Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần bắt đúng bệnh mới giải quyết được tồn tại và tạo động lực phát triển, trong đó, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ đòi hỏi có vốn mà phải tổng hợp từ nhiều yếu tố như công nghệ, quản trị quản lý...
Theo Luật sư Hoàng Văn Sơn, trước khi triển khai dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa này, cũng như cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất kỳ nghiên cứu nào về nguyên nhân làm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa giải thể, phá sản, để trên cơ sở đó có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển.
Bên cạnh đó, với tình trạng mỗi năm số lượng doanh nghiệp thành lập mới rất cao, nhưng số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản cũng nhiều, thì mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 (theo Nghị quyết 35/2006/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020) là rất khó khăn.
Liên quan đến lĩnh vực thuế, ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh, cho rằng, trong dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy định hỗ trợ thuế với mức thấp, nhưng thấp hơn bao nhiêu cũng như thời gian được áp dụng bao lâu.
Đồng thời, các quy định chưa cụ thể rất dễ dẫn đến phát sinh thêm thủ tục và cơ chế xin cho, không đảm bảo tính công bằng và minh bạch.
Đối với vấn đề thực hiện cụm liên kết ngành, Thạc sỹ Lê Hùng Điệp, Trường Đại học Sài Gòn, cho hay, các nước đã và đang phát triển đã thực hiện nhiều năm, nhưng tại Việt Nam thì trên thực tế chưa có cụm liên kết ngành đúng nghĩa được triển khai.
Theo ông Điệp, cụm liên kết ngành có liên quan rất nhiều đến sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành công nghiệp hỗ trợ.
Mặc dù đồng tình với sự phân công trách nhiệm từ Chính phủ đến các Bộ, ngành trong việc thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp kiến nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu và định lượng chính sách thật cụ thể, chứ như những quy định hiện tại của dự thảo thì doanh nghiệp không biết phải gặp ai, cơ quan nào để nhận được sự hỗ trợ khi cần thiết.
Ngoài ra, để tránh tình trạng luật ra đời nhưng phải "đợi" văn bản hướng dẫn thì cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần liên kết, phối hợp với các ban ngành có liên quan để hướng dẫn chi tiết trước khi luật có hiệu lực.
>> Để kinh tế tư nhân thực sự “cất cánh”
>> Nền kinh tế vẫn còn khó khăn !