Chủ tịch VACOD-HBA làm việc với Đại sứ Việt Nam tại Kazakhstan và Kyrgyzstan

TS. Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội – HBA vừa có cuộc làm việc với bà Phạm Thái Như Mai - Đại sứ Việt Nam tại Kazakhstan và Kyrgyzstan để chuẩn bị thành lập đoàn xúc tiến thương mại tại hai quốc gia này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
1.jpg

Chương trình Bữa sáng Doanh nhân VACOD-HBA ngày 19/8 kết hợp toạ đàm với chủ đề “Đổi mới dòng doanh thu thông qua tăng tốc kinh doanh số” do TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Hàng Tiêu dùng Việt Nam - VACOD, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội - HBA chủ trì. Tham dự chương trình có bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh, Chuyên gia hỗ trợ Khởi nghiệp thuộc Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp, ĐHQG Hà Nội. Chương trình còn đón tiếp một vị khách đặc biệt là bà Victoria Gorshkova, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam.

Trong chương trình Bữa sáng Doanh nhân tuần này, bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh đã có những chia sẻ về chuyên đề "Đổi mới dòng doanh thu thông qua tăng tốc kinh doanh số"...

2.jpg
Bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh, Chuyên gia hỗ trợ Khởi nghiệp thuộc Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp, ĐHQG Hà Nội

Chương trình được tổ chức trong khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa hai Hiệp hội VACOD-HBA và ĐHQG Hà Nội. Với kinh nghiệm và sự thấu hiểu những thách thức mà doanh nghiệp đang đối mặt về sụt giảm doanh thu, loay hoay thay đổi mô hình kinh doanh để sống sót và tối ưu hóa việc quản trị đổi mới trong doanh nghiệp, bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh đã mang lại những kiến thức hữu ích cho các doanh nghiệp hội viên của hai hiệp hội VACOD - HBA.

"BẮT BỆNH, KÊ ĐƠN" CHO DOANH NGHIỆP ĐỂ... SỐNG SÓT, TĂNG DOANH THU

Bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh nhận thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn và thực sự chưa có sự chuyển mình mạnh mẽ, hoặc muốn thay đổi mà vẫn còn loay hoay chưa tìm ra hướng đi mới: “Do đó, các doanh nghiệp đều xuất hiện nhu cầu đổi mới vì bắt buộc phải đổi mới. Sự đổi mới quan trọng nhất để giúp doanh nghiệp sống sót là đổi mới dòng doanh thu”.

Về phương thức đổi mới dòng doanh thu, bà Tuấn Minh nói: “Có rất nhiều cách để thúc đẩy dòng doanh thu và tạo dòng doanh thu mới như tìm kiếm phân khúc khách hàng mới, tìm kiếm thị trường mới, mở rộng các kênh mới, tìm kiếm đối tác và nguồn lực mới”.

Qua những chia sẻ của bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh, nhiều chủ doanh nghiệp có mặt tại bữa sáng doanh nhân cũng nhận thấy những yếu điểm của doanh nghiệp và mong muốn cùng bà Tuấn Minh có thể “khám bệnh” và đưa ra những giải pháp hợp lý để thúc đẩy nguồn doanh thu.

3.jpg
Bà Nguyễn Thị Hương Lan, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại New Sake Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Hương Lan, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại New Sake Việt Nam chia sẻ: “Là một doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực Nhật Bản, đã kinh doanh được hơn 20 năm, từ trước đến nay chúng tôi đã quen với mô hình kinh doanh truyền thống, chỉ chăm sóc những khách hàng quen thuộc và đúng là đã bỏ qua kênh tìm kiếm khách hàng mới và chưa mở rộng các kênh. Về kinh doanh, tôi cũng nhận thấy doanh nghiệp bị lạc hậu, chỉ dùng nội lực để làm marketing. Đó cũng chính là điểm yếu chí mạng doanh nghiệp của mình”.

Chia sẻ với doanh nghiệp, bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh cho biết: “Có một xu hướng ẩm thực phát sinh từ thời Covid-19 là Take away (bán mang đi), đã tạo ra một dòng doanh thu mới cho các nhà hàng truyền thống. Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam đã giúp các nhà hàng có món đặc biệt, món đặc sản đóng gói lại, bán, thậm chí là xuất khẩu. Đây cũng là hướng mà mình có thể suy nghĩ về dòng sản phẩm “đinh” của nhà hàng. Cũng có nhiều nhà hàng mang các đặc sản lên kệ, để sau khi khách đến ăn xong có thể mua về làm quà. Đó cũng là một dòng doanh thu tốt”.

