Vội vàng thông qua, sẽ khó thay đổi
Về nguyên lý, Việt Nam là một nước theo hệ thống dân luật, toàn bộ các đạo luật đều làm theo cách này, trừ Luật Thủ đô. Tuy nhiên, Luật Thủ đô là luật quy định về trung tâm chính trị - hành chính số một của nước Việt Nam chứ không phải là luật về Hà Nội, hay là nghị quyết cho Hà Nội chuyển thành thủ đô. Khi làm Luật Thủ đô, về pháp lý, Hà Nội đã là thủ đô và đã hoạt động với tư cách thủ đô.
Các quy định cụ thể cho 3 ĐKKT (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc) thực chất là lấy từ trong các đề án thành lập 3 đặc khu này, mà 3 đề án này chưa được Quốc hội thông qua. Tuy đều có hiệu lực bắt buộc nhưng ban hành luật về ĐKKT khác với ra nghị quyết thành lập ĐKKT. Một đằng phải dùng phương pháp trừu tượng hóa điển hình của việc lập pháp, lập quy để ban hành các hành lang và mẫu mực pháp lý cho hành vi và quan hệ xã hội; một đằng thì dùng phương pháp cá biệt hóa với những thông tin cụ thể để quyết định cho ra đời 3 địa phương cá biệt. Các nhà luật học đều biết đầu ra của luật là những quy phạm pháp lý "trừu tượng mang tính bắt buộc phổ cập", đầu ra của nghị quyết thành lập ĐKKT là những quy định cụ thể, cá biệt, có tính chất chính sách. Đánh lộn sòng hai công việc này là điều không bình thường trong lịch sử lập pháp hiện đại của Việt Nam. Nếu khi xem xét, đánh giá các dữ liệu, thông số, yếu tố, tác động về chính trị, xã hội, kinh tế, kỹ thuật để ra nghị quyết thành lập 3 đặc khu mà đại biểu Quốc hội muốn thay đổi, điều chỉnh thì cũng không thể làm được vì họ đã thông qua những điều ấy bằng luật về ĐKKT rồi.
Ngoài ra, rất nhiều ưu đãi vượt trội về thuế, miễn giảm dài về tiền thuê đất, thuê mặt biển, chưa được phân tích khoa học về cái được, cái mất. Rất nhiều ngành - nghề được đề xuất với nhiều loại ưu đãi nhưng không chứng minh được tính khả thi của mục đích đề ra. Chưa kể, có những ngành nghề mâu thuẫn nhau, như khi ưu đãi nhằm thu hút mạnh về du lịch, khách sạn, casino thì rất khó thu hút dự án đầu tư về công nghiệp cao, hay về nghiên cứu khoa học, giáo dục cao cấp. Ba địa điểm được lựa chọn rõ ràng là có những thuận lợi và hấp dẫn cao về du lịch và bất động sản, vì vậy nhiều nhà đầu tư đã vào đầu tư, hiện đang khai thác và chào bán sản phẩm. Những nhà đầu tư ấy đã đến sớm, khi giá đất và chi phí khác còn rẻ. Như vậy, tại sao lại phải đề ra nhiều ưu đãi về thuế và tiền thuê đất?
Thiếu đối sách ứng phó nguy cơ
Với sự lựa chọn 3 địa điểm đó để làm ĐKKT, Quốc hội chưa hề được tiếp cận và thông qua những công trình nghiên cứu, khảo sát cẩn trọng về an ninh - quốc phòng, trong khi đó là những vị trí có thể có tác động chiến lược trong việc bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia và hiện là nơi cư trú của hàng trăm ngàn dân. Các ĐKKT sẽ cho phép đầu tư vào hàng ngàn kilômét vuông đất liền, rừng, núi mà cả hàng chục ngàn kilômét vuông mặt biển, thềm lục địa trên lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam. Hiện nay, biển Đông đã bị quân sự hóa với cường độ cao, phạm vi rộng và nguy cơ xung đột lớn. Chủ quyền và an ninh của nước ta và ngay cả các hoạt động kinh tế, đời sống bình thường của nhân dân ta trên biển, đã và đang bị đe dọa, thậm chí xâm hại thường xuyên.
Trong khi đó, ở mỗi đặc khu, những quy định dễ dãi về miễn thị thực dài hạn sẽ tạo điều kiện cho hàng triệu người nước ngoài đến du lịch, làm ăn, lao động, sinh sống thường xuyên và cho hàng chục ngàn người nước ngoài di dân đến, hình thành những cộng đồng định cư dài hạn. 131 ngành nghề, kể cả những ngành nghề chưa được Việt Nam cam kết trong WTO, cũng được mở cửa cho nước ngoài đầu tư, ví dụ: kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị; kinh doanh quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang, vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; kinh doanh xăng dầu, dịch vụ nổ mìn...
