Chứng khoán Mỹ vượt đỉnh lịch sử

S&P 500 và Nasdaq thiết lập mức đóng cửa cao nhất mọi thời đại và đánh dấu quý tăng trưởng mạnh nhất trong hơn một năm nhờ sự lạc quan về các thỏa thuận thương mại và kỳ vọng Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất…

Chứng khoán Mỹ vượt đỉnh lịch sử

Kết thúc phiên 30/6, chỉ số Dow Jones tăng 275,50 điểm (+0,63%) lên 44.094,77 điểm, S&P 500 leo 31,88 điểm (+0,52%) thành 6.204,95 điểm và Nasdaq Composite thêm 96,28 điểm (+0,48%) đạt 20.369,73 điểm.

Trong số 11 nhóm ngành thuộc S&P 500, có 9 lĩnh vực ghi nhận mức tăng trong ngày. Cổ phiếu của các ngân hàng lớn tại Mỹ tăng mạnh sau khi phần lớn vượt qua bài kiểm tra "stress test" thường niên của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), mở đường cho các chương trình mua lại cổ phiếu và chi trả cổ tức hàng tỷ USD.

Cổ phiếu Meta Platforms Inc cộng thêm 0,6% khi nhà đầu tư phản ứng tích cực với thông tin Meta tuyển dụng bốn chuyên gia AI từ OpenAI để gia nhập nhóm "Superintelligence" của công ty.

Trong khi đó, Oracle Corporation tăng 4% nhờ thông báo ký kết nhiều hợp đồng cung cấp dịch vụ cho các nhà cung cấp điện toán đám mây lớn, trong đó gồm một thỏa thuận dự kiến mang lại hơn 30 tỷ USD doanh thu hàng năm kể từ năm 2028.

“Đợt tăng lần này chủ yếu được dẫn dắt bởi một số cổ phiếu vốn hóa lớn, khiến thị trường trở nên lạc quan dù cho một số vấn đề chính sách vẫn chưa được giải quyết”, ông Cole Smead, giám đốc điều hành và quản lý danh mục đầu tư tại Smead Capital Management nhận định.

Cả ba chỉ số chính đều có thành tích ấn tượng trong tháng 6, nhờ thông tin về một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, làm dấy lên hy vọng rằng các thỏa thuận khác có thể đạt được trước hạn chót 9/7. Trong quý vừa qua, S&P 500 tăng 10,57%, Nasdaq leo dốc 17,75%, và Dow Jones thêm 4,98%. Chỉ số Russell 2000 theo dõi các công ty vốn hóa nhỏ cũng tiến 8,28%.

Ông Roy Behren, đồng Chủ tịch quỹ Westchester Capital Management cho biết: “Tâm lý đầu cơ đang lan rộng. Cuối quý thường chứng kiến lực mua tăng do hoạt động “làm đẹp sổ sách”.

Tuy nhiên, nếu tính 6 tháng đầu năm thì cả ba chỉ số đều ghi nhận mức tăng yếu nhất kể từ năm 2022. Nguyên nhân chính là sự bất ổn liên quan đến chính sách thương mại khiến nhà đầu tư thận trọng, đặc biệt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố loạt thuế quan đối ứng vào ngày 2/4.

Những tiến triển trong đàm phán thương mại với Trung Quốc và Anh đã làm dấy lên hy vọng vọng có thể tránh được một cuộc chiến thương mại toàn cầu quy mô lớn.

Trong một diễn biến liên quan, vào 29/6, Canada đã quyết định hủy bỏ thuế dịch vụ kỹ thuật số nhằm vào các công ty công nghệ Mỹ chỉ vài giờ trước khi chính sách có hiệu lực, nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại đang đình trệ với Washington.

Dù vậy, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cảnh báo sau đó rằng các quốc gia có thể đối mặt với mức thuế cao hơn đáng kể vào ngày 9/7, ngay cả khi họ đang đàm phán một cách thiện chí. Ông cũng cho biết mọi khả năng gia hạn sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của Tổng thống Trump.

Trong khi đó, các nghị sĩ Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ vẫn đang nỗ lực để thông qua dự luật cắt giảm thuế và chi tiêu quy mô lớn của ông Trump, bất chấp những bất đồng nội bộ liên quan đến tác động của dự luật đối với mức nợ công hiện ở mức 36,2 nghìn tỷ USD. Tổng thống Trump muốn dự luật được thông qua trước ngày Quốc khánh 4/7.