Từ những chia sẻ của bà Tuấn Minh, bà Nguyễn Thùy Dương, Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu 3D Quốc tế cũng nhận thấy điểm yếu của doanh nghiệp mình. Bà Dương bộc bạch: “Là một doanh nghiệp chuyên cung cấp sản phẩm nông sản đến các siêu thị, doanh nghiệp chủ yếu chỉ kinh doanh theo hình thức truyền thống, mảng trực tuyến vô cùng yếu và hạn chế”.

4.jpg
Bà Nguyễn Thùy Dương, Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu 3D Quốc tế

Nói về vấn đề này, bà Minh thẳng thắn chỉ ra một số điểm khiến doanh nghiệp chưa thể chuyển mình mạnh mẽ trong thời kỳ công nghệ số. “Muốn chuyển đổi mà không có nhân lực để làm việc đó thì thực sự rất khó. Có những doanh nghiệp phải đi thuê, có những doanh nghiệp phải tuyển dụng và đào tạo. Nhưng nỗi sợ lớn nhất là đào tạo xong rồi các nhân sự này lại đi mất. Đây là vấn đề rất lớn và chúng tôi có đội ngũ để hỗ trợ doanh nghiệp về vấn đề này”, bà Minh chia sẻ thêm.

5.jpg
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Giám đốc kinh doanh TNHH điểm hội tụ châu Á Site Asia chia sẻ tại chương trình

Loay hoay về hướng đi mới để tìm kiếm phân khúc khách hàng, bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Giám đốc kinh doanh TNHH điểm hội tụ châu Á Site Asia lo lắng: “Từ trước đến giờ, doanh nghiệp chỉ tiếp cận với các dự án lớn, vậy thì sau khi tìm khách hàng có những dự án nhỏ hơn 10.000 USD, doanh nghiệp nên có hướng đi như nào cho phù hợp để tiếp cận với những nhóm đối tượng khách hàng đó”.

Bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh cho rằng: “Các doanh nghiệp càng lớn, sự hiện diện online của họ càng rõ bởi khi khách hàng tìm kiếm tên doanh nghiệp trên mạng sẽ thấy hết những ưu, nhược điểm của nó. Về vấn đề của doanh nghiệp, cần hiểu thêm để có thể giúp anh/chị đưa ra những chiến lược phát triển tốt nhất”.

6.jpg
Tổng Biên tập Tạp chí Thương gia Nguyễn Thùy Dương phát biểu tại chương trình

Là một đơn vị đặc thù, bà Nguyễn Thùy Dương, Tổng Biên tập Tạp chí Thương gia chia sẻ: “Làm báo xét về góc độ nào đó cũng như quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, truyền thống marketing của báo chí đã ăn quá sâu rồi bởi mình có bộ phận quảng cáo sẵn, chủ yếu dựa trên các mối quan hệ thân tình và các doanh nghiệp tự liên hệ. Về các kênh truyền thông trên nền tảng số của Thương gia có nhưng chưa thực sự hiệu quả. Chúng tôi mong muốn được áp dụng hết các xu hướng công nghệ tiên tiến như AI vào làm báo và Ban Biên tập cũng đã bàn bạc nhiều về vấn đề này. Tuy nhiên để chọn một con đường nào đó đi thật đúng, thật trúng, tiếp cận được các bước tiến mới thì vẫn là vấn đề khó”.

Thấu hiểu vấn đề này, bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh nói: “Ngành báo là ngành rất cạnh tranh nhưng cũng có rất nhiều mô hình kinh doanh, chuyển đổi số của ngành báo đã thành công trên thế giới. Chúng ta có thể học hỏi các mô hình đổi mới sáng tạo đó”.

