Kết thúc phiên 7/11, chỉ số Dow Jones giảm 0,59 điểm, gần như không thay đổi, ở mức 43.729,34 điểm, S&P 500 thêm 44,06 điểm (+0,74%) lên 5.973,10 điểm, trong khi Nasdaq Composite tăng 285,99 điểm (+1,51%) đạt 19.269,46 điểm.
Dịch vụ viễn thông, với đà tăng 1,92%, là lĩnh vực có thành tích tốt nhất trong số 11 nhóm ngành thuộc S&P 500. Diễn biến tích cực của cổ phiếu Warner Bros Discovery, nhảy vọt 11,81% sau báo cáo lợi nhuận quý 3, đã hỗ trợ cho chỉ số.
Ngược lại, nhóm tài chính lại có hoạt động yếu nhất, giảm 1,62% khi ngành ngân hàng mất tới 3,09%.
Cổ phiếu của JP Morgan giảm 4,32% và Goldman Sachs trượt 2,32%, từ đó gây áp lực tiêu cực lên chỉ số Dow Jones.
Về khía cạnh kinh tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp ngày 6-7/11 khi các nhà hoạch định chính sách nhận thấy thị trường lao động đã có phần hạ nhiệt và lạm phát tiếp tục về gần mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương Mỹ.
Thị trường hầu như đều kỳ vọng về quyết định này và giờ đây sẽ tập trung vào các bình luận từ chủ tịch Fed Jerome Powell để có thêm chỉ dẫn về hướng đi của chính sách tiền tệ trong tương lai.
Trước đó, chính ông Powell đã lên tiếng cho biết Fed chưa hề có quyết định gì đối với hành động lãi suất cho tháng 12, nhưng Fed sẵn sàng điều chỉnh các đánh giá về tốc độ và mục tiêu của chính sách tiền tệ trong bối cảnh bất định như hiện nay.
Các nhà đầu tư hiện cũng đang tập trung chú ý vào việc liệu Đảng Cộng hòa có thể giành quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ hay không. Nếu thành hiện thực, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng loạt chương trình nghị sự của chính quyền Trump.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm nhẹ, trong đó lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chuẩn đã hạ từ mức cao nhất trong 4 tháng là 4,479% xuống còn 4,332%.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ đạt 16,78 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 12,46 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên giao dịch vừa qua.
GIÁ DẦU ĐI LÊN
Giá dầu tăng hơn 1% vào thứ Năm khi thị trường đánh giá các tác động có thể xảy ra từ chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump đối với nguồn cung dầu mỏ, trong khi đơn vị khoan dầu cắt giảm sản lượng và chuẩn bị đối phó với cơn bão Rafael. Tuy nhiên, một đồng USD mạnh hơn và xu hướng giảm sút nhập khẩu từ Trung Quốc đã hạn chế đà tăng.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 1,05 USD, tương đương 1,4%, lên 75,97 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,06 USD, tương đương 1,48%, lên 72,75 USD/thùng.
"Theo lịch sử, các chính sách của Trump thường ủng hộ kinh doanh, điều này có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tổng thể và thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu. Tuy nhiên, bất kỳ sự can thiệp nào vào các chính sách nới lỏng của Fed cũng có thể tạo ra thêm thách thức cho thị trường dầu”, bà Priyanka Sachdeva, nhà phân tích thị trường cao cấp tại Phillip Nova cho biết.
Ngoài ra, giá dầu còn nhận được sự hỗ trợ từ dự đoán rằng chính quyền Trump sẽ thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Iran và Venezuela.