Những quy định như dự thảo luật sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài nắm giữ quyền sử dụng đất và mặt biển dài hạn từ 50, 70 đến 99 năm và sở hữu bất động sản vĩnh viễn, không hạn chế số lượng, với những ưu quyền đặc biệt trong các đặc khu, trong đó có quyền chuyển nhượng dễ dàng cho bất kỳ tổ chức, cá nhân từ bất kỳ quốc gia nào khác. Một số thế lực ngoại bang có dư tiền để biến đất của chúng ta thành lãnh thổ trên thực tế của họ bằng chính pháp luật mà chúng ta thông qua. Những quy định thiết kế như trong dự luật sẽ "trói tay" Việt Nam trong việc ngăn cản các âm mưu xâm chiếm lãnh thổ bằng tiền, bằng vốn đầu tư, bằng các bẫy nợ, bằng di dân hợp pháp và các sức mạnh mềm khác. Nếu dự luật không đề ra những tiêu chí và điều kiện chặt chẽ, chế tài nghiêm ngặt và có hiệu lực, khi chúng ta phản ứng những hành vi sai trái, họ có thể kiện chúng ta ra các cơ quan tài phán nước ngoài, thậm chí dùng vũ lực với lý do bảo vệ công dân họ.
Qua các đề án, chưa thấy có đối sách cho các nguy cơ đó.
Ngoài việc dành ra rất nhiều tài nguyên ở 3 vùng đất và vùng biển được thiên nhiên ưu đãi hào phóng như Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, chúng ta đã đầu tư khá lớn vào hạ tầng kỹ thuật ở 3 khu vực này và các vùng phụ cận. Theo các số liệu của các đề án, còn phải đầu tư 1,57 triệu tỉ đồng vào hạ tầng kỹ thuật để có khả năng thu hút các dự án. Nếu nhà nước có đủ ngân sách cho 50% thì cũng phải dựa vào vốn nước ngoài cho 50% còn lại và vốn đó phải trả hoặc bằng tiền, hoặc bằng tài nguyên hay các lợi ích khác. Tạm quy hết ra tiền thì khi nào chúng ta có thể thu hồi vốn và có lãi đối với một khoản đầu tư khổng lồ nhiều trăm tỉ USD như thế cho ngân sách nhà nước và cho đất nước? Chưa kể, cái chúng ta cần từ 3 đặc khu không chỉ là thu ngân sách mà là sức bật, sức đẩy và sức lan tỏa cho đất nước phát triển thành một quốc gia hiện đại, văn minh trong thời đại công nghệ cao của thế giới.
Ba đề án thành lập ĐKKT và dự luật về ĐKKT chưa giải đáp được những bài toán này.
Đừng mạo hiểm! Khi Chính phủ chưa cung cấp được hết các thông tin, chưa giải trình được hết các tình huống lợi và hại, Quốc hội chưa đủ điều kiện xem xét, thảo luận, tranh luận, cân nhắc thấu đáo để thông qua luật và các đề án về 3 ĐKKT, trong tình huống đó mà vẫn thông qua thì là sự "đánh cược", như tiến sĩ Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - đã nhận xét. Và Quốc hội cũng như Chính phủ không nên "mạo hiểm" khi thông qua những quyết định liên quan đến chủ quyền và lợi ích quốc gia, số phận và quyền lợi của đa số nhân dân trong thời hạn 50, 70 năm hay xấp xỉ một thế kỷ như vậy. Kiến nghị lùi ngày "bấm nút" Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam ngày 3-6 đã có văn bản gửi lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội, kiến nghị nên lùi thêm một kỳ họp Quốc hội nữa mới xem xét thông qua dự án Luật Đặc khu. Các quyết sách liên quan đến ĐKKT cũng cần được điều chỉnh một cách căn cơ, mang tính dự báo tầm nhìn dài hạn tốt hơn. Theo Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, các ĐKKT sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chiến lược phát triển quốc gia trong dài hạn, trong khi nguồn lực đang cần được phân bổ hợp lý hơn trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đúng chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng một cách toàn diện, theo hướng phát triển bền vững. Trong văn bản kiến nghị, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cũng bày tỏ lo lắng về quy mô diện tích 3 đặc khu, mức độ ưu đãi "quá đáng" trong khi hiệu quả mang lại chưa rõ… T.Phương |
Luật sư Trương Trọng Nghĩa (đại biểu Quốc hội)
Báo Lao động
>> Làm đặc khu kinh tế: Đừng để dân thêm gánh nặng thuế phí