Chung kết Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”

Vòng Chung kết Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” năm 2022, diễn ra tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân, sáng nay ngày 18/12/2022.

Theo Ban tổ chức cuộc thi, mục đích của Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” là truyền tải đi thông điệp: “Bảo vệ người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội”.

Được biết, cuộc thi thuộc Đề án Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho người tiêu dùng yếu thế giai đoạn 2021 - 2025 do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương chủ trì và Tạp chí Công Thương phối hợp tổ chức thực hiện.

Tới dự Vòng chung kết cuộc thi, có lãnh đạo Bộ Công Thương, lãnh đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và các bộ, ngành Trung ương; cùng Ban giám hiệu các trường đại học và gần 1.000 học viên, sinh viên đến tham dự và cổ vũ cho cuộc thi.

Diễn biến của Chung kết Cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng"
Diễn biến của Chung kết Cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng"

Phát biểu chào mừng Vòng chung kết Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” năm 2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định: “Là đối tượng người tiêu dùng trẻ và ngày càng chiếm vai trò quan trọng, các bạn học sinh, sinh viên cần được ưu tiên trang bị các kiến thức, kỹ năng để phục vụ cho các hoạt động tiêu dùng. Do vậy, tôi hoan nghênh và đánh giá cao việc Ban Tổ chức đã tạo điều kiện để các em học viên, sinh viên có cơ hội tham gia tìm hiểu kiến thức pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

Để tiến tới Vòng chung kết cuộc thi, học viên, sinh viên đến từ hơn 10 trường Đại học, Học viện, Cao đẳng trên địa bàn TP. Hà Nội đã tham gia tranh tài ở Vòng sơ khảo cuộc thi diễn ra trong 14 ngày, thu hút hơn 12.000 người tham dự theo hình thức trực tuyến.

10 trường đại học tham gia Vòng sơ khảo, gồm: trường Đại học Công nghiệp Hà Nội; trường Đại học Điện lực; trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội; trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp; trường Đại học Kinh tế Quốc dân; trường Đại học Luật Hà Nội; trường Đại học Ngoại thương; trường Đại học Thương mại; trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội; và trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Thương mại.

Kết quả đã chọn ra 3 trường có tổng điểm cao nhất, giành quyền tham gia vòng thi Chung kết, gồm: trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trường Đại học Luật Hà Nội và trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp.

Cuộc thi thu hút rất nhiều bạn sinh viên quan tâm tham gia cổ vũ
Cuộc thi thu hút rất nhiều bạn sinh viên quan tâm tham gia cổ vũ

Tại Vòng chung kết cuộc thi, 3 đội cùng tham gia trực tiếp thể hiện hiểu biết về pháp luật bảo vệ người tiêu dùng trước Ban Giám khảo và khán giả thông qua 3 phần thi, gồm:

Phần Tài năng sinh viên - Mỗi đội thi sẽ có 3 phút để dùng các phương pháp, loại hình nghệ thuật để thể hiện sự hiểu biết của mình với chủ đề “Quyền của người tiêu dùng”.

Phần Chinh phục đỉnh cao - Ban Giám khảo sẽ đưa ra 10 câu hỏi trắc nghiệm tìm hiểu về pháp luật bảo vệ người tiêu dùng để các đội thi cùng tham gia trả lời.

Phần Góc nhìn Sinh viên - Mỗi đội thi đề cử 01 thành viên đại diện để thực hiện phần hùng biện, giải thích câu hỏi tình huống. Các đội thi được phép sử dụng các phương pháp, loại hình nghệ thuật để minh hoạ cho phần thi này.

Thông qua các phần thi, các học viên, sinh viên đã thể hiện rõ nội dung những quyền của người tiêu dùng được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân trên cương vị người tiêu dùng, cần tìm hiểu và tự trang bị kiến thức cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân, cũng như có trách nhiệm đấu tranh với những hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Từ đó truyền tải đi thông điệp: “Bảo vệ người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội”.

Sau những phần tranh tài sôi nổi và kịch tính, Trường đại học Luật Hà Nội đã giành giải nhất chung cuộc, Trường đại học Kinh tế Quốc dân giành giải nhì và giải 3 thuộc về Trường đại học Kinh tế kỹ thuật và Công nghiệp.

Góp phần vào sự thành công của Vòng chung kết có sự tham gia dồng hành của Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO). Qua đó, khuyến khích các bạn trẻ hướng đến một lối sống khoẻ mạnh và tích cực bằng những hành động cụ thể và sáng tạo để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần. Bên cạnh đó Sabeco thể hiện sự cam kết đồng hành giúp lan toả sâu rộng các thông tin, kiến thức pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến các bạn sinh viên nói riêng, người tiêu dùng nói chung.

Xem thêm

Luật BVQLNTD sửa đổi (Bài 6): Bỏ sót đối tượng là người tiêu dùng dễ bị tổn thương?

Luật BVQLNTD sửa đổi (Bài 6): Bỏ sót đối tượng là người tiêu dùng dễ bị tổn thương?

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi (Luật BVQLNTD) có thêm quy định mới - người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Nhưng theo nhiều ĐBQH và doanh nghiệp, quy định cần phải được bổ sung và sửa đổi. Vì nó chỉ mang tính chất liệt kê và "bỏ sót" nhiều đối tượng, gây nên tình trạng thiếu bình đẳng.

Có thể bạn quan tâm