Luật BVQLNTD (Bài 4): Ai quản việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng?

Trước việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng chưa được đề cao thời gian qua nên chúng ta cần khẩn trương hoàn thiện những quy định pháp luật liên quan.

Pháp nhân kinh doanh luôn “coi thường” việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, liên quan đến việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, giai đoạn trước năm 1999 Nhà nước chưa ban hành văn bản pháp luật chuyên biệt điều chỉnh vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, mà được quy định nằm rải rác trong các văn bản pháp luật thương mại hoặc dân sự.

Do đó, Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999 là bước ngoặt quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở nước ta, tạo nên hành lang pháp lý quan trọng trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Sau khi Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999 được ban hành, tuy bước đầu đã ghi nhận được một số thành tựu, nhưng bên cạnh đó quyền lợi người tiêu dùng vẫn không được đảm bảo và thực trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có chiều hướng gia tăng, do đó đòi hỏi pháp luật phải được bổ sung, sửa đổi để phù hợp với sự phát triển của xã hội và để quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ tốt trên thực tế.

Kể từ khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 có hiệu lực thi hành đến nay gần 12 năm, tình hình thực hiện các quy định của Luật đã có những kết quả đáng ghi nhận. Nhưng theo đánh giá của chúng tôi vẫn có nhiều vướng mắc, tồn tại.

Người tiêu dùng luôn thiếu thông tin về các sản phẩm
Người tiêu dùng luôn thiếu thông tin về các sản phẩm

Cụ thể, theo báo cáo của cơ quan Quản lý thị trường, hành vi gian lận thương mại phổ biến nhất trên thực tế trong thời gian vừa qua là hành vi vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hoá.

Các hành vi cụ thể như nội dung không đúng, nội dung không chính xác, thiếu nhãn phụ đối với hàng hoá nhập khẩu… Điều này xuất phát có thể từ nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, có trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh không nhận thức được hoặc chưa hiểu đúng các quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hoá hoặc chủ yếu xuất phát từ việc tổ chức, cá nhân kinh doanh cố tình thực hiện các hành vi vi phạm nhằm che dấu, cung cấp các thông tin gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng vì mục đích lợi nhuận.

Vụ việc được các đơn vị truyền thông đưa tin gây bão dư luận gần đây như “nấm có xuất xứ từ Trung Quốc về xé bỏ bao bì, gắn mác VietGAP phân phối tại hệ thống Bách Hoá Xanh”, hay “phù phép rau ở chợ đầu mối thành rau sạch Đà Lạt tiêu chuẩn VietGAP bán giá cao trong các đại siêu thị”.

Theo thông tin được đưa ngày 21/9/2022, Công ty CP Sản xuất thương mại Đông A (TP. Thủ Đức, TP.HCM) nhập nấm có xuất xứ từ Trung Quốc về xé bỏ bao bì, gắn mác VietGAP rồi phân phối tại hệ thống Bách Hóa Xanh.

Trước đó, trong thời gian từ tháng 8 đến giữa tháng 9/2022, cơ sở sơ chế rau đặt tại Công ty TNHH MTV Viager (phường Bình Chiểu, TP. Thủ Đức, TP.HCM) đã "phù phép" rau từ chợ đầu mối thành "rau sạch Đà Lạt", chuẩn VietGAP.

Những sản phẩm này sau đó được dán nhãn của Công ty TNHH Trình Nhi và đưa đến tiêu thụ tại các cửa hàng thuộc WinCommerce, 3 Sạch và TikiNGON.

Những vụ việc như trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích, đến niềm tin của người tiêu dùng bởi người tiêu dùng đã cố gắng chọn những địa chỉ có uy tín, thương hiệu khi mua thực phẩm nhưng nếu tổ chức, cá nhân kinh doanh cố tình lừa dối cung cấp thông tin sai sự thật và bên thứ ba chưa làm tốt khâu kiểm tra, kiểm soát về chất lượng và nguồn gốc hàng hoá thì người tiêu dùng biết phải làm sao?

Các hoạt động cung cấp thông tin về hàng hoá, dịch vụ đối với người tiêu dùng vẫn chưa được thực hiện một cách thường xuyên, đầy đủ và phong phú về hình thức dẫn đến người tiêu dùng chưa có sự quan tâm đúng mực tới thông tin về hàng hoá, dịch vụ khi thực hiện giao dịch.

Hầu hết người tiêu dùng chỉ lựa chọn hàng hoá, dịch vụ dựa trên thói quen tiêu dùng, các thông tin quảng cáo sản phẩm do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp mà ít khi lưu ý đến những thông tin ghi nhận trên nhãn sản phẩm như: thành phần, cấu tạo, cách sử dụng, lưu ý sử dụng… của hàng hoá.

