Chủ tịch KLF hứa mua 700 nghìn cổ phiếu rồi... quên?

Để trấn an tâm lý cổ đông tại ĐHCĐ năm 2016, Chủ tịch HĐQT và một thành viên HĐQT đã phải cam kết sẽ mua vào tổng cộng 700.000 cp KLF trên thị trường, nhưng sau đó lại thông báo không mua vì lý do "di
Chủ tịch KLF hứa mua 700 nghìn cổ phiếu rồi... quên?
Để trấn an tâm lý cổ đông tại ĐHCĐ năm 2016, Chủ tịch HĐQT và một thành viên HĐQT đã phải cam kết sẽ mua vào tổng cộng 700.000 cp KLF trên thị trường, nhưng sau đó lại thông báo không mua vì lý do "diễn biến không như kỳ vọng" cho dù giá cổ phiếu KLF đã lao dốc còn 2.000 đồng/CP.

Nhân sự HĐQT được đề cử và thông qua tại ĐHĐCĐ, thông thường sẽ do những cổ đông lớn hoặc nhóm cổ đông lớn sở hữu từ 5% cổ phần trở lên đề cử và đại diện cho tiếng nói của nhóm cổ đông này trong các quyết định của doanh nghiệp. Do vậy, nhân sự HĐQT có thể có hoặc không sở hữu cổ phiếu của Công ty, điều này luật không cấm.

Tại những doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông quá phân tán, không có cổ đông lớn hay nhóm cổ đông lớn nào đứng ra đề cử nhân sự thì chính HĐQT thường đề cử nhân sự bầu bổ sung, thay thế hoặc bầu mới nhằm đảm bảo số lượng theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Tại những đơn vị này, vấn đề sở hữu cổ phiếu đối với chính ban điều hành là một câu chuyện thường trực được cổ đông quan quan tâm. Khi mà thị giá cổ phiếu, đại diện cho giá trị doanh nghiệp, thường chịu ảnh hưởng rất lớn từ kết quả kinh doanh, chiến lược đầu tư của Công ty, cổ đông của công ty có thiên hướng muốn ban điều hành nắm giữ cổ phiếu hay nhận thưởng bẳng cổ phiếu để gắn liền lợi ích từ các quyết định đưa ra. Đồng thời cũng giúp cổ đông có thêm niềm tin để đồng hành của doanh nghiệp.

Vậy, trong trường hợp xảy ra với một doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông chủ yếu là cổ đông nhỏ lẻ, hoạt động kinh doanh trên đà sa sút, giá cổ phiếu lại lao dốc không phanh về mức “trà đá, mớ rau”, ban lãnh đạo lại không sở hữu cổ phiếu, cổ đông của Công ty này đã phản ứng ra sao?

Nếu nói về danh sách những ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của doanh nghiệp niêm yết căng thẳng nhất, giằng co nhất với mâu thuẫn giữa các cổ đông và HĐQT thì có lẽ một trong những cái tên đó là CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF (HNX: KLF).

ĐHĐCĐ thường niên của KLF được tổ chức ngày 15/06/2016 tại Hà Nội, tuy nhiên diễn biến của Đại hội đã hoàn toàn thay đổi, thậm chí đã phải bỏ qua phần đọc các báo cáo đi kèm để đảm bảo thời lượng thực hiện. Nguyên do nằm ở phần bầu cử nhân sự cho HĐQT nhiệm kỳ 2016 – 2020 đã không nhận được sự đồng thuận từ các cổ đông ngay ở phần đầu tiên - thông qua danh sách đề cử.

Danh sách được HĐQT KLF đưa ra trước cổ đông để bầu nhân sự nhiệm kỳ mới đều là những thành viên của nhiệm kỳ cũ. Nhưng điều mà cổ đông quan tâm không phải là nhân sự mới là ai mà là ở phần lý lịch trích ngang của các thành viên tại thời điểm bầu, bởi hầu hết đều không sở hữu cổ phiếu của Công ty.

Do cổ đông khi đó chất vấn quá gay gắt, không thỏa hiệp với HĐQT dẫn tới đại diện HĐQT đã đề nghị Đại hội chỉ thông qua số lượng thành viên HĐQT và BKS cho nhiệm kỳ mới thay vì danh sách đề cử. Đồng thời, cổ đông cũng đề xuất thêm thành viên tham gia quá trình giám sát việc kiểm phiếu nhằm đảm bảo tính minh bạch.

