Chủ tịch Quốc hội: Nhiều cán bộ có tài sản rất lớn mà không thể giải trình!

Cho ý kiến về dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc đến thực tế một số cán bộ có tài sản lớn nhưng không giải trình hợp lý về nguồn gốc.
Chủ tịch Quốc hội: Nhiều cán bộ có tài sản rất lớn mà không thể giải trình!

Đánh thuế 35%, phạt thêm 1-3 lần = thu hồi 100% tài sản bất minh?

Phát biểu tại phiên thảo luận về luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) tại phiên họp 27 của UB Thường vụ Quốc hội sáng 10/9, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu quan điểm đồng tình với phương án xử lý tài sản bất minh thông qua quy trình tố tụng tại toà. Ông nhận định, cử tri sẽ hoan nghênh phương án này vì thể hiện được quan điểm mạnh mẽ của nhà nước với nguyên tắc, đã là tài sản tham nhũng là phải tịch thu toàn bộ.

Tuy nhiên, ông Phúc cũng bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của quy định. Tổng thư ký Quốc hội lo việc tổ chức thực hiện quy định khi thực tế trước mỗi kỳ đại hội, mỗi lần bầu cử, đơn thư, tố cáo về vấn đề tài sản của cán bộ tăng rất cao. Quy định này đưa ra, khả năng lượng đơn thư còn tăng hơn nữa. Ông Phúc nghi ngại, cơ quan kiểm soát tài sản cán bộ hiện đang làm kiêm nghiệm, khó có khả năng xử lý hết được.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng đánh giá xử lý tải sản bất minh tại toà là phương án giải quyết văn minh, được cử tri quan tâm, ủng hộ. Tuy nhiên, đối chiếu với tỷ lệ giải quyết một cách hạn chế những vụ án hành chính tại toà thời gian qua, bà Hải mong Chánh án TAND tối cao nói thêm về tính khả thi nếu chọn phương án này đưa vào luật. Đại biểu muốn biết, một vụ kiện yêu cầu xử lý tài sản bất minh của cán bộ cần qua những thủ tục, quy trình như nào, mất bao lâu để giải quyết.

Ngược lại, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kiên định quan điểm đề nghị chọn phương án xử lý theo hướng đánh thuế với phần tài sản cán bộ không giải trình được về nguồn gốc.

Ông Hiển phân tích, cần xác định phòng chống tham nhũng là việc làm thường xuyên, liên tục vì còn tồn tại nhà nước là còn tham nhũng, ở quốc gia nào cũng vậy, kể cả những nước có hệ thống pháp luật hoàn thiện, chặt chẽ cũng khó tránh. Việc phòng ngừa tham nhũng thì có ở rất nhiều luật, quy định, như luật phòng chống rửa tiền, luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, luật đầu tư công… chứ không chỉ luật này.

“Ở nhiều nước thậm chí vẫn phát hiện Thủ tướng có nhiều tiền để trong nhà mà không tiêu được. Đó rõ ràng cũng là tiền tham nhũng, chỉ là vì không thể tiêu dùng bằng lượng tiền mặt nhiều như vậy nên mới bị phát hiện” – ông Hiển nói.

Từ dẫn chứng đó, ông Hiển nhận định, cần nhiều chế tài để chống tham nhũng mà việc kiểm soát dòng tiền, hạn chế dùng tiền mặt trong tiêu dùng mới là biện pháp căn cơ trong kiểm soát tài sản, thu nhập cán bộ.

Còn xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc, ông Hiển cho rằng, hoàn toàn điều chỉnh được bằng luật thuế. Luật hiện hành quy định những khoản thu nhập không thường xuyên diện này bị áp thuế cao nhất là 35%, nếu không kê khai còn phải chịu phạt 1-3 lần. Nếu áp dụng các quy định ở mức tối đa thì hoàn toàn có thể thu hồi gần như 100% tài sản đó, vẫn đáp ứng nguyên tắc, tài sản đã xác định là hình thành do tham nhũng thì phải thu hồi.