Trong khi đó các hành vi quảng cáo gây nhầm lẫn, quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh ngày càng có xu hướng gia tăng do tổ chức, cá nhân kinh doanh cố tình không cung cấp các thông tin không trung thực cho người tiêu dùng.

Đáng chú ý khi người dân Việt Nam có xu hướng sử dụng Internet ngày càng tăng số lượng giao dịch theo hình thức thương mại điện tử ngày càng cao. Thông tin về hàng hoá, dịch vụ được đăng tải lên các website, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram… không được kiểm chứng rõ ràng, không có sự ràng buộc trách nhiệm khi giao dịch (như hoá đơn, giấy bảo hành…) hoặc không cung cấp hình thức giao hàng.

Ví dụ, người tiêu dùng đặt mua hàng onlineđược cung cấp hình ảnh, giá cả sản phẩm nhưng khi nhận hàng là sản phẩm khác, hay nhận hàng nhưng không có hoá đơn chứng từ, hướng dẫn sử dụng sản phẩm và giấy chứng nhận bảo hành, mua hàng xách tay không có nhãn bằng Tiếng Việt… là thực trạng vi phạm hết sức phổ biến.

Vậy khi sản phẩm có khuyết tật xảy ra, người tiêu dùng không có thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh để liên hệ giải quyết tranh chấp, hay không có cơ sở để yêu cầu bảo hành hàng hoá.

Báo cáo thường niên năm 2021 Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng về yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng
Báo cáo thường niên năm 2021 Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng về yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng

Nhưng, theo khảo sát do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi tường (iSEE) thực hiện mới đây cho thấy, chỉ có 2 - 3% người tiêu dùng khi bị vi phạm quyền lợi có liên hệ khiếu nại đến cơ quan tổ chức có thẩm quyền. Đáng chú ý, có tới 90% những người tham gia khảo sát không biết đến cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nào bảo vệ quyền lợi của mình.

Từ thực tế trên, có thể khẳng định việc thực thi các quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng mới chỉ được các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện theo hình thức bên ngoài, nhằm đảm bảo đủ về số lượng và yếu tố chưa chú trọng đến chất lượng thực hiện.

Mặt khác, từ phía người tiêu dùng trước khi giao dịch cũng chưa có ý thức tìm hiểu đầy đủ thông tin nên khi tranh chấp xảy ra thường không có căn cứ để bảo vệ quyền lợi của mình.

Một vấn đề nữa cũng phải nhắc tới là hệ thống thiết chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn quy định chồng chéo về mặt thẩm quyền. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa tạo lập được cơ chế phối hợp hoạt động một cách có hiệu quả, dẫn đến tình trạng vi phạm xảy ra trên thực tế khá nhiều, nhưng trách nhiệm chính thuộc cơ quan nào vẫn luôn là câu hỏi được đặt ra.

Cụ thể, thẩm quyền quản lý Nhà nước trong hoạt động quảng cáo được quy định: Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch - quản lý quảng cáo, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quảng cáo trong phạm vi cả nước, Bộ Công thương - thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó có hoạt động quảng cáo thương mại, Bộ Thông tin và truyền thông - quản lý Nhà nước về hoạt động Quảng cáo trên báo chí, trên mạng thông tin máy tính…. Luật cũng quy định, các Bộ quản lý ngành trong phạm vi nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm phối hợp trong quản lý Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo thương mại, đó là Bộ y tế, Bộ Công Thương…

Dù có sự phân cấp quản lý giữa các Bộ, ngành về việc cung cấp thông tin hàng hoá trong hoạt động quảng cáo thương mại. Nhưng do quy định chưa cụ thể dẫn đến sự chồng chéo và quản lý lỏng lẻo trên thực tế.

Đơn cử như vụ việc một công ty sản xuất mỳ ăn liền đã khiếu nại quảng cáo của một tập đoàn thực phẩm lớn do đưa ra thông tin gây nhầm lẫn về chất lượng mì ăn liền và yêu cầu ngừng truyền thông. Bởi theo công ty này, quảng cáo đã cung cấp thông tin gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về chất lượng mì là hành vi cạnh tranh không lành mạnh nên đã gửi đơn khiếu nại đến Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng. Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng trả lại hồ sơ vụ việc vì cho rằng thuộc thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ Thông tin và Truyền thông thì cho rằng nó thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương.

Qua đó cho thấy việc phân định thẩm quyền không cụ thể, rõ ràng và thiếu quy định về cơ chế phối hợp giải quyết, điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác quản lý vấn đề cung cấp thông tin cho người tiêu dùng.

Đặc biệt là các quy định xử phạt vi phạm về trách nhiệm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng còn khá thấp chưa đủ sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa. Theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP có thể thấy rằng, các quy định pháp luật áp dụng mức phạt như trên là chưa tương xứng với những khoản lợi nhuận mà các tổ chức, cá nhân kinh doanh thu được từ hành vi vi phạm.

