Kết thúc phiên 17/1, chỉ số Dow Jones tăng 334,70 điểm (+0,78%) lên 43.487,83 điểm, S&P 500 thêm 59,32 điểm (+1,00%) đạt 5.996,66 điểm và Nasdaq Composite leo 291,91 điểm (+ 1,51%) thành 19.630,20 điểm.
Tính cả tuần, Dow Jones tăng 3,69%, S&P leo 2,92% và Nasdaq tăng 2,43%.
9 trong số 11 lĩnh vực thuộc S&P 500 đều ngập tràn sắc xanh, dẫn đầu là tiêu dùng không thiết yếu với mức tăng 1,7%.
Cổ phiếu Nvidia tăng 3,1%, Broadcom thêm 3,5% sau khi Barclays nâng mục tiêu giá, giúp chỉ số bán dẫn PHLX leo 2,84%.
Cổ phiếu Intel leo dốc 9,25% trước tin đồn về một thương vụ mua lại, trong khi Qorvo tăng 14,43% sau tiết lộ Starboard Value nắm giữ 7,7% cổ phần công ty.
Các cổ phiếu như Meta chỉ phản ứng nhẹ sau khi Tòa án Tối cao Mỹ thông qua lệnh cấm TikTok buộc công ty mẹ phải bán hoạt động tại Mỹ hoặc bị cấm toàn diện bắt đầu từ ngày 19/1. Meta nhích nhẹ 0,24%, trong khi Snap giảm 3,21%.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ đạt 14,57 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 15,65 tỷ cổ phiếu của 20 ngày giao dịch gần đây.
Chỉ số S&P 500 và Dow Jones ghi nhận mức tăng phần trăm hàng tuần cao nhất kể từ đầu tháng 11/2024, trong khi Nasdaq ghi nhận tuần tốt nhất kể từ đầu tháng 12.
Các dữ liệu trong tuần qua đã xoa dịu lo ngại về sự gia tăng trở lại của áp lực lạm phát, đồng thời thúc đẩy kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ điều chỉnh thời gian và mức độ cắt giảm lãi suất năm nay.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng nhẹ 0,013 điểm phần trăm lên 4,619%, sau khi đạt mức cao nhất trong 14 tháng là 4,809% vào đầu tuần. Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết ngân hàng trung ương có thể cắt giảm lãi suất sớm hơn và nhanh hơn dự kiến khi lạm phát có khả năng tiếp tục hạ nhiệt.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ nhậm chức vào thứ Hai, ngày thị trường Mỹ đóng cửa theo kỳ nghỉ lễ Martin Luther King Jr.
Trong vài tuần qua, sự không chắc chắn về khả năng một số chính sách của ông Trump, chẳng hạn như thuế quan, có thể làm tăng áp lực lạm phát và làm chậm tiến trình cắt giảm lãi suất đã ảnh hưởng đến thị trường. Tuy nhiên, mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp khởi đầu với kết quả tích cực từ nhiều ngân hàng lớn đã giúp Phố Wall lạc quan trong tuần này. Chỉ số ngân hàng S&P 500 tăng 7,41% trong tuần.
“Động lực tăng trưởng mạnh hơn, lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện, chúng ta đang bắt đầu năm 2025 trên nền tảng tốt, mặc dù vẫn còn nhiều câu hỏi về chính sách tài khóa, tiền tệ và chương trình nghị sự của ông Donald Trump”, Jim Baird, Giám đốc đầu tư tại Plante Moran Financial Advisors nhận xét.
GIÁ DẦU GHI NHẬN TUẦN TĂNG THỨ 4 LIÊN TIẾP
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm vào thứ Sáu nhưng vẫn đánh dấu tuần tăng thứ tư liên tiếp, do các lệnh trừng phạt mới của Mỹ với thương mại năng lượng Nga làm gia tăng lo ngại về gián đoạn nguồn cung toàn cầu.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 50 cent, tương đương 0,6%, xuống 80,79 USD/thùng. Dầu WTI giảm 80 cent, tương đương 1%, xuống 77,88 USD/thùng.
Trong tuần, dầu Brent tăng 1,3%, WTI tăng 1,7%.
"Những lệnh trừng phạt đối với Nga đang gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung tại châu Âu, Ấn Độ và Trung Quốc”, Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group đánh giá.
Vào tuần trước, chính quyền Joe Biden đã công bố lệnh trừng phạt mở rộng nhắm vào các nhà sản xuất dầu và tàu chở dầu của Nga. Giới đầu tư hiện đang đánh giá tác động tiềm ẩn từ việc Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào thứ Hai. Bộ trưởng Tài chính được ông Trump đề cử từng tiết lộ rằng ông sẵn sàng áp đặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt hơn đối với dầu mỏ Nga.