Kết thúc phiên 4/9, chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 38,04 điểm (+0,09%) lên 40.974,97 điểm; S&P 500 giảm 8,86 điểm (-0,16%) xuống 5.520,07 điểm và Nasdaq Composite trượt 52,00 điểm (-0,30%) xuống 17.084,30 điểm.
6 trong số 11 ngành thuộc S&P 500 hoạt động yếu hơn, với năng lượng và công nghệ là lĩnh vực có mức giảm mạnh nhất. Ngược lại, tiêu dùng thiết yếu và tiện ích dẫn đầu nhóm tăng.
Ở các diễn biến riêng lẻ, cổ phiếu Nvidia kéo dài đà giảm thêm 1,7% vào cuối phiên. Trước khi thị trường đóng cửa, công ty đã phủ nhận thông tin nhận được trát hầu tòa từ Bộ Tư pháp Mỹ. Các cổ phiếu công nghệ lớn khác cũng đi xuống, bao gồm Apple (-0,9%), Microsoft (-0,1%), Alphabet (-0,5%) và Amazon.com (-1,7%).
Trong khi đó, cổ phiếu Tesla tăng 4,2%.
Advanced Micro Devices leo gần 3% sau khi công ty bổ nhiệm cựu giám đốc điều hành Nvidia Keith Strier làm phó chủ tịch cấp cao thị trường AI toàn cầu. Chỉ số Philadelphia SE Semiconductor có tín hiệu hồi phục, tăng nhẹ 0,25%.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 10,5 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 11 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Về khía cạnh kinh tế, dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số lượng vị trí việc làm tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm rưỡi vào tháng 7. Với tình trạng căng thẳng của thị trường lao động đang giảm bớt, khả năng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất tại cuộc họp cuối tháng là điều mà giới đầu tư đang quan tâm hàng đầu.
“Tháng 9 luôn là giai đoạn biến động, nhưng nền kinh tế vẫn mạnh mẽ. Người tiêu dùng vẫn ổn, thị trường lao động vẫn tốt. Tôi vẫn lạc quan về bức tranh tổng thể”, ông Bill Strazzullo, chiến lược gia trưởng thị trường tại Bell Curve Trading cho biết.
Cũng trong ngày, chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic đã đưa ra nhận xét rằng ngân hàng trung ương không nên duy trì mức lãi suất cao quá lâu vì có nguy cơ gây thiệt hại cho thị trường việc làm. Theo ông, nếu chờ đợi đến khi lạm phát giảm về mức 2% rồi mới cắt giảm lãi suất có thể gây ra những gián đoạn không cần thiết.
GIÁ DẦU TIẾP TỤC TRƯỢT GIẢM
Trên thị trường năng lượng, hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 1,4% xuống 72 USD/thùng, WTI giảm 1,6% còn 69,20 USD/thùng.
Theo Reuters đưa tin, Tổ chức OPEC+ đang thảo luận về việc hoãn kế hoạch tăng sản lượng vào tháng tới, trích dẫn nguồn tin nội bộ. Biến động trên thị trường, thực trạng các cơ sở dầu Libya bị đóng cửa và triển vọng nhu cầu yếu đã gây ra lo ngại trong nhóm, với một nguồn tin cho biết khả năng hoãn là rất cao vào thời điểm này.
Trước đó, 8 thành viên OPEC+ dự kiến tăng sản lượng thêm 180.000 thùng/ngày vào tháng 10 như một phần trong quyết định giảm bớt mức cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày.
Lo ngại về suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, châu Âu và Mỹ cũng đè nặng lên thị trường dầu mỏ trong thời gian qua, với một số nhà giao dịch lo lắng rằng các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Fed, đã giữ lãi suất ở mức cao trong quá lâu.