Kết thúc phiên 13/11, chỉ số Dow Jones tăng 47,21 điểm (+0,11%) lên 43.958,19 điểm, S&P 500 thêm 1,39 điểm (+0,02%) thành 5.985,38 điểm và Nasdaq Composite giảm 50,66 điểm (-0,26%) xuống 19.230,74 điểm.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10 đã tăng 0,2%, đánh dấu tháng tăng thứ tư liên tiếp, và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu loại trừ các yếu tố thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 0,3%, đúng như dự báo của các chuyên gia.
Sau báo cáo, các nhà đầu tư đã đặt cược 82% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm trong cuộc họp tháng 12, theo công cụ FedWatch của CME Group.
Mặc dù vậy, một số quan chức Fed có phần thận trọng hơn trong phát biểu hôm thứ Tư, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari cho biết ông tin rằng lạm phát đang có xu hướng giảm và dữ liệu CPI đã xác nhận điều đó.
“Thật sự nhẹ nhõm khi lạm phát không vượt quá kỳ vọng. Số liệu đúng như dự đoán giúp xoa dịu một phần những lo ngại. Không có gì trong dữ liệu hôm nay cho thấy khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 12 sẽ bị bác bỏ”, ông Angelo Kourkafas, chiến lược gia đầu tư cao cấp tại Edward Jones nhận xét.
Tuy nhiên, Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas Lorie Logan cảnh báo rằng ngân hàng trung ương Mỹ nên thận trọng khi tiếp tục giảm lãi suất để tránh làm lạm phát tăng trở lại.
Lạm phát tăng trở lại cũng được cho là một rủi ro vào thời chính quyền Trump 2.0. Mặc dù vậy, các nhà đầu tư vẫn lạc quan rằng chính quyền mới sẽ theo đuổi chính sách thân thiện với doanh nghiệp và có thể thực hiện các biện pháp giảm thuế. Những dự báo rằng Đảng Cộng hòa sẽ giành được đa số tại Hạ viện cho thấy ông Trump có thể dễ dàng thúc đẩy các chính sách của mình hơn.
Sau báo cáo lạm phát, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm giảm mạnh, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm phục hồi và đạt mức cao nhất là 4,46%.
Trong các cổ phiếu riêng lẻ, Spirit Airlines lao dốc 59% vào thứ Tư sau khi có thông tin rằng hãng hàng không Mỹ này đang chuẩn bị nộp đơn xin bảo vệ phá sản. Về phía mình, công ty cho biết họ đang thảo luận với các chủ nợ.
Cổ phiếu của Rivian tăng vọt 13,7% sau tin tức Volkswagen tăng cường đầu tư vào nhà sản xuất xe điện này.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 16,49 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 13,46 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên giao dịch vừa qua.
GIÁ DẦU PHỤC HỒI
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng nhẹ vào 13/11 sau khi trượt dốc vào ngày hôm trước. Tuy nhiên, đà phục hồi vẫn bị giới hạn do đồng USD đạt mức cao nhất trong bảy tháng.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 0,5%, đạt 72,28 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI cũng tăng 0,5%, lên 68,43 USD/thùng.
Hôm 12/11, cả hai hợp đồng đều đóng cửa ở mức thấp nhất trong gần hai tuần sau khi OPEC hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu cho năm 2024 và 2025, dẫn đến lo ngại về nhu cầu suy yếu tại các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và các khu vực khác.
"Dự báo này chắc chắn mang tính tiêu cực và thị trường vẫn đang nghiền ngẫm về nó”, ông Bob Yawger, giám đốc thị trường tương lai năng lượng tại Mizuho cho biết.
Trong khi đó, theo thông báo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu của Mỹ và toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên mức cao kỷ lục trong năm nay, vượt các dự báo trước đây. Cụ thể, sản lượng dầu của Mỹ được dự báo sẽ đạt trung bình 13,23 triệu thùng/ngày, còn sản lượng dầu toàn cầu sẽ đạt 102,6 triệu thùng/ngày.