Tăng mức phạt, phân rõ trách nhiệm quản lý!

Trong các cuộc trao đổi với Phóng viên Thương gia, nhiều chuyên gia về lĩnh vực tiêu dùng đều cho rằng, để bảo vệ người tiêu dùng chúng ta cần ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách cụ thể hơn.

Hiện nay các quyền của người tiêu dùng nói chung và quyền được cung cấp thông tin nói riêng được quy định một cách chung chung rải rác trong Luật mà chưa được hướng dẫn cụ thể.

Các thông tin mà Luật yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh phải cung cấp cho người tiêu dùng được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật khác cụ thể hơn, thế nhưng người tiêu dùng không thể nắm bắt, tìm hiểu được hết tất cả các văn bản để có thể bảo đảm quyền lợi của mình.

Do đó, đòi hỏi phải ban hành văn bản hướng dẫn, theo đó, quy định cụ thể các thông tin mà người tiêu dùng có quyền được biết là những thông tin gì, phương thức cung cấp thông tin cho người tiêu dùng ra sao và nếu những thông tin đó đã được quy định tại các văn bản pháp luật khác nhau thì phải có sự liệt kê các văn bản đó để người tiêu dùng hiểu rõ quyền lợi mà mình được hưởng.

Cần phân rõ trách nhiệm quản lý trong việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng
Cần phân rõ trách nhiệm quản lý trong việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng

Bên cạnh đó là xây dựng chế tài xử phạt hợp lý đối với các hành vi vi phạm trách nhiệm cung cấp thông tin. Bởi lẽ, một trong những công cụ hữu hiệu nhất để thực hiện công tác quản lý của cơ quan Nhà nước đối với các hành vi vi phạm pháp luật là sử dụng chế tài.

Tuy nhiên, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm về trách nhiệm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh và bên thứ ba còn khá thấp, không đủ tính răn đe đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Thực tế chi phí cho đoạn quảng cáo chỉ ba mươi giây trên truyền hình có giá lên tới hàng trăm triệu, vậy mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hay bên thứ ba chỉ bị phạt tiền tối đa hai mươi triệu đồng hay năm mươi triệu đồng khi cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ cho người tiêu dùng thì trên thực tế, các doanh nghiệp có thể sẵn sàng chịu phạt, miễn là họ có thể khiến cho người tiêu dùng mua hàng hoá, dịch vụ do mình cung cấp.

Do đó, cần phải tăng mức phạt tiền để mang tính răn đe ngăn ngừa vi phạm để các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình, cung cấp các thông tin về hàng hoá, dịch vụ một cách trung thực và rõ ràng cho người tiêu dùng.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Tổ chức, cá nhân kinh doanh để bán được hàng hoá, dịch vụ cho người tiêu dùng sẽ cố gắng đưa ra các thông tin hấp dẫn về giá cả, chất lượng của sản phẩm mà đôi khi các thông tin này không chính xác nhằm gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng hiểu lầm về hàng hoá, dịch vụ mà mình muốn mua.

Chính vì vậy, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần kịp thời xử lý các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trên thực tế.

Ở mỗi địa phương đặc biệt là các Thành phố lớn nơi tập trung đông dân cư, Sở Công thương cần liên kết với các cơ quan quản lý nhà nước như Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở Y tế, Cục Quản lý thị trường… để thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn thành phố để xử lý kịp thời; tăng cường nguồn lực để đáp ứng được nhu cầu giải quyết khiếu nại của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng.

Bên cạnh đó là tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng như trang bị cho người tiêu dùng nhưng thông tin cơ bản để người tiêu dùng có thể bảo vệ mình.

Như đã đề cập ở trên nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh không nhận thức đúng, đầy đủ quy định của pháp luật nên đã thực hiện những hành vi vi phạm quyền được thông tin của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng chưa được trang bị kiến thức về pháp luật cũng như kiến thức tiêu dùng.

Ví dụ, hầu hết người tiêu dùng Việt Nam không hiểu được các thông số kĩ thuật ghi trên nhãn hay không biết quy định về nhãn phụ đối với hàng hoá nhập khẩu là bắt buộc… Việc này đòi hỏi cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người tiêu dùng.

Theo đó, nên phát hành miễn phí tại các địa điểm công cộng như chợ, siêu thị… những cuốn cẩm nang mua sắm, cẩm nang quyền lợi của người tiêu dùng … Những cuốn cẩm nang này phải được biên soạn rõ ràng, súc tích, đơn giản để người tiêu dùng có thể nắm bắt một cách dễ dàng nhất, từ đó mới có thể tự bảo vệ mình.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...