TS. Nguyễn Hồng Sơn đã cảm ơn bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh đã dành thời gian và chia sẻ những kiến thức bổ ích đến các doanh nghiệp thuộc hai Hiệp hội. Ông Sơn cũng nhấn mạnh không chỉ các doanh nghiệp mà các đơn vị đặc thù như Văn phòng hai Hiệp hội hay Tạp chí Thương gia cũng cần học hỏi, áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp sao cho hiệu quả.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG TỪ TRUNG Á

7.jpg
TS. Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại chương trình

TS. Nguyễn Hồng Sơn cũng thông báo về kết quả cuộc làm việc ngày 18/8 với bà Phạm Thái Như Mai - Đại sứ Việt Nam tại Kazakhstan và Kyrgyzstan. Buổi làm việc còn có sự tham dự của ông Nguyễn Mạnh Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn và Đại sứ Phạm Thái Như Mai đã trao đổi về việc sẽ thành lập đoàn doanh nghiệp của hai Hiệp hội VACOD – HBA sang khảo sát thị trường, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại hai quốc gia Trung Á Kazakhstan và Kyrgyzstan. Dự kiến đoàn VACOD-HBA sẽ đi từ 22-30/9/2023.

Chương trình này được thực hiện song hành bên cạnh chuỗi hoạt động của đoàn Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dẫn đầu trong chuyến thăm và làm việc tại hai quốc gia Kazakhstan và Kyrgyzstan.

Theo Đại sứ Phạm Thái Như Mai, chuyến thăm và làm việc của Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tại hai nước Kazakhstan và Kyrgyzstan, cũng như hoạt động xúc tiến thương mại của hai Hiệp hội VACOD-HBA ở hai quốc gia này rất có ý nghĩa trong bối cảnh Tổng thống Cộng hoà Kazakhstan Kassym Jormat Tokayev thăm chính thức Việt Nam từ ngày 20-22/8 theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Hiện tại Kazakhstan miễn thị thực cho phép lưu trú cho công dân Việt Nam là 30 ngày, còn Kyrgyzstan là 60 ngày.

Bà Mai cho biết, Kazakhstan là Chủ tịch Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) nhiệm kỳ trước và Kyrgyzstan hiện đang đảm nhiệm cương vị này. Kazakhstan và Kyrgyzstan thuộc khu vực Trung Á, là một phần của “Con đường tơ lụa” vàng son lừng lẫy một thời. Đây là trung tâm trung chuyển hàng hóa quan trọng theo đường bộ từ châu Á qua châu Âu. Kazakhstan xếp hạng thứ 25 trong Báo cáo dễ dàng kinh doanh của Ngân hàng Thế giới cập nhật vào năm 2020, là nước lớn thứ hai trong SNG (sau Nga) và có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất SNG. Kazakhstan rất giàu tài nguyên thiên nhiên: Khoáng sản, dầu mỏ và khí đốt, có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, công nghiệp khai thác, chế biến tài nguyên, chế tạo máy xây dựng, máy nông nghiệp, phương tiện vận tải... là những ngành thế mạnh của Kazakhstan

Trong khi đó, Kyrgyzstan sở hữu nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản nhưng có trữ lượng dầu mỏ và khí tự nhiên thấp. Trong số các nguồn tài nguyên khoáng sản có than, vàng, uranium và các kim loại, đất hiếm khác. Luyện kim là một ngành công nghiệp quan trọng và chính phủ nước này hy vọng đây sẽ là lĩnh vực thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài. Sản phẩm công nghiệp của Kyrgyzstan bao gồm: Máy móc thiết bị nhỏ, dệt may, chế biến thực phẩm, xi măng, giày dép, gỗ xẻ, đồ gỗ, động cơ điện, vàng, kim loại, đất hiếm. Chính phủ Kyrgyzstan khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khai thác và chế biến vàng. Các nguồn tài nguyên nước phong phú của Kyrgyzstan và địa hình đồi núi cho phép nước này sản xuất và xuất khẩu một lượng lớn năng lượng thủy điện. Nông nghiệp cũng là một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Kyrgyzstan.

Lãnh thổ Kyrgyzstan chủ yếu là đồi núi, thích hợp cho chăn nuôi, hoạt động nông nghiệp lớn nhất, với những sản phẩm chính là len, cừu, dê, gia súc, và các sản phẩm sữa. Cây trồng chủ chốt gồm lúa mì, củ cải đường, khoai tây, bông, thuốc lá, rau, nho và các loại quả mọng như dâu tây, quả mâm xôi, anh đào. Chế biến sản phẩm nông nghiệp là một yếu tố then chốt của kinh tế công nghiệp, cũng như là một trong những lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất. Phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ là thế mạnh phát triển ngành du lịch của Kyrgyzstan.