Tới phần thảo luận, cuộc tranh cãi tiếp tục diễn ra khi các cổ đông một mực yêu cầu HĐQT đưa ra những lý do thuyết phục cho việc không nắm giữ lượng cổ phiếu đáng kể, giá cổ phiếu lao dốc và kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh. Khi đó, Chủ tịch HĐQT và một thành viên HĐQT đã phải cam kết sẽ mua vào tổng cộng 700,000 cp KLF trên thị trường để trấn an tâm lý cổ đông tại Đại hội. Theo đó, Đại hội kết thúc với tất cả các tờ trình đều được thông qua, bao gồm cả nhân sự HĐQT nhiệm kỳ mới.

Và cũng đúng như cam kết, cả Chủ tịch và thành viên HĐQT đều đăng ký mua 200,000 cp sau khi Đại hội kết thúc. Tuy nhiên, kết thúc thời gian đăng ký mua, cả 2 thành viên HĐQT nói trên đều thông báo kết quả không mua dù chỉ 1 cổ phiếu KLF trên thị trường với lý do… diễn biến không như kỳ vọng, cho dù giá cổ phiếu KLF đã giảm từ mức 3,000 đồng tại thời điểm Đại hội diễn ra xuống còn ngưỡng 2,000 đồng (tương đương việc “bốc hơi” 1/3 thị giá).

Từ kết quả trên, một nhà đầu tư trên thị trường đã thốt lên: “Thị giá cổ phiếu KLF đã xuống còn 2.1 – 2.2, thủng đáy thế lại còn, thế các ông kỳ vọng ở giá nào?”

Biều đồ giá cổ phiếu KLF trong vòng 1 năm nay
Chủ tịch KLF hứa mua 700 nghìn cổ phiếu rồi... quên? ảnh 1

Cũng phải nhắc lại rằng, hầu hết những cổ đông có mặt tại Đại hội đều là cổ đông nhỏ lẻ và mua vào cổ phiếu KLF ở mức cao hơn nhiều so với thị giá tại thời điểm bấy giờ, dẫn tới tâm lý trông đợi vào sự thay đổi tại ĐHĐCĐ thường niên để có niềm tin vào sự phục hồi giá cổ phiếu trong tương lai.

Không riêng KLF, trường hợp doanh nghiệp lớn với quy mô hàng nghìn tỷ nhưng thị giá cổ phiếu dưới mệnh giá không phải điều hiếm. Cũng không thiếu những lời tranh luận gay gắt giữa cổ đông với ban lãnh đạo về vấn đề thị giá cổ phiếu luôn ở mức rất thấp mặc dù HĐQT các doanh nghiệp này đều khẳng định con số đó không phản ánh được giá trị thực của doanh nghiệp, đơn cử như tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB).

Để làm an lòng cổ đông, những lời hứa về việc sẽ đầu tư vào chính cổ phiếu của công ty, những chia sẻ đầy tiếc nuối về thị giá cổ phiếu đã ở mức quá hấp dẫn nhưng không được nhà đầu tư nhìn nhận thấu đáo. Nhưng rồi kết quả sau cùng, giá cổ phiếu vẫn lao dốc, tài sản của nhà đầu tư vẫn bốc hơi từng ngày trong khi những chia sẻ mang tính đồng cảm từ phía ban lãnh đạo vẫn chỉ dừng ở lời nói gió bay.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của SHB, trước những trăn trở của cổ đông về thị giá cổ phiếu SHB, Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB đã chia sẻ: "Thấy giá cổ phiếu SHB xuống thấp, đôi khi tôi nuốt nước bọt vì cổ phiếu SHB quá hấp dẫn và quá thấp so với giá trị doanh nghiệp, trong khi SHB có nhiều lợi thế lớn". Tuy nhiên, tới phiên giao dịch ngày 29/08, thị giá cổ phiếu SHB vẫn chỉ ở ngưỡng 5,500 đồng/cp, trong khi với những chia sẻ đầy tiếc nuối tại ĐHĐCĐ nhưng HĐQT vẫn chưa có động thái gì mới trong việc vực dậy giá cổ phiếu.

Theo Nhã Tâm/Vietstock

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...