Chứng khoán Mỹ nhuộm đỏ vì "quả bom" Nvidia

Chứng khoán Mỹ đã giảm điểm vào phiên 28/8 trước thềm công bố báo cáo quý từ Nvidia. Đây được xem như tâm điểm chú ý hiện tại của Phố Wall và có thể gây biến động lớn trong lĩnh vực công nghệ…

Chứng khoán Mỹ nhuộm đỏ vì "quả bom" Nvidia

Kết thúc phiên 28/8, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 0,39% còn 41.091,42 điểm, S&P 500 mất 0,60% và đóng cửa ở mức 5.592,18 điểm, Nasdaq trượt 1,12% xuống 17.556,03 điểm.

Trong số 11 nhóm ngành thuộc S&P 500, có 8 lĩnh vực giảm điểm, dẫn đầu là công nghệ thông tin giảm 1,3%, theo sau là ngành tiêu dùng không thiết yếu giảm 1,05%.

Cổ phiếu Nvidia đã mất 2,1% trước thời điểm công bố kết quả kinh doanh quý sau giờ đóng cửa. Diễn biến này đã hạ mức tăng kể từ đầu năm đến nay xuống còn 154%.

Báo cáo sắp tới của Nvidia có thể tác động đến Microsoft, Alphabet và các công ty lớn khác trong ngành công nghệ.

“Nvidia là biểu tượng đi đầu trong cuộc đua AI nên sẽ khá khó khăn để thị trường tiếp tục tiến lên nếu Nvidia gặp trở ngại”, cảnh báo của ông Keith Buchanan, quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại GLOBALT Investments.

“Không ai biết Nvidia có thể tiếp tục gây bất ngờ trong bao lâu, nhưng rõ ràng điều đó không thể kéo dài mãi mãi”, ông Buchanan nói thêm.

Dữ liệu từ công ty phân tích ORATS cho thấy các nhà giao dịch dự đoán khả năng biến động khoảng 9,8% trong cổ phiếu của Nvidia vào thứ Năm, một ngày sau khi công ty báo cáo kết quả.

Các cổ phiếu chip khác cũng mất đà, với Broadcom và Advanced Micro Devices mất hơn 2%. Alphabet, Microsoft và Amazon giảm khoảng 1%. Super Micro Computer lao dốc 19% sau khi công ty cho biết sẽ hoãn nộp báo cáo hàng năm cho năm tài chính kết thúc vào ngày 30/6, một ngày sau khi Hindenburg Research tiết lộ vị thế bán khống trong công ty.

Giá trị thị trường của Berkshire Hathaway lần đầu tiên cán mốc 1 nghìn tỷ USD. Cổ phiếu hạng B của công ty tăng khoảng 0,9%.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 9,9 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 11,7 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên vừa qua

Về khía cạnh kinh tế, các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ trong cuộc họp tháng 9. Công cụ FedWatch của CME Group hiện thấy có 64% khả năng cắt giảm 0,25 điểm phần trăm và 37% khả năng cắt giảm 0,50 điểm phần trăm.

Báo cáo Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân cho tháng 7, dự kiến công bố vào thứ Sáu, có thể cung cấp thêm manh mối về lộ trình hạ lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ.

GIÁ DẦU GIẢM 1%

Trên thị trường năng lượng, giá dầu mất hơn 1% vào thứ Tư sau khi có dữ liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm ít hơn dự kiến và những lo ngại về nhu cầu từ Trung Quốc vẫn hiện hữu.

Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 90 cent, tương đương 1,13%, xuống 78,65 USD/thùng. Giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,01 USD, tương đương 1,34%, xuống 74,52 USD/thùng.

Giá dầu đã mất hơn 2% vào thứ Ba, sau khi tăng 7% trong ba ngày trước đó lên hơn 81 USD/thùng đối với dầu Brent và 77 USD/thùng đối với WTI.

Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy, tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 846.000 thùng vào tuần trước, ít hơn hẳn so với dự báo của các nhà phân tích về mức giảm 2,3 triệu thùng. Hoạt động lọc dầu đã tăng lên mức cao nhất trong sáu tuần.

Những lo ngại về nhu cầu ở Trung Quốc cũng tiếp tục đè nặng lên giá cả khi dữ liệu gần đây chỉ ra rằng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tiếp tục gặp khó khăn và nhu cầu dầu vẫn đang suy giảm. "Nhu cầu ở Trung Quốc đang yếu kém và khả năng phục hồi dự kiến trong nửa cuối năm vẫn chưa có tín hiệu rõ ràng”, Amarpreet Singh, nhà phân tích tại Barclays, cho biết trong một ghi chú.

Xem thêm

Chứng khoán Mỹ tăng liên tiếp 8 phiên

Chứng khoán Mỹ tăng liên tiếp 8 phiên

Chứng khoán Mỹ kết thúc phiên 19/8 ở vùng tích cực, tiếp nối mức tăng từ tuần trước khi các nhà đầu tư tập trung vào hai sự kiện Đại hội Toàn quốc của Đảng Dân chủ và Hội nghị Kinh tế Jackson Hole diễn ra trong tuần này…

Có thể bạn quan tâm