Đại sứ Phạm Thái Như Mai cho biết thêm quan hệ hữu nghị, truyền thống Việt Nam- Kazakhstan hiện nay rất tốt. Phía Kazakhstan rất tạo điều kiện cho Việt Nam và mới đây đã đồng ý cấp cho Việt Nam gần 1ha đất để xây dựng Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Kazakhstan. Kinh tế Kazakhstan khá phát triển, thu nhập GDP bình quân đầu người cao nhất khu vực Trung Á khiến cho nhu cầu hàng tiêu dùng của cư dân rất lớn, trong khi đây là thế mạnh của Việt Nam. Bà Mai còn bật mí người dân Kazakhstan rất ưa chuộng ẩm thực Việt.

Nhân dịp này, Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan sẽ khai trương Văn phòng giới thiệu, trưng bày sản phẩm hàng hoá của Việt Nam tại Kazakhstan. Vì vậy các doanh nghiệp VACOD-HBA tham gia đoàn xúc tiến thương mại có thể giới thiệu, trưng bày các sản phẩm, hàng hoá của mình với cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng của 2 quốc gia. Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn và Đại sứ Phạm Thái Như Mai tin tưởng và kỳ vọng đoàn xúc tiến thương mại do VACOD-HBA tổ chức sẽ thành công tốt đẹp.

Trong chương trình Bữa sáng Doanh nhân, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh việc VACOD-HBA tổ chức đoàn xúc tiến thương mại tại hai quốc gia Trung Á lần này thực sự là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt tìm hiểu, khảo sát thị trường tiềm năng và cơ hội hợp tác về kinh tế, đầu tư, thương mại, du lịch. Ông Sơn nêu rõ trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại hai quốc gia Trung Á, Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan sẽ tổ chức một cuộc toạ đàm nhằm kết nối, tạo điều kiện tăng cường giao thương, hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam- Kazakhstan.

Chủ tịch Sơn cũng lưu ý, hiện nay phía Kazakhstan đã miễn thị thực cho công dân Việt Nam nhập cảnh vào Kazakhstan và thời gian lưu trú lên tới 30 ngày cho mỗi lần, cũng như hiện từ Việt Nam đã có 4 chuyến bay thẳng/tuần tới Kazakhstan. Tuy nhiên, tần suất chỗ ngồi trên các chuyến bay rất kín nên các doanh nghiệp muốn tham gia đoàn xúc tiến thương mại sang Trung Á phải đăng ký sớm mới có thể đặt vé kịp thời gian trước ngày 30/8 tới.

8.jpg

Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn và phái đoàn VACOD-HBA cùng bà Phạm Thái Như Mai - Đại sứ Việt Nam tại Kazakhstan và Kyrgyzstan (áo đen) tại buổi làm việc ngày 18/8

Cũng tại Bữa sáng Doanh nhân, bà Victoria Gorshkova - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam khiến các doanh nhân VACOD-HBA có mặt đều bất ngờ với phần phát biểu bằng tiếng Việt khá lưu loát, mặc dù bà chỉ mới sang Việt Nam công tác được 2 năm.

z4617383241326_f2abc62a0ce2d869a0bf00e74273de83.jpg
Bà Victoria Gorshkova - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam

Bà Victoria bày tỏ sự hào hứng khi lần đầu được gặp gỡ, giao lưu với nhiều doanh nhân Việt Nam như vậy. Bà nói: “Rất nhiều doanh nghiệp Nga chưa hiểu biết về nét văn hóa cũng như môi trường kinh doanh của Việt Nam nên các doanh nghiệp Việt cần quảng bá, giới thiệu nhiều hơn. Các buổi giao lưu, trò chuyện như hôm nay cần tăng cường nhiều hơn, thường xuyên hơn để doanh nghiệp hai nước có thể hiểu nhau hơn, thúc đẩy cơ hội hợp tác, giao thương”.

Bên cạnh đó, bà Victoria Gorshkova cho rằng các doanh nghiệp Nga rất cần sự giúp đỡ và hỗ trợ từ doanh nghiệp Việt Nam. Bà cũng mong muốn tăng cường kết nối với cộng đồng doanh nghiệp Việt thông qua các kênh trên nền tảng số, thay vì chỉ thông qua kênh truyền thống như trước.

Có thể bạn quan tâm