Tuần này, thị trường sẽ đón nhận nhiều dữ liệu kinh tế quan trọng, bao gồm số liệu việc làm phi nông nghiệp hàng tháng và khảo sát từ Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) về lĩnh vực sản xuất và dịch vụ trong tháng Sáu.

Nhiều quan chức của Fed, bao gồm Chủ tịch Jerome Powell, cũng dự kiến phát biểu trong tuần này.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ đạt 17,12 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 18,23 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên gần nhất.

GIÁ DẦU HẠ NHIỆT

Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã giảm trong phiên đầu tuần khi giới đầu tư cân nhắc các yếu tố như căng thẳng tại Trung Đông hạ nhiệt và khả năng OPEC+ sẽ tăng sản lượng vào tháng Tám.

Tuần trước, cả Brent và WTI đều ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2023. Tuy nhiên, tính theo tháng, giá đã tăng tháng thứ hai liên tiếp, lần lượt khoảng 6% và 7%.

Hợp đồng tương lai dầu Brent giao tháng Tám giảm 16 cent, tương đương 0,2%, còn 67,61 USD/thùng. Hợp đồng Brent tháng Chín đóng cửa ở mức 66,74 USD/thùng. Trong khi đó, dầu WTI của Mỹ giảm 41 cent, tương đương 0,6%, xuống 65,11 USD/thùng.

Giá dầu từng tăng vọt lên trên 80 USD/thùng trong giai đoạn 12 ngày Israel và Iran không kích lẫn nhau nhưng sau đó nhanh chóng giảm về mức 67 USD khi lệnh ngừng bắn được thiết lập.

Cũng theo dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu thô của Mỹ trong tháng 4 đạt mức cao kỷ lục 13,47 triệu thùng/ngày, tăng nhẹ so với 13,45 triệu thùng/ngày trong tháng 3. Sản lượng cao kỷ lục này cũng góp phần tạo áp lực giảm giá dầu trong phiên.

Bên cạnh đó, bốn nguồn tin từ OPEC+ tiết lộ với Reuters vào tuần trước rằng tổ chức dự kiến sẽ tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày trong tháng 8, nối tiếp theo các đợt tăng tương tự vào tháng 5,6,7. Nếu việc này được thông qua, tổng mức tăng nguồn cung từ OPEC+ kể từ đầu năm đến nay sẽ đạt 1,78 triệu thùng/ngày, tương đương hơn 1,5% tổng nhu cầu toàn cầu.

Xem thêm

Phố Wall khởi sắc nhưng Nasdaq và S&P 500 vẫn “lỡ hẹn” với mốc kỷ lục

Phố Wall khởi sắc nhưng Nasdaq và S&P 500 vẫn “lỡ hẹn” với mốc kỷ lục

Chứng khoán Mỹ khép phiên trong sắc xanh, với hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq tiến gần hơn đến mức đỉnh lịch sử trong bối cảnh thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Iran tiếp tục được duy trì và hàng loạt dữ liệu kinh tế củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất trong năm nay…

Chứng khoán Mỹ gần như đi ngang, giá dầu tiếp tục leo cao

Chứng khoán Mỹ gần như đi ngang, giá dầu tiếp tục leo cao

Phố Wall gần như đi ngang sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết lạm phát có thể tăng trong mùa hè này khi tác động từ chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump bắt đầu lan rộng đến người tiêu dùng…

Có thể bạn quan tâm

Xu hướng tăng ngắn hạn được củng cố

Xu hướng tăng ngắn hạn được củng cố

Thị trường bật tăng mạnh sau nhịp điều chỉnh, mở ra kỳ vọng cho sóng tăng mới. Các công ty chứng khoán dự báo xu hướng tích cực sẽ tiếp diễn dù rung lắc còn hiện hữu...

Làn sóng “thay tướng” lan rộng trong ngành bảo hiểm

Làn sóng “thay tướng” lan rộng trong ngành bảo hiểm

Ngành bảo hiểm Việt Nam đang bước vào một đợt “thay máu” lãnh đạo quy mô lớn, khi chỉ trong hơn một tháng, hàng loạt công ty đồng loạt công bố thay đổi vị trí chủ chốt, từ Tổng giám đốc đến Chủ tịch Hội đồng quản trị…