Tham dự chương trình có bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cùng đông đảo các doanh nhân và thành viên của hai Hiệp hội… Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó chủ tịch Thường trực VACOD chủ trì chương trình.
Thấu hiểu trước thực trạng các chủ doanh nghiệp thường làm việc với cường độ cao khiến họ phải đối mặt với nhiều loại bệnh trong đó có bệnh tai biến mạch máu não, tại “Bữa sáng Doanh nhân” tuần này, lãnh đạo 2 hiệp hội đã phối hợp với Trung tâm Y học Cổ truyền Vinmec – Sao Phương Đông tổ chức buổi chia sẻ với các doanh nhân về căn bệnh này theo quan điểm y học cổ truyền.
Tại chương trình, Ths. Bác sĩ Nguyễn Thái Bảo, Giám đốc Trung tâm Y học Cổ truyền Vinmec – Sao Phương Đông cho biết, tai biến mạch máu não có 2 loại đó là nhồi máu não và xuất huyết não. Có thể hiểu tai biến mạch máu não chính là đột quỵ não, là tình trạng mất chức năng não (thường khu trú) đột ngột do thiếu oxy và chất dinh dưỡng. Khi bị tai biến mạch máu não, người bệnh sẽ gặp một số di chứng thường gặp như: Liệt nửa người, khó khăn trong việc nói hoặc nuốt, rối loạn nhận thức, rối loạn cảm xúc, giảm hoặc mất khả năng tự chăm sóc…
Theo bác sĩ Bảo, chính sự thay đổi của thời đại kéo theo các yếu tố về ăn uống, chế độ sinh hoạt thay đổi khiến tỷ lệ tai biến ngày càng cao và trẻ hóa. Bác sĩ Bảo lấy dẫn chứng từ số liệu thống kế của Bộ Y Tế năm 2012: ở Việt Nam có hơn 200.000 người bị tai biến/năm, trong đó 90% người sống sót gặp di chứng liệt nửa người, giảm thị lực, méo miệng nói ngọng, khó khăn vận động… Tỷ lệ tử vong do tai biến hàng năm nhiều hơn số người chết do 3 căn bệnh: AIDS, lao và sốt rét cộng lại. Trên thế giới cứ 45 giây có một người bị tai biến, 3 phút có 1 người chết do tai biến.
Số liệu từ Hội Đột quỵ Thế giới cũng cho thấy, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15 – 49 tuổi. Về con số tử vong, mỗi năm có tới 6,5 triệu ca với hơn 6% trong số đó là người trẻ.
Bác sĩ Nguyễn Thái Bảo nhận định, tai biến mạch máu não phát hiện và cấp cứu càng sớm, vùng tổn thương càng nhỏ sẽ giúp hạn chế di chứng như liệt nửa người, thất ngôn, nói ngọng,... đồng thời tăng khả năng phục hồi sau tai biến. “3 - 4,5 giờ khi xảy ra tai biến là “giờ vàng” cấp cứu cho người bị đột quỵ” - Giám đốc Trung tâm Y học Cổ truyền Vinmec – Sao Phương Đông khẳng định.
“Nếu bệnh nhân được cấp cứu kịp thời, xử lý tốt, phối hợp chuyên khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền tỷ lệ phục hồi cao, tốc độ phục hồi đẩy nhanh hơn” – Bs Bảo cho biết thêm.
Để nhận biết sớm bệnh tai biến mạch máu não, theo bác sĩ Bảo cần nhớ quy tắc “BE FAST” về các dấu hiệu nhận biết Tai biến mạch máu não sớm, đó là: (Balance): Đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng; (Eyesight): Mất thị lực một phần hoặc hoàn toàn, tầm nhìn mờ đột ngột; (Face): Đột nhiên méo mặt, nhân trung lệch, cười lệch 1 bên; (Arm): Một bên tay chân bị yếu, cầm nắm đồ vật không chắc; (Speech): Đột nhiên khó nói, nói ngọng; (Time): Đưa bệnh nhân cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất.
Bác sĩ Bảo cũng chia sẻ sâu thêm về căn bệnh này theo góc nhìn Y học Cổ truyền. Theo đó, Tai biến mạch máu não thường gặp ở những người có dạng thể chất Đàm thấp hoặc Huyết ứ. Với đàm thấp, người bệnh có đặc điểm bị béo bệu, da mặt nhiều dầu, mồ hôi dính, có mùi hôi cơ thể, người nặng nề, lưỡi to bệu, thường mắc các bệnh lý rối loạn chuyển hóa lipit, tăng huyết áp,... Nếu có các biểu hiện trên, bác sĩ Bảo khuyên chế độ ăn uống của người bệnh cần hạn chế mỡ, các đồ khó tiêu, tăng cường chất xơ, tuyệt đối cấm rượu bia. Bên cạnh đó cần tăng cường vận động nhẹ nhàng như tập đi, tản bộ, thái cực quyền,... ngủ sớm để khí huyết phục hồi.
Với người thuộc dạng thể chất huyết ứ, chúng ta có thể nhận ra qua đặc điểm: da mặt tối sạm, dễ xuất huyết dưới da, hay cáu gắt, dễ quên, hay đau chói, đau cảm giác châm chích, lưỡi có thể thấy màu tím. Để hạn chế tình trạng này cần kết hợp ăn một số thực phẩm có vị cay tán, tính hoạt huyết, các loại rau có nhiều tinh dầu như bạc hà, tía tô,... Người bệnh cũng nên ăn các các thực phẩm như cà tím, đỗ đen, rong biển, tam thất, xuyên khung,... Về chế độ sinh hoạt, không nằm lâu một chỗ, cần kiên trì tập luyện và tập nhẹ nhàng, khoan thai, thả lỏng như bát đoạn cẩm, thái cực quyền,... kết hợp ngâm chân và chườm thảo dược có tính hoạt huyết.
Tại buổi chia sẻ, bác sĩ Nguyễn Thái Bảo cũng đã dành thời gian tư vấn, giải đáp thắc mắc của các doanh nhân xung quanh căn bệnh tai biến mạch máu não và các căn bệnh khác thường gặp như: Cách nhận biết tai biến mạch máu não do nhồi máu não và xuất huyết não, chế độ ăn uống, cách khắc phục tình trạng bị căng thẳng, khó ngủ…
Một số hình ảnh tại chương trình:
Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)