Tuy nhiên, Công ty Uber không mở tài khoản ngân hàng tại Việt Nam. Vì vậy, Tổng cục Thuế đang tiếp tục rà soát hướng dẫn TP HCM xử lý.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 02/02, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Mai cho biết, hiện nay số tiền thuế truy thu đối với Công ty Uber Hà Lan là 66 tỷ đồng nhưng đến ngày 31/12/2017, doanh nghiệp này đã thực hiện nộp thuế với số tiền hơn 13 tỷ đồng.
Việc này để xử lý Cục Thuế TP HCM đã có quyết định gửi các ngân hàng tại Việt Nam đề nghị khấu trừ toàn bộ số tiền khách hàng có tài khoản ngân hàng tại Việt Nam chuyển vào tài khoản của Công ty Uber để thực hiện cưỡng chế thuế. Tuy nhiên, Công ty Uber không mở tài khoản ngân hàng tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Tổng cục Thuế đang rà soát lại và có hướng dẫn về cơ sở pháp lý đầy đủ, cụ thể, chắc chắn cho Cục Thuế TP HCM để thực hiện theo quy định của pháp luật. Khi có thông tin tiếp theo về việc xử lý sẽ cung cấp cho các cơ quan báo chí.
Trước đó, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính đã yêu cầu Cục Thuế TP HCM thực hiện thanh tra đối với Công ty TNHH Uber BV Hà Lan tại Việt Nam, Công ty TNHH Grab Việt Nam và các công ty taxi truyền thống và báo cáo kết quả thanh tra trước ngày 30/7/2017.
Tổng cục Thuế yêu cầu Cục thuế TP HCM lựa chọn thanh tra việc chấp hành nghĩa vụ thuế đối với 2 doanh nghiệp taxi truyền thống trên địa bàn. Phản ánh từ các doanh nghiệp taxi truyền thống cho thấy phải "cõng" nhiều loại thuế phí trong khi Uber, Grab chỉ chịu mức thuế 4- 5% doanh thu.
Tính riêng 30.000 xe taxi ở Hà Nội và TPHCM, trung bình mỗi năm các doanh nghiệp phải đóng cho Nhà nước 2.000 tỷ đồng tiền thuế. Trong khi đó, với 31.000 xe hợp đồng đang hoạt động như taxi, phần lớn tham gia loại hình ứng dụng công nghệ như Uber, Grab thì trung bình mỗi năm ngành thuế chỉ thu được 20 tỷ đồng.