ trình từng bước hợp lý, thoái vốn từng phần, chọn từng thời điểm thích hợp, tránh thoái vốn ào ạt. Bên cạnh thoái vốn tại những doanh nghiệp đang làm ăn hiệu quả như Vinamilk, Sabeco... Nhà nước cũng nên mạnh dạn thoái vốn dứt điểm ở những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, góp phần đẩy tiến trình nhanh tái cơ cấu nền kinh tế.