Ông Hiển quả quyết: “Cứ làm nghiêm như vậy thì đã đạt mục tiêu rồi, việc gì phải phức tạp xây dựng quy định xử lý thông qua tố tụng, hành chính, đưa rang toà sang VKS nữa. Việc kê khai tài sản chính là căn cứ để thu thuế, còn người nào không kê khai thì cơ quan thuế có quyền ấn định số thuế. Thực hiện theo phương án này là theo đúng luật hiện hành, không phải sửa, phải thêm gì. Cứ làm cho nghiêm là sẽ vào nề nếp ngay”.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng bày tỏ đồng tình với phương án áp thuế thu nhập với những phần tài sản, thu nhập tăng thêm không thường xuyên như này. Ông Định cũng nhận định, thậm chí, người khai gian để trốn thuế ở mức độ lớn còn bị truy tố hình sự. Không thiếu chế tài để xử lý những trường hợp này.

Ông Định đề nghị UB Thường vụ chốt lại các phương án để sớm trình xin ý kiến Bộ Chính trị thay vì tiếp tục thảo luận, lật đi lật lại nhiều vì Đảng đoàn Quốc hội cũng đã đồng ý đưa ra 2 phương án trong dự thảo luật.

Không có quy định "không động đến ai" mà vẫn chống được tham nhũng

Trình bày thêm về quá trình chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, xử lý tài sản bất minh qua con đường tố tụng tại toà án là bước tiến mới mà cả cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo luật (Chính phủ) mạn dạn đưa ra. Nếu xác định thực hiện như luật hiện hành thì không có bước chuyển trong xử lý tài sản bất mình trong khi áp lực của dư luận về vấn đề tài sản tham nhũng được biến hoá lòng vòng để hợp thức hoá là rất lớn.

Các phương án đưa ra (từ 6 phương án ban đầu cho tới khi chốt lại 2 phương án hiện nay) đều không phải là toàn diện, xử lý được mĩ mãn mọi yêu cầu đặt ra là không gây xáo trộn, không tác động tới ai mà vẫn đảm bảo chống được tham nhũng. Thực tế, từ đầu ban soạn thảo đã xây dựng phương án đánh thuế nhưng các ý kiến phản biện cho là không được nên mới phải xoay sang hướng áp dụng quy trình tố tụng, giờ lại “can gián” tố tụng…

Bà Nga chỉ rõ, phương án xử lý tại toà án có điểm vướng nhất là về tâm lý khi nhiều trường hợp, cơ quan kiểm soát tài sản kiện cán bộ ra toà để yêu cầu thu hồi tài sản không giải trình được nguồn gốc thì chính là đi kiện lãnh đạo, kiện cấp trên của mình. Tuy nhiên, quan điểm của Đảng, Nhà nước, của pháp luật là không phân biệt về vị thế, chức vụ quyền hạn nên cơ quan nào được giao quyền khởi kiện thì cũng vẫn phải làm.

Về lo ngại cơ quan tố tụng quá tải, Chủ nhiệm UB Tư pháp cho rằng, cần thì phải bố trí thêm nhân lực cho toà chứ không thể nói vì việc nhiều mà không làm.

Chốt lại, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích, thực tế khi xử lý các trường hợp vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản vừa qua có thể thấy nhiều cán bộ có tài sản rất lớn mà không giải trình được nguồn gốc, nhà nước cũng không có cơ sở pháp lý nào để xử lý. Về phía dư luận thì người dân chỉ cần biết, tài sản tham nhũng đó đã thu hồi được chưa, cuộc tiếp xúc cử tri nào cũng hỏi vấn đề đó.

Truyền thống người Việt Nam là tích luỹ tải sản qua nhiều đời, việc tặng, cho, thừa kế tài sản trong gia đình cũng rất lớn. Tài sản của cán bộ cũng hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, công chức thường làm thêm rất nhiều hình thức để nguồn thu mà pháp luật chưa bắt buộc mỗi người phải chứng minh nguồn gốc hình thành tài sản. Cả xã hội thực tế vẫn đang sử dụng tiền mặt là chủ yếu cho các giao dịch, chi tiêu.

Cả 2 phương án xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc trong dự thảo luật đều có ưu, khuyết điểm nên UB Thường vụ Quốc hội thống nhất báo cáo cả 2 phương án để Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

Theo Dân Trí

Có thể bạn quan tâm

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...